Việt Nam ủng hộ hội nhập ASEAN thông qua luật pháp

Việt Nam ủng hộ việc nâng cao vai trò của luật pháp trong liên kết và xây dựng Cộng đồng ASEAN.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hồ Xuân Sơn đã khẳng định như vậy tại hội thảo lần thứ ba về “Hội nhập ASEAN thông qua luật pháp” với chủ đề “Cộng đồng Kinh tế ASEAN” diễn ra ngày 1/4, tại Hà Nội.

Hội thảo do Học viện Ngoại giao phối hợp với Trung tâm nghiên cứu Pháp luật thuộc Đại học quốc gia Singapore (CIL-NUS) tổ chức.

Hội thảo về “Hội nhập ASEAN thông qua luật pháp”

Tại hội thảo, hơn 100 đại biểu là các quan chức chính phủ, học giả, chuyên gia về pháp luật của 10 nước thành viên ASEAN và đại diện các viện nghiên cứu quốc tế của 20 nước trên thế giới đã thảo luận việc tăng cường áp dụng luật pháp trong liên kết kinh tế ASEAN, rút ra các bài học và kinh nghiệm quý báu từ thực tiễn.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hồ Xuân Sơn nhấn mạnh, chỉ còn chưa đầy hai năm nữa là tới thời điểm hình thành Cộng đồng ASEAN, tuy nhiên còn rất nhiều việc phải làm trong các kế hoạch hành động để xây dựng Cộng đồng.

Cộng đồng kinh tế mới thực thi được khoảng 80% các hành động theo kế hoạch; số mục tiêu đạt được còn thấp hơn.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hồ Xuân Sơn nói: “Việc thúc đẩy liên kết kinh tế ASEAN trở nên thách thức hơn khi ASEAN phải tiến hành liên kết nội khối song song với tiến trình liên kết Đông Á. Trong khi đó, khoảng cách phát triển giữa các nước thành viên ASEAN còn rất lớn, tình hình thế giới, tình hình khu vực biến đổi nhanh chóng cũng đang tạo ra nhiều thách thức rất lớn đối với đoàn kết, thống nhất của ASEAN, ảnh hưởng tới tiến trình liên kết và xây dựng Cộng đồng ASEAN. Chính vì thế, ASEAN càng cần phải giữ vững đoàn kết và liên kết chặt chẽ để xây dựng được thành công Cộng đồng và duy trì vai trò trung tâm của ASEAN”.

Thứ trưởng Hồ Xuân Sơn khẳng định ASEAN luôn là một trọng tâm ưu tiên cao trong chính sách đối ngoại của Việt Nam và Việt Nam ủng hộ việc nâng cao vai trò của luật pháp trong liên kết và xây dựng Cộng đồng ASEAN.

Việt Nam luôn là một thành viên chủ động, tích cực trong quá trình đàm phán Hiến chương ASEAN, cũng như đưa nội dung Hiến chương ASEAN thực sự đi vào cuộc sống. Trong xu thế phát triển chung của khu vực, Việt Nam cũng đã tích cực trong quá trình xem xét, bổ sung, điều chỉnh nội luật cũng như các quy trình, thủ tục trong nước cho phù hợp với quy định của ASEAN.

Cũng đề cao vai trò của việc điều chỉnh nội luật, các chuyên gia nghiên cứu của Viện đại học châu Âu, trường Đại học Quốc gia Singapore cũng như các giáo sư của Trường Đại học Luật Melbourne, Australia, cho rằng, khi Cộng đồng ASEAN hình thành vào năm 2015, các vấn đề liên quan đến luật pháp cần phải phù hợp trong điều kiện phát triển mới để cộng đồng này mang ý nghĩa thực sự đối với sự phát triển chung.

Giáo sư Pierre Sauvé, trường Đại học Bern, Thụy Sĩ cho rằng: “Chúng ta phải tăng cường hệ thống tư pháp để giải quyết các tranh chấp hiệu quả hơn cũng như phải có chế tài thích hợp đối với những nước không tuân thủ luật pháp quốc tế. Đồng thời, khi áp dụng luật quốc tế, các nước có hệ thống pháp luật không thích ứng thì phải sửa đổi để phù hợp với tình hình thực tế”.

Các tham luận tại hội thảo còn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường hợp tác trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp ASEAN, giảm thiểu những khác biệt về hệ thống pháp luật giữa các quốc gia thành viên, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển của ASEAN./.

Quỳnh Hoa/vov.vn