Trung Quốc xây sân bay lớn nhất thế giới
Trung Quốc vừa khởi công xây dựng một sân bay khổng lồ với 9 đường băng
Sân bay quốc tế thủ đô Bắc Kinh. Ảnh: ALAMY |
Sân bay quốc tế Đại Hưng Bắc Kinh sẽ mở cửa hoạt động vào năm 2015. Lúc đó, Bắc Kinh sẽ trở thành trung tâm hàng không lớn nhất thế giới với khoảng 370.000 hành khách mỗi ngày.
Telegraph cho hay sân bay trên được xây trên diện tích 5.400 hecta ở vùng ngoại ô Đại Hưng, phía nam thủ đô Bắc Kinh. Địa điểm này cách trung tâm thành phố một giờ ôtô nhưng các nhà quy hoạch dự kiến sẽ xây dựng một ga tàu điện ngầm hay thậm chí là một đường tàu cao tốc nối từ trung tâm đến sân bay.
Dự án trên được tiến hành chỉ ba năm sau khi Trung Quốc khánh thành Nhà ga số 3, ga hàng không lớn nhất thế giới, tại sân bay thủ đô Bắc Kinh. Tuy nhiên, sân bay hiện tại phải phục vụ số lượng khách ngày càng lớn.
“Sân bay hiện tại ở Bắc Kinh có khả năng phục vụ 75 triệu hành khách mỗi năm. Năm ngoái, số lượng hành khách của sân bay là 73 triệu người”, Cao Yunchun, giáo sư thuộc đại học Hàng không dân sự Trung Quốc cho biết. “Trong hai năm tới, nó sẽ đông nghẹt khách và không thể mở rộng mãi được”.
Vì thế, sân bay mới được xây dựng sẽ không chỉ phục vụ riêng Bắc Kinh mà còn cả Thiên Tân và nhiều vùng của tỉnh Hà Bắc, với 8 đường băng dân sự và một đường băng quân sự. Đây là sân bay thứ ba của Bắc Kinh, sau sân bay thủ đô và sân bay quân sự Nanyuan.
“Vị trí này là nơi có ít dân cư và các tòa nhà, vì thế có thể xây dựng được nhiều đường băng”, ông Wang Jian, tổng thư ký Liên hiệp hàng không dân sự Trung Quốc nói.
Tuy nhiên, không giống như London, hiện là trung tâm hàng không lớn nhất thế giới, phần lớn khách đi máy bay ở Bắc Kinh là khách nội địa. Trong năm nay, lượng hành khách Trung Quốc cao gấp 4 lần lượng khách quốc tế tại sân bay thủ đô Bắc Kinh. Năm ngoái, công nghiệp hàng không Trung Quốc đạt lợi nhuận 43 tỷ nhân dân tệ, gấp ba lần so với năm trước đó. Trong hai thập kỷ tới, Trung Quốc dự kiến sẽ mua thêm ít nhất 4.300 máy bay mới.
“Chúng tôi hy vọng Bắc Kinh sẽ đóng một vai trò lớn đối với giao thông trong khu vực châu Á Thái Bình Dương”, giáo sư Cao nói.
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.