Tìm lại ký ức chợ quê xưa giữa lòng Hà Nội
Chợ ở Hà Nội dẫu có mất đi hay chỉ còn trong ký ức nhưng nó vẫn hiển hiện như một phần của lịch sử, văn hóa Hà Nội.
Nhân kỷ niệm 104 năm ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, ngày 6/3, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (phố Lý Thường Kiệt, Hà Nội) tổ chức khai mạc triển lãm “Chuyện của chợ”.
Một không gian chợ quê được tái hiện với quán lá, sạp tre, ghế gỗ, đưa du khách đến với những mặt hàng đặc trưng của những vùng quê Bắc Bộ. Nông sản có gạo, khoai, đỗ, lạc, rau xanh; hàng khô có chè, măng khô, miến dong, tương Nam Đàn; đồ ăn có bánh nhãn, bánh chưng, bánh tẻ… Với 40 mặt hàng thiết yếu gắn với cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày đã giúp mọi người khi đến triển lãm không chỉ để mua bán mà còn hồi tưởng lại những ký ức về chợ xưa.
Một gian hàng trong triển lãm |
Một người dân Thủ đô đến thăm quan “chợ quê” chia sẻ: “Triển lãm chợ quê nho nhỏ thôi nhưng gợi cho tôi nhiều kỷ niệm, những nét đẹp xưa như gồng gánh, hàng ăn, hàng gia dụng… Triển lãm làm tôi nhớ lại quê hương cách đây 50-60 năm”.
Những chia sẻ trên cũng là mong muốn của Ban tổ chức triển lãm “Chuyện của chợ” gửi đến công chúng Thủ đô. Với lịch sử hình thành và văn hóa đặc sắc vốn có, Hà Nội xưa còn có tên là Kẻ chợ. Chợ tồn tại, phát triển và biến đổi cùng nhịp sống thành phố. Ngày nay, một số chợ đã mất đi do yêu cầu quy hoạch thành phố như Chợ Hàng Bè, Âm Phủ; một số phát triển thành trung tâm thương mại như chợ Hàng Da, chợ Cửa Nam… cũng như sự xuất hiện thêm nhiều siêu thị…
Thông qua những bức ảnh tư liệu, ký ức nhiều chiều của người dân, những người mua, kẻ bán cùng hoạt động phiên “chợ quê” phong phú, “Chuyện của chợ” chia sẻ với công chúng hôm nay về chợ của quá khứ, thực trạng của chợ hiện nay và mong muốn chợ trong tương lai. Triển lãm “Chuyện của chợ” đã sử dụng chính tiếng nói của các tầng lớp từ các nhà hoạch định chính sách, kiến trúc sư đến cả những người dân buôn bán để nói lên câu chuyện của chợ.
Tái hiện chợ xưa thông qua những bức ảnh tư liệu |
Bà Nguyễn Thị Bích Vân, Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam cho biết: “Chợ không chỉ là nơi mua bán, người ta còn đến chợ với mong muốn là giao lưu, chia sẻ tình cảm, thậm chí, nắm bắt thông tin. Đó chính là một phần bản sắc văn hóa của người dân, của thành phố. Do đó, với mong muốn góp phần để gìn giữ một phần văn hóa của Hà Nội, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam quyết định tổ chức triển lãm này. Trong triển lãm này chúng tôi sử dụng rất nhiều tiếng nói đa dạng nhiều chiều, qua đó phản ánh về ký ức về chợ xưa, thực trạng chợ nay và mong ước cho tương lai chợ Hà Nội”.
Triển lãm kéo dài đến hết ngày 09/03./.
Ngọc Ngà/VOV – Trung tâm Tin
Ảnh: Hà Phương
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.