Hương vị bánh trung thu của trăng rằm tháng 8

Tết Trung Thu cũng là Tết Nhi Đồng, chữ Trung có nghĩa là giữa, và Thu là mùa Thu vì Tết Trung Thu được cử hành vào giữa mùa Thu, ngày rằm tháng Tám âm lịch.

Ngay từ đầu tháng, Tết đã được sửa soạn với những lồng đèn muôn màu vạn sắc, với bao hình thù, và nhiều loại bánh khác nhau: Nào là bánh in, bánh nướng, bánh dẻo, bánh bía… Trẻ em đón Trung Thu cầm trong tay chiếc đèn xếp, đèn lồng, đèn ông sao, đèn cá chép, hay xe hơi, máy bay, tàu thủy … với màu sặc sỡ được thắp sáng, chúng kéo nhau đi từng đoàn ca hát vui vẻ.

Có một truyền thuyết về Tết Trung thu được lưu truyền ở Trung Quốc từ thế kỷ 14. Ngày ấy đất nước này đang bị quân Nguyên Mông chiếm đóng. Ngày rằm tháng 8, nhiều phụ nữ đã giấu mật thư trong những chiếc bánh để báo cho những người lính biết: dân sẽ treo những chiếc lồng đèn nhiều màu sắc trước nhà báo hiệu mọi người đã sẵn sàng tham gia khởi nghĩa. Từ đó, rằm tháng 8 hàng năm được coi là Tết Trung thu, vào dịp này người ta thường làm các loại bánh trái, lồng đèn đủ màu sắc để đón trăng.

Tết Trung thu của người Việt Nam thường gắn liền với hình ảnh chị Hằng, chú Cuội. Vào rằm tháng 8, người ta bầy cỗ Trung thu trong khung cảnh trăng thanh gió mát với những đặc sản của mùa thu để tạ ơn trời đất. Dù Tết Trung thu có nguồn gốc ngoại nhập hay nội sinh thì từ lâu đã ăn vào tâm thức của mỗi người Việt Nam và trở thành một trong những nét đặc trưng về bản sắc văn hóa dân tộc. Ngày xưa, Tết Trung thu là dịp để mọi người cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, tạ ơn trời đất. Còn ngày nay, Trung thu được coi là cái Tết Nhi Đồng, đây là dịp để các bậc cha mẹ có dịp thể hiện tình thương qua quan tâm chăm sóc con em mình.

Bánh trung thu truyền thống thường là bánh nướng, bánh dẽo. Bánh nướng bánh dẽo gồm có một lớp vỏ mỏng làm bằng bột mì, ít hương vị, bao bọc khối nhân rất ngọt và hơi có dầu.So với các loại bánh ngọt phương Tây, bánh trung thu có độ ngọt hơn rất nhiều. Thời xưa, nhân bánh thường là những quả trứng muối tượng trưng cho trăng rằm. Vị mặn của trứng muối dường như “trung hòa” cho vị ngọt của các nguyên liệu khác. Ở Trung Quốc, trên mặt bánh trung thu có đóng dấu những chữ mang thông điệp tốt lành hay tên của cơ sở sản xuất. Ngoài ra, người ta còn đóng dấu vào đó một mặt trăng, một người phụ nữ trên mặt trăng, một chú thỏ hay hoa lá… như là sự trang trí bổ sung.

Bánh trung thu ngày nay phần lớn là sự cách tân kiểu dáng nguyên liệu của nhân bánh. Nếu như truyền thống làm nhân bánh bằng trứng muối thì bây giờ, nó có thể là đậu xanh, khoai môn, jambon, các hương liệu như: cà phê, sô-cô-la, các loại trái cây… Thập kỷ 80 lại xuất hiện các kiểu bánh trung thu được làm lạnh. Những năm gần đây còn xuất hiện loại bánh trung thu dành cho người ăn kiêng.

Bánh trung thu thường đắt hơn nhiều so với giá trị thực của nó, bởi lẽ việc sản xuất và kinh doanh chỉ mang tính thời vụ và thị trường phục vụ chỉ là những nơi mà Tết Trung thu có tầm ảnh hưởng lớn như các nước Đông Á.

Việt Nam, bánh trung thu thường có nhân làm bằng jambon, lạp xưởng, đậu xanh, khoai môn… và coi nó như là một loại bánh thể hiện sự trang trọng. Thường vào dịp Tết Trung thu, người ta mua bánh nhằm mục đích biếu, tặng, hơn là để thưởng thức.