Xem bói đầu xuân cùng NSND Viễn Châu
Đầu Xuân, đến thăm “Vua vọng cổ” Viễn Châu sẽ được nghe kể về tục xem bói. Khai bút đầu xuân là một nghi lễ bắt buộc trong ngày Tết đối với giới soạn giả nhưng năm nay, ông lại thích chiêm nghiệm, kể lại tục xem bói hơn.
“Tục lệ này được duy trì như một nét đẹp văn hóa truyền thống của giới nghệ sĩ. Sau lễ cúng giao thừa, họ tìm đến thầy tuồng để xin quẻ bói với những chữ có ý nghĩa viết lên giấy đỏ hoặc giấy hoa tiên nhằm nhắc phải biết giữ mình, giữ nghề như giữ một viên ngọc quý”- NSND Viễn Châu bắt đầu kể
Từ “Khai bút đầu Xuân” đến xem bói
Theo NSND Viễn Châu, ngày nay tục “Khai bút đầu xuân” đã có nhiều thay đổi, nó không còn phổ biến và mang đậm ý nghĩa như xưa. Tuy nhiên, với nhiều gia đình, nhiều giới đặc biệt là học sinh, văn sĩ, người làm nghề viết lách… phong tục này vẫn được xem trọng.
Ông nhấn mạnh: “Vì ngoài những giá trị chân thiện mỹ, việc Khai bút đầu xuân còn có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Không chỉ tượng trưng cho sự khởi đầu một sự nghiệp, sự học mà còn gửi gắm rất nhiều tâm tư, nguyện vọng về một năm mới suôn sẻ, hạnh phúc và thành đạt”.
NSND Viễn Châu kể thời trẻ ông viết sung sức
NSND Viễn Châu kể thời trẻ ông viết sung sức. Ngoài sáng tác kịch bản, bài ca cổ, ông còn tham gia viết báo, đưa ra những nhận định về một vở diễn, vai diễn và chân dung nghệ sĩ. Tết đến, các chủ bút thậm chí cho người thư ký đến chầu trực tại nhà để nhận bài báo Xuân cho kịp tiến độ. Mực chưa ráo trên bản thảo đã được các anh thư ký cầm chạy thật nhanh về tòa soạn để kịp lên khuôn. Trong vô số những bài báo Xuân thời đó, những bài xem bói cho nghệ sĩ được độc giả thích thú nhất.
Ban đầu chỉ là những bài báo Xuân mang tính chất vui vui, đi vào những nhận định chung chung nhưng rồi sau đó phong trào xem bói đầu Xuân cho nghệ sĩ, cho sàn diễn biến thành thông lệ. Tết đến các đoàn hát, đào kép nô nức coi bói, xem vận số mình năm nay ra sao.
“Thời đó, đền chùa đông nghẹt những người, vừa cầu nguyện, vừa xin xâm, xin quẻ để đoán biết tương lai. Âu đây cũng là một phong tục dễ thương của người dân Việt Nam chúng ta nói chung và giới nghệ sĩ nói riêng”-NSND Viễn Châu nhận xét.
NSND Viễn Châu cùng NSND Ngọc Giàu, NSND Bạch Tuyết và NSND Lệ Thủy xem bói đầu Xuân
Ông kể tiếp rằng nhắc chuyện xem bói nhớ ngay nghệ sĩ Thành Được. Tết năm đó, ông viết trong bài xem bói đầu năm rằng: “Qua xuân biến cố lại về, gặp ngay phiền phức để chừa thói quen”. Đúng như rằng, nghệ sĩ Thành Được dính đến chuyện vi phạm hợp đồng, phải đền bởi thói quen: “diễn quá hăng say”, đập nhiều ly sành trên sàn diễn, bà bầu bắt đền vì tội “cố ý làm hư hại tài sản của gánh hát”. Rồi tiếp sau đó nghệ sĩ này bị tạm giam vì những biến cố riêng trong đời, khiến “sầu nữ” Út Bạch Lan ngày ngày xách cơm nuôi chồng.
Với chàng kép Tài Bửu Tân, ông viết: “Tài hoa một kiếp phong trần, mấy ai hiểu đặng tấm lòng thủy chung. Số Tài, lót Bửu, tên Tân, lên nhanh, xuống lẹ bởi tránh xa thần đèn”. “Anh kép này nổi danh bởi giọng ca trấm ấm, có cách vào vọng cổ rất điêu luyện, chỉ qua mấy bài ca cổ được Hãng dĩa Việt Nam của cô Sáu Liên phát hành đã nổi tiếng ngất trời, nhưng vì vướng vào hút chích cần sa mà tiêu tan sự nghiệp”- NSND Viễn Châu cảm thán.
NSND Viễn Châu và NSƯT Thành Lộc
“Vua vọng cổ” nổi danh này còn cho biết thuở trước nếu trong những ngày đầu của tháng giêng âm lịch mà đi xem bói ở Việt Nam, sẽ thấy phòng khách của họ la liệt người ngồi đợi, chẳng khác gì một phòng mạch ở bệnh viện. Chính quyền địa phương dẹp bỏ rất nhiều ổ “mê tín dị đoan” nhưng phong trào coi bói lại có vẻ lên mạnh khi mà người ta cứ tin vào những phán đoán có phần hơi chủ quan, hoặc những lời động viên, an ủi để tự tin trong cuộc sống vốn dự báo sẽ có nhiều khó khăn trong năm tuổi.
Còn với giới nghệ sĩ, họ tin vì những bài thơ bói của ông và một số soạn giả có lẽ vì phần nào nhắc nhở, cảnh tỉnh họ cẩn trọng hơn. “Nhưng tôi tuyệt đối lên án việc đào kép quá tin tưởng ở số mệnh đến nỗi xem thầy bói như những “quân sư” và đặt mọi quyết định trên những lời đoán của các vị này. Nếu muốn tự mình tìm hiểu khoa bói toán, cũng có rất nhiều sách vở để nghiên cứu. Nào là “Số mệnh trong lòng bàn tay” để dạy coi chỉ tay, hay những sách dạy bói bài… Xem tử vi thì có Tử vi đẩu số, Tử vi hàm số, xem tướng thì Nhân tướng học, Ma Y Thần tướng…”- NSND Viễn Châu nói.
Xem tử vi ngày Tết tưởng dễ nhưng lại khó vô cùng, vì chỉ theo đồ biểu mà ai cũng có thể vẽ ra một lá số tử vi được, nhưng cách giải những sao, với vị trí, âm dương ngũ hành và ảnh hưởng của sao nọ lên sao kia, phải có nhiều kiến thức và kinh nghiệm cần học hỏi nơi những người thông thạo, như tất cả các môn học đều phải có thầy chỉ dẫn.
Và cũng như tất cả các môn học, muốn quán triệt môn nào cũng phải có một năng khiếu nào đó, một sự thích hợp của riêng mình mới được. Nói chung, lý thuyết là một chuyện, nhưng khi thực hành thì phải có sự lượng định, nhận xét uyển chuyển của riêng bản thân người nhận được lời giải đáp.
“Tướng tùy tâm sinh, tướng tùy tâm diệt”
“Tử vi khác bói toán vì là một bộ môn khoa học, nên dựa trên những yếu tố thuần lý để đoán biết vận số của con người, mà cuộc đời con người không chỉ dựa trên những gì có thể kiểm chứng được mà còn chịu sự chi phối bởi những yếu tố không thể đo lường được” – “Vua vọng cổ” Viễn Châu nhận định.
Bởi theo ông, đời người tuân theo luật nhân quả. Cung phúc đức của mỗi người không chỉ dựa trên phúc đức được hưởng từ cha mẹ, mà còn do mình tự tạo ra, hay nói đúng hơn là tùy theo “nghiệp” của mỗi người, nên không thể nào là một yếu tố bất biến. Do đó, dù có tính khoa học như tử vi, hay do sự sắp xếp của quẻ mà lý đoán như bói bài, bói dịch, sự giải đoán cũng chỉ là tương đối.
NSND Viễn Châu trên sàn tập vở Tình mẫu tử với NSND Ngọc Giàu, Hồng Tơ
Một lá số hay một quẻ số thường chỉ đưa ra một cái khung, một chỉ dấu để nương vào đó mà giải đoán, có thể áp dụng cho bất cứ ai cũng được. Nhưng số mệnh của mỗi người không ai giống ai, và nét đặc thù của riêng mỗi người chỉ có thể thấy được nơi đường chỉ tay và tướng mạo. Ông nhấn mạnh: “Trong sách tướng, có một câu thật thâm thuý khiến ta phải suy nghĩ, cũng là cốt yếu của thuật coi tướng, đó là: Tâm con người không chỉ ẩn tàng, mà còn luôn luôn hiển hiện ra nơi hình tướng bên ngoài. “Tướng tùy tâm sinh, tướng tùy tâm diệt”.
Và lý giải rằng, trên thế giới này có bao nhiêu tỉ người, nhưng không có ai giống ai cả, kể cả những người song sinh cũng không thể hoàn toàn giống nhau được. Cái gì đã khiến cho con người khác biệt nhau? Chính vì tâm con người không ai giống ai. Từ lúc sinh ra cho đến lúc chết, mỗi người đều có những kinh nghiệm của riêng mình, mà dù có thân thương đến đâu cũng không ai có thể chia sẻ hoàn toàn được. Như người ăn cay tự biết vị cay nóng trong miệng, kinh nghiệm của mỗi người với những tâm tư tình cảm cá nhân chỉ riêng người ấy cảm nhận được thôi. Từ cái Không hình tướng mà sinh ra cái Có hình tướng và cái Có hình tướng ấy lại biểu hiện cho cái Không hình tướng. Sắc chính là Không, và Không cũng chính là Sắc. Coi tướng không phải chỉ là coi bề ngoài của cái có hình tướng, mà còn phải thấy được cái không lộ ra hình tướng.
Nhiều đào kép cứ nghĩ phải đi sửa tướng, bơm mặt, nâng mũi, đục cằm chẻ đôi, đục hai đồng tiền để lên sân khấu duyên dáng, nghề phát triển hơn là suy nghĩ sai lầm. Việc này khiến giới cải lương một thời bị lên án sử dụng dao kéo quá nhiều để làm giàu cho giới thẩm mỹ viện.
Theo ông, tất cả những cái lộ và không lộ ra tướng ấy đều biểu hiện Tâm của con người. Nó không thể sửa mà hết xui, sửa mà làm cho mình giàu lên, vận may ào ào tới. Có những điều không thể vẽ ra được nhưng có thể nhận thấy được qua phong thái, cung cách, ánh mắt hay giọng nói, qua nét mặt, cử chỉ mà người tây phương còn gọi là “body language” hay là ngôn ngữ của thân. Chính trong ngôn ngữ không lời ấy mà người ta biểu lộ tính khí thực sự của mình.
Vì vậy, coi tướng đúng nghĩa là dựa vào những gì bên ngoài mà nhìn thấy được cái bên trong của người khác và qua đó mà đoán được vận mệnh của người ấy, bởi vì vận mệnh con người không ở đâu khác hơn là do tâm tạo ra. Ông dẫn chứng một anh kép trẻ noi bước theo thần tượng, không học cái hay của thầy mà học toàn cái dở. Chẳng hạn như quá mê thụt bi da, mất sức thì lấy đâu mà ca vọng cổ hay, nên chỉ vài tháng là bị công chúng quay lưng. Hoặc một cô đào trẻ, thích đánh bài tứ sắc, đốt biết bao nhiêu tiền của vào chiếu bạc, nên nhan sắc không còn mặn mà, hát không còn thần thái.
Sắc khí thường hiển hiện rõ ràng nhất khi con người có sự thay đổi về sức khỏe, còn những sắc khí khác báo hiệu sự thay đổi trong công danh, tài lộc hay tai ách thì tế nhị hơn, phải có con mắt chuyên môn mới thấy được. Bộ mặt con người được coi như một lá số tử vi sinh động, trên đó có những vùng ứng vào các cung khác nhau, như cung Mệnh ứng vào khu vực ấn đường ở giữa hai lông mày, cung Tài bạch ứng vào mũi, cũng là cung Phu của nữ giới v.v… Nhưng cũng như tất cả những gì vô thường, vận mệnh cũng biến đổi khi tâm biến đổi và do đó những nhân duyên thay đổi theo.
Ông Nguyễn Minh Triết – nguyên chủ tịch nước và NSND Diệp Lang thăm NSND Viễn Châu
Từ thiện qua ác, từ ác qua thiện và gập đủ nhân duyên sẽ kết thành những cơn gió nghiệp. Gió nghiệp không chỉ tác động lên một cá nhân mà còn có ảnh hưởng dây chuyền đến những người liên hệ. Nhất là với đào kép há! Vì đào kép chánh hát không hay, đoàn hát ế, anh em nghệ sĩ, công nhân hậu đài đói. Đạo đức đào kép hát suy đồi, ảnh hưởng đến đoàn hát. Có đợt một cặp đôi đào kép hát riết rồi ngoại tình, một bên cắm sừng chồng, một bên cằm sừng vợ, báo chí Sài Gòn phanh phui, gánh hát của họ đi tới đâu cũng bị khán giả tẩy chai, ném cà chua, trứng thối vào những băng rôn có in hình họ.
Tóm lại con người không ai là hiện hữu một mình và biệt lập. Trong tương quan chằng chịt giữa cá nhân và cá nhân, vận mệnh của những người chung quanh đều ảnh hưởng lên chúng ta, và ngược lại, vận mệnh của cá nhân ta cũng ảnh hưởng lên họ. Trong một gánh hát cũng thế, có xem ngàn quẻ bói hay, đọc ngàn bài thơ về vận mệnh để họ đi cho đúng hướng, nhưng họ sống phi đạo đức thì Tổ nghiệp cũng lấy lại nghề. Từ ảnh hưởng trực tiếp của gia đình, chúng ta chịu ảnh hưởng vận mệnh của xã hội, của quốc gia đang sinh sống.
Ẩn tuổi Ngọ, năm nay có phi nước đại?
NSND soạn giả Viễn Châu đã có một vài nhận định về tuổi Ngọ: Những ai cầm tuổi con ngựa thường thích hướng ngoại và các hoạt đông xã hội. Thích đi đi du lịch để khám phá cho bản thân vì ngựa ghét bị bó buộc.
Tuy vậy, tính cách những ai ẩn tuổi này thường hiếu thắng, đôi khi bốc đồng khiến họ thường quyết định thiếu suy nghĩ. Chỉ có sự trải nghiệm theo thời gian họ sẽ suy nghĩ sâu sắc hơn.
Trong giới sân khấu cải lương trước đây có hai đào kép nổi danh ở hai Đại bang: Kim Chưởng có NSƯT Phương Quang, Hương Mùa Thu có NSƯT Ngọc Hương. Họ đều tuổi Ngọ, nổi tiếng và tiền của rất lớn khi đứng trên đỉnh vinh quang.
Thế nhưng thời tuổi trẻ, họ cũng đã gặp không ít biến cố khiến sự nghiệp có lúc bị chựng lại. Và rồi chính bản lĩnh biết chiến thắng bản thân mình, họ biết vun đắp cho nghề. Để đến hôm na, danh tiếng của họ vẫn lẫy lừng. Do đó, chìa khóa hạnh phúc và thành đạt trong sự nghiệp của những ai tuổi Ngọ là học cách biết dừng lại đúng thời điểm, và ngược lại, biết khi nào nên “phi nước đại” để về đích.
Tuổi Ngọ còn là người có khả năng thích nghi cao. Dù môi trường công việc thay đổi liên tục, họ vẫn là những người thích ứng xuất sắc. Tuy nhiên, điểm tiêu cực của Ngựa là rất mau chán và thường có ý định thay đổi chỗ làm.
Ngựa tượng trưng cho các đặc điểm như: sức mạnh, năng lượng và một cá tính cởi mở. Người tuổi Ngọ vô cùng sôi nổi và thường thích cuộc sống tiệc tùng. Họ thường thích được vui vẻ và luôn luôn tìm kiếm những điều thú vị. Về tình duyên, người tuổi Ngọ yêu mãnh liệt và hay ghen. Nếu biết kềm chế sẽ gặp đúng duyên và nhanh chóng nắm bắt cơ hội để được xây dựng hạnh phúc bên người mình yêu.
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.