Festival Huế 2014: Dấu ấn nghệ thuật cộng đồng

Gần 100 chương trình nghệ thuật diễn ra từ trung tâm của TP Huế đến nông thôn, lan tỏa vào bệnh viện… trong 9 ngày đêm sẽ là những bữa đại tiệc nghệ thuật dành cho người dân và du khách

Vào lúc 20 giờ ngày 12-4, Festival Huế sẽ chính thức mở màn bằng một chương trình nghệ thuật khai mạc đặc sắc tại khu kỳ đài, thuộc di tích Đại nội Huế. Sau đêm khai mạc, xuyên suốt trong 9 ngày đêm (từ 12 đến 20-4), người dân và du khách sẽ được thưởng lãm các chương trình nghệ thuật đặc sắc khắp nơi trên thế giới.

Với chủ đề Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển, Festival Huế lần này có 43 đoàn nghệ thuật quốc tế từ khắp 5 châu lục với 595 nghệ sĩ và 23 đoàn nghệ thuật trong nước (trên 810 nghệ sĩ và diễn viên), thực hiện gần 100 chương trình nghệ thuật với 170 suất diễn. Ông Huỳnh Tiến Đạt, Phó Giám đốc Trung tâm Festival Huế, cho biết xu hướng của festival lần này là thu hẹp số lượng nghệ sĩ, diễn viên biểu diễn trên sân khấu nhưng tại các chương trình nghệ thuật cộng đồng thì tăng. Điều này sẽ tạo điều kiện cho công chúng thoải mái thưởng lãm.

Một chương trình nghệ thuật khai mạc đã được tổng duyệt
Một chương trình nghệ thuật khai mạc đã được tổng duyệt

Tại buổi họp báo vào chiều 11-4, ông Ngô Hòa, Trưởng Ban Tổ chức Festival Huế 2014, cho biết chương trình nghệ thuật lần này thể hiện nét đặc trưng những vùng văn hóa và các thành phố cố đô của Việt Nam. Đồng thời giới thiệu nghệ thuật ca múa nhạc cung đình và các làn điệu dân ca độc đáo của Huế, các chương trình nghệ thuật truyền thống và đương đại chất lượng cao của quốc tế.

Tại trung tâm Đại nội, với 7 sân khấu, hằng đêm ở mỗi sân khấu diễn ra 2 chương trình; tại cung An Định, sân khấu âm nhạc đương đại sôi động dành riêng cho giới trẻ với đầy đủ các thể loại âm nhạc: pop điện tử, rock, DJ, flamenco, world music… do những ban nhạc, nghệ sĩ tên tuổi của Việt Nam và quốc tế luân phiên trình diễn. Các không gian khác cho các chương trình có bán vé như: chương trình khai mạc, lễ hội áo dài và lễ bế mạc được lựa chọn để tôn vinh di sản văn hóa và cảnh quan độc đáo của Huế.

“Ngoài các chương trình diễn ra trên sân khấu bán vé, festival lần này cùng mở rộng khắp các vùng thị trấn vùng xa, các bệnh viện, nhà máy ở tỉnh Thừa Thiên – Huế để cho người dân không có điều kiện được thưởng thức” – ông Hòa cho biết thêm.

Cùng với việc tổ chức hoạt động nghệ thuật, Festival Huế đã góp công sức để các lễ hội cung đình, lễ hội dân gian, lễ hội mới, các loại hình nghệ thuật và cả nghệ thuật sống, được dày công tôn tạo, gìn giữ và xây dựng mới. Nhiều lễ hội tái hiện các sự kiện lịch sử, sân khấu hóa nghệ thuật được nghiên cứu, biên soạn, xây dựng kịch bản và tổ chức thành công. Nhiều chương trình có tính đặc trưng văn hóa được xây dựng ấn tượng. Nhiều loại hình văn hóa và nghệ thuật cộng đồng khác gây dấu ấn sâu đậm trong lòng bạn bè quốc tế và trong nước.

Cầu Trường Tiền đã được tô điểm bằng các bức ảnh của nghệ sĩ Sébestien.
Cầu Trường Tiền đã được tô điểm bằng các bức ảnh của nghệ sĩ Sébestien.

Trong khuôn khổ Festival Huế 2014, một chương trình tôn vinh ca Huế với chủ đề Âm sắc hương bình sẽ diễn ra tại bến Nghinh Lương Đình vào tối 16-4. Theo đạo diễn Nguyễn Ngọc Bình, Giám đốc Nhà hát Ca kịch Huế, chương trình gồm 2 phần là tôn vinh nghệ thuật ca Huế và tri ân các nghệ sĩ có đóng góp cho ca Huế. Ông Bình cho biết khác với việc biểu diễn ở trên thuyền hoặc trong nhà, tại chương trình sẽ có hơn 1.000 người được thưởng thức với nhiều làn điệu ca Huế cổ, giờ đây có rất ít nghệ sĩ thể hiện được. “Đây là một trong những hoạt động nhằm góp phần tôn vinh ca Huế để trong thời gian tới lập hồ sơ công nhận ca Huế là di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia cũng như của thế giới” – ông Bình nói.

Tiếp tục là một hoạt động văn hóa đặc biệt trong khuôn khổ diễn đàn giao lưu văn hóa Đông Á – Mỹ Latin do Bộ Ngoại giao đề xướng, trong kỳ festival lần này sẽ đồng thời diễn ra hội nghị Bộ trưởng Văn hóa các nước ASEAN + 3 tại Huế theo đề nghị của Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch Việt Nam.

Nguồn http://nld.com.vn/