Miền Trung lo cháy rừng

Đã gần 6 tháng, miền Trung chưa có những cơn mưa nào đáng kể. Mực nước trên sông suối đã cạn tới đáy. Độ ẩm thấp, nắng nóng kéo dài, gió phơn Tây Nam đã bắt đầu thổi mạnh. Đồng nghĩa với việc những cánh rừng ở miền Trung đang bị đe dọa với nguy cơ cháy rất cao.

Tỉnh Thừa Thiên – Huế diễn tập phương án chống cháy rừng.

Lo cháy từ biển lên rừng

Rừng phi lao ở xã Đức Minh (Mộ Đức) lớn nhất tỉnh Quảng Ngãi tính đến thời điểm này với diện tích rừng phòng hộ gần 220ha và 270ha rừng sản xuất nối liền kéo dài hơn 6km chạy dọc ven biển. Mỗi khi mùa gió Nam về, chính quyền xã Đức Minh lại lo ngay ngáy bởi tại đây, năm 2012 đã xảy ra cháy lớn thiêu rụi hơn 6ha rừng phòng hộ.

Ông Trần Như Hiệp, Chủ tịch UBND xã Đức Minh cho biết, mỗi năm khu rừng này chịu ít nhất hai lần cháy do lớp thảm mục lá phi lao lâu ngày không được thu gom nên dễ bắt lửa. Vòng về Đức Phổ rồi ngược lên Ba Tơ, những cánh rừng nguyên sinh, rừng phòng hộ đang chịu cái nắng nóng đầu mùa như thiêu đốt. Tại xã Phổ Khánh (Đức Phổ) trong 2 năm qua, năm nào cũng xảy ra cháy. Đám cháy lan rộng, kéo dài 3 – 4 ngày mới tắt vì… hết rừng để cháy bởi các thiết bị chữa cháy từ bao năm nay vẫn rất thô sơ, lạc hậu.

Ông Nguyễn Đại, Phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Quảng Ngãi, cho biết: “Tình trạng nắng nóng kéo dài đã khiến 180.000ha rừng trồng trên địa bàn tỉnh đứng trước nguy cơ cháy cao. Nhiều khu rừng ở các huyện miền núi Ba Tơ, Trà Bồng, Tây Trà đạt đỉnh báo động cấp 4, cấp 5 – cấp cực kỳ nguy hiểm có khả năng gây cháy lớn, lây lan nhanh đối với mọi loại rừng”.

Cũng theo ông Đại, thời gian dễ xảy ra cháy rừng tập trung từ tháng 3 đến tháng 8, cao điểm từ tháng 5 đến tháng 7 vì lúc đó lớp thực bì tại các cánh rừng đã khô; mực nước các sông, suối đã cạn kiệt nên chỉ cần sơ suất nhỏ trong khâu phòng chống là dẫn đến cháy.

Tại tỉnh Quảng Nam có trên 500.000ha rừng tự nhiên và 120.000ha rừng trồng, rừng phục hồi. Trong 10 năm trở lại đây trên địa bàn Quảng Nam có trên 50 vụ cháy rừng, gây thiệt hại gần 300ha rừng trồng các loại. Do đó, công tác tuyên truyền, kiểm tra, giám sát chặt chẽ ở những khu vực rừng trọng điểm được Quảng Nam đặt lên hàng đầu.

Tại Quảng Trị, khu vực núi đồi Cu Vơ các xã Hướng Phùng, Hướng Tân và xã Tân Thành (Hướng Hóa) luôn là “điểm nóng” về nạn cháy rừng. Chưa đầy 3 tháng đầu năm 2014, tại khu vực này đã xảy ra 5 vụ cháy rừng do lượng bom đạn còn sót lại trong lòng đất khá lớn, thời tiết nắng nóng tự phát nổ, gây cháy.

Cùng chung dãy Trường Sơn, Thừa Thiên – Huế có diện tích rừng và đất rừng trên 335.000ha, chiếm gần 70% diện tích đất tự nhiên. Phần lớn diện tích rừng nằm ở địa thế hiểm trở, trong khi lực lượng bảo vệ và phòng chống cháy rừng lại mỏng, phương tiện thô sơ nên công tác phòng chống cháy rừng gặp rất nhiều khó khăn.

Không lơ là với lửa

Theo ông Nguyễn Đại, để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Ngãi đã đề xuất UBND tỉnh thành lập khẩn cấp ban chỉ huy phòng cháy, chữa cháy (PCCC) các cấp. Cùng với đó, chi cục phối hợp với UBND các huyện thành lập những tổ, đội PCCC theo nhóm những hộ có rừng liền kề, chọn người có uy tín làm trưởng nhóm. Biện pháp này đang đem lại hiệu quả bởi huy động lực lượng nhanh chóng, tham gia chữa cháy tích cực nên 2 năm trở lại đây, số vụ cháy xảy ra tại Quảng Ngãi giảm đáng kể (năm 2012 xảy ra 19 vụ; năm 2013 còn 8 vụ).

Tỉnh Quảng Nam cụ thể hơn khi ngay từ đầu năm 2014 đã chú trọng đến công tác diễn tập, tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, các chủ rừng về PCCC rừng. Mới đây nhất là cuộc diễn tập tại huyện Duy Xuyên trong điều kiện cháy rừng cấp 4 – 5.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Vân, Trưởng phòng Quản lý, bảo vệ rừng (Ban quản lý rừng phòng hộ Hướng Hóa – Đakrông), đơn vị được giao quản lý hơn 26.000ha rừng và đất lâm nghiệp thì ngay từ đầu mùa khô năm nay, đơn vị đã đề ra phương án phòng chống cháy rừng. Ngoài việc tăng cường lực lượng phòng chống cháy rừng, đảm bảo trực 24/24 giờ, các trang thiết bị như ống nhòm, máy phát thực bì, máy thổi gió cũng được đầu tư đồng bộ. Các Ban quản lý dựng lán trại ngay trong những cánh rừng phòng hộ và bố trí người túc trực cả ngày lẫn đêm. Nhờ vậy những vụ cháy rừng xảy ra từ đầu mùa khô năm nay cơ bản được dập tắt kịp thời, không gây hậu quả nghiêm trọng.

Dù vậy, theo ông Lê Trường Lưu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế, công tác PCCC rừng trên địa bàn vẫn còn tiềm ẩn những nguy cơ và tồn tại. Tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan, đặc biệt lực lượng kiểm lâm tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ và PCCC rừng; gắn công tác bảo vệ rừng, phòng chống chặt phá rừng với công tác giao đất, giao rừng cho người dân quản lý, bảo vệ. Đồng thời, nghiêm cấm người dân xử lý thực bì bằng hình thức đốt trong thời gian nắng nóng từ tháng 4 đến tháng 8-2014.

Theo SGGP Online