Rầy phấn trắng bùng phát gây thất thu sa pô
Chưa bao giờ nhiều diện tích sa pô ở khu vực ven sông Tiền lại bị rầy phấn trắng “tấn công” và gây hại đến thế. Nhiều người trồng sa pô ở đây cho biết, rầy bám đầy trái, trên đọt cây… gây thiệt hại năng suất rất lớn.
Anh Lê Văn Công, ấp Phú Ninh, xã Phú Phong thất thu sa pô do rầy phấn trắng gây hại. |
Anh Lê Văn Công, ấp Phú Ninh, xã Phú Phong (Châu Thành), cho biết từ đầu năm đến nay, rầy phấn trắng tấn công dữ dội. Xung quanh khu vực này, vườn nào cũng bị nhiễm rầy, nông dân đã phun đủ các loại thuốc đặc trị vẫn không hết. “Từ tết đến giờ, vườn sa pô 8,5 công của tôi chưa hái bán được kg nào. Trái nào cũng bị rầy bám trắng gần hết, có trái bị nứt, có trái chai không lớn, da đen chỉ còn cách hái bỏ đi” - anh Công cho biết.
Phun thuốc đặc trị không hiệu quả, xót của, nông dân tăng liều lượng cũng như số lần phun. Dùng thuốc hóa học không hiệu quả, nhiều người còn chuyển sang dùng thuốc sinh học nhưng vẫn không có kết quả. “Trước đây, khoảng 10 ngày đến nửa tháng, tôi mới phun thuốc một lần. Mấy tháng gần đây, rầy bùng phát mạnh quá, xót cây sa pô, cứ vài ngày, tôi lại mang bình ra phun. Phun thuốc liên tục như thế, không những không giảm mật số rầy, có khi rầy bùng phát mạnh hơn sau đó. Dùng thuốc hóa học không diệt được rầy, chồng tôi chuyển sang dùng thuốc sinh học nhưng kết quả cũng không thấy đâu. Tiền mua thuốc phun rầy đến nay tăng lên mấy triệu đồng xem như trôi sông” - cô Nguyễn Ngọc Mai, ấp Phú Ninh cho biết.
Theo Hội Làm vườn xã Phú Phong, chưa có năm nào rầy phấn trắng bùng phát dữ dội và kéo dài như năm nay. Nhiều công ty sản xuất thuốc bảo vệ thực vật kết hợp với Hội Làm vườn xã cung cấp thuốc và hướng cách trị cho nông dân nhưng rầy vẫn không bị diệt. Mới đây, một công ty sản xuất thuốc bảo vệ thực vật đưa loại thuốc sinh học vào điều trị thí nghiệm cũng chào thua. Theo ước tính của Hội Làm vườn xã, hiện số diện tích sa pô nhiễm rầy phấn trắng nặng, gây mất năng suất chiếm khoảng 30%, tập trung ở ấp Phú Thạnh, Phú Long. Những vườn sa pô nơi khác cũng bị nhiễm nhưng mức độ không cao.
Không chỉ ở Phú Phong, tại xã Kim Sơn, rầy phấn trắng cũng đang bùng phát mạnh mẽ, gây thiệt hại nặng về năng suất và nhà vườn vẫn chưa có cách phòng trị hiệu quả.
Ông Nguyễn Ngọc Hoằng, Trưởng trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện Châu Thành cho biết, rầy phấn trắng thường phát triển và gây hại trên sa pô vào thời điểm giao giữa mùa nắng và mùa mưa. Do năm nay, nắng, mưa thất thường nên rầy phấn trắng có điều kiện bùng phát mạnh và kéo dài. “Do có lớp lông bao bọc nên muốn diệt con rầy này, nông dân phải phun nước lên cây, trái để làm ướt lông rầy rồi mới phun thuốc sau đó. Chính vì người dân điều trị không đúng cách dẫn đến rầy bùng phát kéo dài trong thời gian qua” - ông Hoằng hướng dẫn.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, rầy phấn trắng xuất hiện từ năm 2008 đến nay, nhưng năm nay bùng phát rất mạnh, tập trung nhiều nhất ở Kim Sơn và Phú Phong với diện tích bị nhiễm khoảng từ 220-300 ha, gây thất thu nặng cho nhà vườn. Thời gian qua, ngành nông nghiệp phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức nhiều cuộc hội thảo, hướng dẫn sử dụng các loại thuốc điều trị, khuyến cáo nông dân phun xịt đồng loạt, vệ sinh vườn thường xuyên. Tuy nhiên, người dân chưa tuân thủ đúng khuyến cáo, chính quyền cơ sở chưa vận động được nhân dân phun thuốc đồng loạt, dẫn đến điều trị không hiệu quả, rầy gây hại kéo dài. Để phòng trị hiệu quả loại rầy này, Phòng NN&PTNT huyện đề nghị Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam, Chi cục Bảo vệ thực vật hỗ trợ về kỹ thuật, đồng thời nghiên cứu, đưa ra quy trình phòng trừ hiệu quả đối với rầy phấn trắng.
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.