Về Kinh Bắc ngày Xuân, đắm say cùng Quan họ

Ngày nay, các làn điệu quan họ vẫn tồn tại và phát triển không chỉ ở vùng Kinh Bắc xưa, mà cả tỉnh Bắc Ninh và trên khắp đất nước.

Ở cửa ngõ phía Bắc của thủ đô Hà Nội, Bắc Ninh ngày nay – vùng Kinh Bắc thuở xưa là nơi sơn thuỷ hữu tình, đồng ruộng xanh tươi, xuân thu nhị kỳ náo nức hội hè, dặt dìu tiếng hát.

Đúng ngày 13 tháng giêng âm lịch, không những chỉ có ông già bà cả mà còn có rất nhiều nam thanh nữ tú, kể cả các chàng trai cô gái Hà Nội cũng rủ nhau đến hội chùa Lim. Khách đến vì tiếng hát của các “liền chị liền anh” quan họ trong các cuộc thi hát, những cuộc đối đáp giao duyên qua những làn điệu dân ca mà họ tự sáng tác, không chỉ bằng lời ca ở giai điệu âm nhạc.

 

“Anh đi khắp bốn phương trời

Không đâu lịch sự bằng người quê ta”.

Hát quan họ ở đây không chỉ bó hẹp trong ngày hội Lim mà trong sinh hoạt văn hóa thường ngày vẫn được duy trì, nhất là ở 49 làng quan họ thuộc các huyện Tiên Sơn, Yên Phong, Việt Yên và thị xã Bắc Ninh.

Nhiều công trình nghiên cứu của các tác giả, nhạc sĩ như: Tô Vũ, Tú Ngọc, Nguyễn Viêm, Hồng Thao… đã đề cập những thuyết hai họ làng kết bạn, hay là thuyết giọng hát của hai họ nhà quan, cũng có thuyết cho là quan dừng (họ) lại để nghe hát… để định nghĩa giải đáp cho hai chữ Quan họ.

Nguồn gốc Quan họ có từ đời nhà Lý (thế kỷ XIII), cứ vào hội mùa xuân, mùa thu, các quan họ quanh vùng mời nhau đi hát. Khi đến hội, họ mời nhau miếng trầu “Miếng trầu là đầu câu chuyện” mà họ đã dự kiến kết bạn. Sau khi đồng ý kết bạn, hai bên nam nữ từ đó thường xuyên tổ chức hát với nhau.

“Nhà người ở gần hay xa

Cách phủ cách huyện hay là cách sông

Xa xôi cách mấy quãng đồng

Để tôi bỏ việc bỏ công đi tìm”.

Là một lối hát phong tục, gắn liền với tục kết bạn, về mặt âm nhạc có cả một hệ thống các làn điệu được sắp xếp theo một thể lệ, diễn biến theo một trình tự nhất định trong một canh hát. Phong cách đó khá thống nhất và độc đáo cả về hình thức trình bày.

Với tư cách là những điệu dân ca độc lập, đại bộ phận các làn điệu quan họ có cấu trúc gồm ba bộ phận: phần “Bỉ” đầu có tính cách ngâm, phần thân bài gồm một số “trổ” hay còn gọi là “đận” (mỗi trổ hay đận ấy thường là ba câu thơ thể lục bát (6-8), và phần kết là một trổ đặc biệt, trong đó có một âm mới nảy ra một cách đột xuất, giống như cách gọi là “chuyển điệu” hay “ly điệu” trong nhạc mới hiện nay, báo hiệu sự kết thúc của toàn bài.

Trong các cuộc thi hát này, họ hát đổi giọng là chủ yếu, nhưng có khi còn đổi cả ý. Không chỉ đòi hỏi nội dung mới ở lời ca mà còn yêu cầu cả về âm điệu, mới về ngôn ngữ thanh nhạc. Bởi vậy thường ngày họ luôn luôn nghĩ ra những bài hát mới.

Có khi họ lấy một nét giai điệu trong hát chèo, hát văn ở các địa phương khác xây dựng nên một bài quan họ mới – để chuẩn bị cho các cuộc hát sắp tới. Đó cũng là một nguyên nhân làm cho nghệ thuật hát quan họ luôn luôn phát triển và không ngừng sáng tạo.

Những hình ảnh của tình yêu đôi lứa thuỷ chung nồng thắm trong nội dung, những hình ảnh quê hương tươi đẹp, phong phú và đa dạng được thể hiện một cách khéo léo. Từ núi Thiên Thai, chiếc thuyền thúng đến cây đa, cây trúc, con chim, con bướm… cái tình, cái cảnh ấy thật vô cùng nên thơ, tế nhị, duyên dáng.

“Sông Cầu nước chảy lơ thơ

Đôi ta thương nhớ bao giờ cho nguôi

Ra sông lại nhớ đến người

Xuống sông uống nước cho nguôi tấm lòng

Thỏa nỗi nhớ mong”.

 

 

Từ lúc gặp mặt “mời nhau miếng trầu” đến khi “chia rẽ đôi nơi” ra về họ bịn rịn, dùng dằng và mong ngày “tái ngộ”. Lời ca ý nhạc thật lưu luyến. Từ giọng “lề lối” đầu tiên đến “36 giọng” và cuối cùng là giọng “giã bạn” đã cho thấy sự tổ chức quan họ theo trình tự khá chặt chẽ trong một cuộc thi sinh hoạt văn hóa xưa kia.

“Tay em dạo năm cung đàn

Tiếng tơ tiếng trúc bồng trầm non nỉ thiết tha

Làm tài trai chơi chốn cầu Hà”.

Về hình thức hát, quan họ thường là hát song ca nam hoặc song ca nữ. Nhưng bao giờ cũng phải có người xướng (hát chính) và người tòng (hát luồn). Trong kỹ thuật hát, quan họ hay dùng chữ i, chữ ơ… để đệm lót. Hai nguyên âm này được nghệ nhân cho “nẩy” lên gần như tiếng đàn vê thưa, tạo nên một kỹ thuật độc đáo thường gọi là kỹ thuật “nẩy hạt”, “hát có hơi hạt”. Nó làm cho yếu tố uyển chuyển mượt mà (do giai điệu) được bổ sung thêm yếu tố bay bổng (do kỹ thuật thanh nhạc).

Ngày nay, các làn điệu quan họ vẫn tồn tại và phát triển không chỉ ở vùng Kinh bắc xưa, mà cả tỉnh Bắc Ninh và trên khắp đất nước. Nhiều giọng hát rất quen thuộc, rất quan họ như: Thanh Huyền, Thanh Hiếu, Hồng Vân, Thúy Hường, Thuý Cải, Khánh Hạ, Kiều Hưng, Xuân Trường, Quý Thăng, Vương Trọng, Quý Tráng… đã chiếm được cảm tình đông đảo khán giả và thính giả.

Các làn điệu quan họ ngày nay được phổ biến bằng lời cổ và lời mới. Chưa kể đến các làn điệu quan họ được hát lên hoặc diễn tấu bằng các nhạc cụ cổ truyền đến với bạn bè năm châu trong tấm lòng trân trọng, góp phần làm đẹp thêm vốn ca nhạc cổ truyền của dân tộc rất phong phú và đầy tự hào. Càng tự hào hơn khi Hát Quan Họ đã được UNESCO công nhận là di sản phi vật thể của nền văn hóa thế giới./.

Nguồn VOV