Những phong tục đẹp khai xuân đầu năm
Viết thơ đầu năm, mừng nhau thêm một tuổi, đi lễ chùa, trồng cây là những phong tục khai xuân… có ý nghĩa cao đẹp đối với người Việt Nam, đem lại sự thiêng liêng và làm giàu đời sống tinh thần.
Khai xuân – khai bút
Ngày xưa chưa có nghệ thuật nhiếp ảnh cũng như các phương tiện lưu giữ hình ảnh, cầm bút chính là cách để mỗi người giữ lại cảm xúc thời gian đón năm mới.
Khai xuân có nghĩa là khai sinh cho mùa xuân mới bằng ngôn ngữ thể hiện qua ngòi bút. Người khai xuân đại diện cho làng xã, công sở, trường học… phải là người có uy tín và thạo văn chương. Khai xuân bằng việc viết ra những câu thơ, câu văn, câu đối chứa đựng giá trị tổng kết của một năm cũng như cảm xúc về các giá trị đó và tiên đoán cho năm mới. Phong tục này hiện nay không còn nhiều vì sự mai một của văn chương.
Khai bút là cấp độ nhỏ hơn của khai xuân. Khai bút thể hiện cảm xúc của mình với mùa xuân, với năm mới một cách trịnh trọng tùy theo sở thích của mỗi người. Ngày xưa, các cụ thường khai bút vào lúc giao thừa, sau công việc cúng lễ trời đất. Đa số bài viết khai bút là thơ, bởi những câu thơ mới khơi gợi được nhiều cảm xúc và vì thế thơ thường đắt hàng vào dịp giao thừa.
Đối với người xưa, việc khai bút được trân trọng lắm. Sáng mồng 1 Tết, con cháu đến nhà để nghe ông đọc thơ Tết với tình cảm ngưỡng mộ. Ngoài việc làm thơ chúc Tết con cháu, các cụ còn viết thơ về cảm xúc mùa xuân rồi tụ họp ở nhà ngang bên đình làng bình thơ, và những bài thơ cứ thế lan tỏa.
Mừng tuổi ở miền Bắc và lì xì ở miền Nam
Mừng tuổi có ba ý nghĩa lớn, trước hết thể hiện mình là người lớn thương yêu trẻ em. Muốn thể hiện là người lớn thì phải có tiền để cho người bé, tức là người lớn mừng tuổi cho em bé. Khi em bé lớn rồi tự kiếm được tiền thì sẵn sàng từ chối tiền mừng tuổi.
Ảnh: Hoàng Hà |
Ý nghĩa thứ hai là chúc mừng nhau thêm một tuổi mới, cách mừng tuổi này tạo nên sự kết nối tâm giao giữa những người thân trong nhà, trong làng xã và trong xã hội.
Ý nghĩa thứ ba là mừng thọ, con cháu đến mừng thọ ông bà, nếu ông bà khá giả thì mới lì xì cho con cháu, nếu ông bà nghèo thì mừng tuổi bằng lời chúc, con cháu lúc này ai có tiền thì kính biếu ông bà. Như vậy việc mừng tuổi ông bà có hai giá trị rất rõ đó là giá trị tinh thần và vật chất, trong đó giá trị tinh thần mới là quan trọng.
Đối với miền Nam chỉ có phong tục lì xì, chỉ còn rất ít gia đình giữ được phong tục mừng tuổi. Ngày nay ở miền Bắc, phong tục mừng tuổi vẫn còn nhưng cũng bị biến tướng đi nhiều.
Đi lễ ngày Tết
Ba địa điểm đình, chùa, quán là nơi người miền Bắc chọn để đến lễ ngày Tết, trong đó lễ đình thường dành cho cánh đàn ông, các bé trai, vì đây được xem là việc của làng nước. Trong những năm qua, nhiều ngôi đình đã bị hư hỏng, xuống cấp vì thế việc lễ đình không còn toàn diện như xưa kia.
Lễ quán dành cho phụ nữ và bé gái. Quán thường thờ những nhân vật có công với làng và có những sự tích thiêng liêng.
Riêng lễ chùa chỉ dành cho những người theo Phật giáo và mộ đạo Phật.
Phong tục đi lễ đình, chùa, quán là đời sống tâm linh ngày Tết có từ lâu đời ở nước ta. Ngày nay, chùa khá phát triển vì thế người ta đa phần chỉ còn nghĩ tới đi lễ chùa. Nhất là ở miền Nam, đa phần chưa có đình mà chỉ có chùa, vì thế việc đi lễ đình có khi còn khá xa lạ.
Khai cày – trồng cây
Với người nông dân, khai cày là công việc vô cùng quan trọng. Đường cày đầu xuân thể hiện sức lao động của con người chinh phục đồng ruộng. Chinh phục đồng ruộng là sức sáng tạo của cư dân nông nghiệp Việt Nam – những người làm nên nền văn minh lúa nước. Phong tục khai cày từ lâu đã không còn vì việc cày bằng trâu đã được thay bằng cày máy từ khi công nghiệp phát triển.
Về sau xuất hiện việc khai xuân trồng cây. Chủ tịch Hồ Chí Minh là người khởi động phong trào này. Những năm gần đây, phong tục trồng cây ngày xuân càng được phát triển rộng khắp.
Nguồn vnexpress.net
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.