Dịch cúm gia cầm đang có nguy cơ lây lan rất cao

Ngày 18/2, tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống cúm gia cầm và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã tổ chức hội nghị trực tuyến với các địa phương về công tác phòng chống dịch cúm gia cầm.

Theo báo cáo của Cục Thú y, hiện nay, tại Việt Nam chưa phát hiện gia cầm, môi trường và người bị nhiễm virus cúm A/H7N9. Song, dịch cúm A/H5N1 đã xuất hiện ở nhiều địa phương và đang có nguy cơ lan rộng.

Theo thống kê, đến ngày 18/2, cả nước có 24 ổ dịch tại 11 tỉnh, thành phố, gồm: Nam Định, Quảng Ngãi, Kon Tum, Long An, Tây Ninh, Đắk Lắk, Cà Mau, Khánh Hòa, Phú Yên, Lào Cai, Bà Rịa-Vũng Tàu. Số gia cầm chết là trên 23.000 con, phải tiêu hủy là 30.777 con. Ngoài ra, dịch cúm gia cầm cũng xuất hiện các điểm nhỏ lẻ được địa phương khoanh vùng, xử lý kịp thời.

 1

Đáng lưu ý, trong số 20.000 mẫu bệnh phẩm giám sát lấy từ 147 chợ buôn bán gia cầm ở 44 tỉnh, thành phố có tỷ lệ phát hiện vi rút khá cao. Mẫu bệnh phẩm lấy từ vịt có 6% dương tính với cúm A/H5N1, tỷ lệ chợ có tồn tại vi rút chiếm 61% mẫu xét nghiệm.

 Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát khẳng định dịch H5N1 đã xuất hiện ở nhiều tỉnh. Số liệu cập nhật cho thấy dịch đang tiếp tục lan rộng nhưng chưa lên đến đỉnh và còn có khả năng tiếp tục lan rộng. Nếu không có các biện pháp quyết liệt phòng chống dịch thì mức độ lan rộng và bùng nổ dịch diễn biến khó lường và ở các mức độ khác nhau.

 Dịch cúm có nguy cơ lây lan rất cao.

 Trước diễn biến dịch cúm gia cầm đang lan rộng, Bộ trưởng Cao Đức Phát yêu cầu Cục Thú y, các đơn vị liên quan chỉ đạo cơ quan thú y địa phương cập nhật thông tin, báo cáo cụ thể, chi tiết tình hình dịch để Ban chỉ đạo nắm được thực chất tình hình diễn biến dịch và có chỉ đạo cũng như các giải pháp phối hợp kịp thời phòng chống dịch, không để dịch lan rộng.

Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đánh giá cao tính khẩn trương và kịp thời trong công tác phòng chống dịch và sự chỉ đạo quyết liệt của Ban chỉ đạo Quốc gia, cũng như các địa phương trong công tác phòng chống dịch, đồng thời, cử 16 đoàn công tác kiểm tra, hỗ trợ công tác phòng chống không để dịch lây lan.

 Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh dịch cúm gia cầm hết sức nguy hiểm, có nguy cơ lan rộng lây nhiễm sang người bằng nhiều chủng loại, độc lực cao. Vì vậy, các bộ ngành, địa phương phải quyết liệt thực hiện nghiêm công điện của Thủ tướng Chính phủ để ngăn chặn lây lan của cúm gia cầm H5N1 và các giải pháp hạn chế chuyển dịch virus H7N9 vào Việt Nam.

 Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu các Bộ, các đơn vị và các địa phương phải nỗ lực, quyết liệt triển khai các giải pháp phòng chống dịch bởi thời gian không “chờ” dịch.

 Cần phải quyết tâm hơn, phối hợp chặt chẽ với nhau hơn và dành nhiều thời gian cho công tác phòng chống dịch. Các đơn vị đã ban hành kế hoạch hành động thì triển khai thực hiện, còn các đơn vị chưa có kế hoạch hành động thì phải ban hành và thực hiện ngay trong tháng Hai này để đảm bảo công tác phòng chống dịch hiệu quả.

 Bên cạnh đó, phải kiểm kiểm soát chặt chẽ, cấm nhập khẩu sản phẩm gia súc, gia cầm tại các địa phương biên giới cũng như các giải pháp của các địa phương trong phòng chống dịch cần cụ thể, căn cơ và chi tiết hơn để phòng chống, tránh dịch lây lan.

 Virus cúm chưa biến đổi nhưng rất nguy hiểm

 Ngày 18/v2, PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết: qua giám sát dịch tễ từ đầu năm 2014 tới nay đối với các ca mắc cúm cho thấy, số người mắc cúm B và cúm A/H3N2 chiếm gần 80% tổng số ca mắc, còn lại phần lớn là nhiễm cúm A/H1N1.

 Liên quan tới chủng virus cúm A/H7N9 đang bùng phát ở Trung Quốc làm hơn 330 người mắc với gần 70 ca tử vong và việc ghi nhận chủng virus cúm A/H10N8 tại một số quốc gia, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đưa ra khuyến cáo để phòng tránh các chủng virus cúm nguy hiểm này. Theo đó, mọi người cần tránh tiếp xúc với gia cầm bị bệnh hoặc chết. Không để trẻ em lại gần và tiếp xúc gia cầm. Tránh đụng chạm vào những bề mặt nghi bị nhiễm phân hoặc máu gia cầm. Không ăn thịt gia cầm sống hoặc nấu chưa chín. Rửa sạch các dụng cụ nấu ăn đã chạm vào thịt sống trước khi sử dụng lại những dụng cụ đó. Rửa tay thường xuyên, đặc biệt là sau khi làm thịt gia cầm, trong khi nấu ăn và trước khi ăn. Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi. Tránh xa các trại nuôi gia cầm hoặc tránh tiếp xúc với gia cầm sống tại các chợ bán gia cầm.

Nguồn Vnmedia