Sẽ không còn giấy khai sinh, chứng nhận kết hôn

Sắp tới, khi luật hộ tịch có hiệu lực, nhiều giấy tờ sẽ được cắt giảm. Ví dụ các loại giấy khai sinh, chứng nhận kết hôn, khai tử,… sẽ không còn.

Thông tin trên được ông Nguyễn Công Khanh, Cục trưởng Cục Hộ tịch-Quốc tịch-Chứng thực (Bộ Tư pháp) cho biết tại Hội thảo đánh giá về Dự án Luật Hộ tịch, được tổ chức ngày 19/3.

01

Ông Nguyễn Công Khanh, Cục trưởng Cục Hộ tịch-Quốc tịch-Chứng thực 

Quy định về hộ tịch chưa tạo thuận lợi cho người dân 

Theo ông Khanh phân tích, hiện nay thủ tục về hộ tịch đang làm khó người dân, quy định về hộ tịch còn nhiều hạn chế, mới chỉ hướng đến thuận lợi của cơ quan nhà nước nhưng chưa tạo thuận lợi cho người dân.

Đôi khi người dân cần giải quyết thủ tục liên quan đến hộ tịch nhưng không biết đến cơ quan nào. Nhiều người chưa biết việc thay đổi, cải chính hộ tịch trong trường hợp nào do xã làm, trường hợp nào huyện làm. Người dân đi không đúng cửa và phải đi lại rất nhiều lần.

Ở đồng bằng, thành thị, việc đi lại làm thủ tục còn thuận lợi. Nhưng việc đó không dễ với người nông thôn, miền núi. Từ làng bản lên đến huyện có khi hết cả một hai ngày đường. Từ đó, không ít người lại mất công đi tìm người tư vấn, thuê luật sư.

Trình tự thủ tục đăng ký hộ tịch cũng rất rắc rối. Nhiều cán bộ hộ tịch bị quan liêu hóa. Có cán bộ chỉ ngồi một chỗ đọc hồ sơ. Thấy thiếu giấy tờ gì, họ lại đòi hỏi người dân phải chạy đi làm bổ sung rất khổ sở, mất thời gian.

Ông Khanh dẫn chứng, cách đây không lâu, chính một vị thứ trưởng Bộ Tư pháp gọi điện thẳng tới Cục Hộ tịch, phàn nàn thủ tục đăng ký khai sinh cho cháu ngoại quá phức tạp. Bố có hộ khẩu Hà Nội, mẹ có hộ khẩu TP.HCM. Cháu đang ở Hà Nội mà đứa trẻ cứ phải về TP. HCM để đăng ký. Tại sao không đăng ký ở chỗ bố?

Ông Khanh cũng cho hay, thẩm quyền đăng ký hộ tịch còn chồng chéo, nhầm lẫn. Tỉnh, huyện, xã đều có thẩm quyền. Thậm chí trong một số trường hợp cụ thể, Bộ Tư pháp cũng phải can thiệp, có ý kiến mới giải quyết được.

Năng lực trình độ của cán bộ làm công tác hộ tịch chưa đáp ứng được yêu cầu. Có nơi, cán bộ hộ tịch chỉ biết viết, còn trình độ, hiều biết gần như không có. Qua kiểm tra, việc đăng ký sai, ẩu, cấp khống về chứng nhận hộ tịch còn nhiều. Có những trường hợp, một người được cấp nhiều giấy khai sinh mang thông tin khác nhau.

Không còn giấy khai sinh, đăng ký kết hôn, khai tử… 

Cục trưởng Nguyễn Công Khanh khẳng định, sắp tới, khi luật hộ tịch có hiệu lực, nhiều giấy tờ sẽ được cắt giảm. Dự thảo luật đã đưa ra quy định, không cấp giấy tờ hộ tịch cho người dân như hiện nay. Ví dụ các loại giấy khai sinh, chứng nhận kết hôn, khai tử,… sẽ không còn.

Việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia đến năm 2020 mới có thể hoàn thiện. Từ nay đến lúc đó, thủ tục đăng ký hộ tịch vẫn được thực hiện thủ công. Nhưng tới đây, khi có yêu cầu, người dân sẽ được cấp bản trích lục xác nhận đã đăng ký những thông tin hộ tịch.

Dự án Luật hộ tịch cũng quy định chỉ còn 2 cấp có thẩm quyền đăng ký hộ tịch. Nhưng cơ bản, chỉ còn cấp xã giải quyết toàn bộ thủ tục hộ tịch của công dân trong cả nước. UBND cấp huyện chỉ đảm nhận phần có yếu tố nước ngoài hoặc thủ tục thay đổi cải chính hộ tịch,… UBND cấp tỉnh và Sở Tư pháp sẽ không còn can thiệp vào thủ tục đăng ký hộ tịch.

Luật Hộ tịch sẽ làm cắt giảm từ 46 thủ tục hành chính hiện nay xuống chỉ còn khoảng 25 thủ tục. Việc cắt giảm các loại giấy tờ, thủ tục sẽ giảm rất nhiều chi phí in ấn, phát hành.

Ông Nguyễn Công Khanh đánh giá, phương thức đăng ký quản lý về hộ tịch của Việt Nam hiện chưa được hiện đại hóa so với các nước trong khu vực và nhiều nước trên thế giới. Mặc dù một số tỉnh cũng đã áp dụng công nghệ thông tin nhưng vẫn chưa có tính thống nhất.

Quản lý hộ tịch chủ yếu vẫn bằng sổ sách, giấy tờ và cất vào trong tủ. Nếu người dân có nhu cầu làm thủ tục gì đó, cán bộ hành chính lại mang sổ sách ra tra cứu, rất chậm chạp. Tính kết nối của các cơ quan quản lý cũng rất yếu. Xã nào biết xã đó, tỉnh nào biết tỉnh đó.

Sự hạn chế này khiến việc đăng ký hộ tịch bị chậm. Nhu cầu của người dân chưa được đáp ứng kịp thời, chờ đợi kéo dài. Việc lưu trữ của chính các cơ quan hộ tịch về thông tin, hồ sơ,… cũng gặp khó khăn.

Ông Khanh nêu rõ, ở nhiều nước hiện nay, sau khi một người đăng ký khai sinh, thông tin này sẽ được chuyển đến cho rất nhiều cơ quan khác nhau. Cơ quan bảo hiểm, cơ sở y tế, trường học đều cập nhật thông tin đó.

Sau này, có thủ tục liên quan đến người đó, các cơ quan này chỉ cần kiểm tra hệ thống máy tính là ra tất cả dữ liệu. Công dân không mất công khai lại thông tin cá nhân, xin chứng nhận, xác thực chỗ nọ, chỗ kia. Cán bộ làm thủ tục không mất công kiểm tra, nhập lại thông tin. Chỉ trừ trường hợp công dân có những thay đổi thông tin phải đăng ký lại.

“Việt Nam cũng đang hướng đến điều này.” – Ông Khanh nói.

Theo ông Cục trưởng, dự án Luật Hộ tịch mà Bộ Tư pháp đang chủ trì soạn thảo sẽ giải quyết nhiều vấn đề nêu trên.

Nguồn Vnmedia