Đồng bằng sông Cửu Long bảo đảm an ninh lương thực cho cả nước
Theo Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vừa được Chính phủ quy hoạch là vùng sản xuất lúa trọng điểm của cả nước với nhiệm vụ bảo đảm an ninh lương thực quốc gia. |
Ảnh minh họa (Nguồn: agrilong.com) |
Theo đó, từ nay đến năm 2030, các tỉnh ĐBSCL ổn định diện tích trồng lúa 1,8 triệu ha, trong đó có 1 triệu ha lúa xuất khẩu; sản xuất theo cơ cấu 1 vụ lúa Đông xuân, 1 vụ Hè thu, 1 vụ Thu đông hoặc lúa mùa hàng năm và được quay vòng 2 đến 3 lần để có diện tích trồng lúa 4,2 triệu lượt ha. Từ nay đến năm 2020, toàn vùng ổn định sản lượng mỗi năm từ 24 đến 25 triệu tấn lúa; từ năm 2020 – 2030, ổn định 24 triệu tấn lúa. Mô hình canh tác chủ yếu là đa canh, luân canh, kết hợp với trồng các loại cây trồng cạn; trồng lúa kết hợp với nuôi trồng thủy sản để vừa duy trì sản lượng lúa, vừa tăng thêm thu nhập, khai thác đất đai, mặt nước có hiệu quả hơn.
Bên cạnh đó, các tỉnh ven biển sẽ đưa thêm 80.000 ha lúa mùa 1 vụ vào nuôi thêm 1 vụ thủy sản theo mô hình lúa tôm, lúa cá, nâng diện tích thực hiện theo mô hình này lên 200.000 ha. Mặt khác, với diện tích đất trồng từ 2 đến 3 vụ lúa, các tỉnh chuyển trên 110.000 ha sang trồng các loại cây cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến trong nước, nhằm thay thế nguyên liệu nhập khẩu, như: Ngô, đậu nành… Ngoài ra, các tỉnh cũng đưa 280.000 ha vườn tạp, đất lúa kém hiệu quả, đất nông nghiệp trong lâm phần chuyển sang chuyên canh cây ăn quả, trồng cỏ nuôi gia súc.
Để hiện thực hóa các mục tiêu trên, hiện các cơ quan khoa học và các tỉnh đang phối hợp lai tạo các giống lúa mới thích nghi với biến đổi khí hậu, kháng sâu bệnh, năng suất cao, phẩm chất gạo tốt, trong đó ưu tiên lai tạo các giống lúa thích nghi với điều kiện bất lợi sinh học (sâu bệnh) và phi sinh học (lũ lụt, hạn, mặn, phèn, thay đổi khí hậu)… Bên cạnh đó, nhằm đưa diện tích sử dụng giống đạt chuẩn lên 70% vào năm 2015, các tỉnh đã xã hội hóa công tác nhân giống 3 cấp gồm: Siêu nguyên chủng, nguyên chủng và xác nhận để cung ứng cho nông dân.
Cùng với đó, các tỉnh cũng đẩy mạnh cơ giới hóa các khâu thu hoạch, phơi sấy, bảo quản nhằm giảm tối đa thất thoát; phổ biến rộng khắp kỹ thuật canh tác lúa bền vững, mở rộng vùng sản xuất lúa sạch, chất lượng cao, đáp ứng tốt nhu cầu trong nước và xuất khẩu đang tăng lên. Sau năm 2015, các tỉnh mở rộng qui trình canh tác lúa theo vùng sinh thái và quy trình Gap nhằm tạo ra lượng lúa gạo sạch, chiếm từ 40% diện tích lúa trở lên; đồng thời, đổi mới công nghệ chế biến lúa gạo thành các sản phẩm có giá trị cao để giảm phụ thuộc vào xuất khẩu.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến năm 2020, dân số cả nước sẽ lên tới 100 triệu người, đến năm 2030, sẽ tăng lên 110 triệu người, khi đó, tổng nhu cầu lúa lần lượt sẽ ở mức 35 triệu và trên 37 triệu tấn./.
Nguồn ĐCSVN
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.