Những bài ca bất hủ về Điện Biên Phủ và Tây Bắc

Đó là các sáng tác của nhạc sĩ Đỗ Nhuận, Nguyễn Thành,…ra đời trong chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây tròn 60 năm.

Khoảng thời gian trước khi chiến dịch Điện Biên Phủ bắt đầu là khoảng thời gian quý báu với quân đội và nhân dân nước ta. Nó đã đi vào lịch sử bởi những lần tập trận quy mô cũng như tạo cảm hứng sáng tác về mặt âm nhạc, nhất là trong chiến dịch giải phóng Tây Bắc.

Ví như, Nguyễn Thành có ca khúc “Qua miền Tây Bắc” với lời ca mộc mạc, động viên bộ đội về giải phóng quê hương: “Qua miền Tây Bắc núi ngút ngàn trùng xa/ Suối sâu, đèo cao, bao khó khăn vượt qua/ Bộ đội ta vâng lệnh cha già…”.

Hay ca khúc “Đường lên Tây Bắc xa xôi, nếp nhà sàn thấp thoáng… Cùng bảo vệ quê hương, sức trai bền gan chiến đấu” của Văn An… Nếu tính trước đó còn có bài “Chiếu tù” của Đỗ Nhuận, bài “Hành khúc Sơn La” của Trần Đức Long và Chu Hà ra đời trong lao tù của vùng “Sơn La âm u núi khuất trong sương mờ”, các chiến sĩ cách mạng luôn tin tưởng tương lai bền gan chiến đấu đón ngày thắng lợi cuối cùng.

Cuộc kháng chiến của quân và dân ta đi từ thắng lợi này, đến thắng lợi khác. Giặc Pháp bế tắc, nhảy dù xuống Điện Biên, dùng căn cứ này khống chế cả miền Tây Bắc và Thượng Lào. Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị quyết tâm triển khai chiến dịch Điện Biên Phủ. Bên cạnh việc chuẩn bị của các đơn vị quân đội, dân quân… cùng các lực lượng khác trong cả nước, các văn nghệ sỹ cùng được lệnh vào cuộc.

Các nhạc sỹ Đỗ Nhuận, Trần Ngọc Xương, Văn Tiến xuống sư đoàn 312, nơi đây đã có Hoàng Vân. Sư đoàn 308 có Lương Ngọc Trác.

Theo chân anh bộ đội, Đỗ Nhuận viết ngay “Hành quân xa” – một hành khúc ngắn gọn, lời ca phù hợp với ý đồ chiến lược của lãnh đạo mặt trận. Bài hát không có cao trào, âm vực chỉ giới hạn trong một quãng 8: “Hành quân xa dẫu có nhiều gian khổ/ Vai vác nặng ta đã đổ mồ hôi… Đời chúng ta đâu có giặc là ta cứ đi!”.

Chất nhạc của Đỗ Nhuận còn thể hiện rõ nét ở bài “Trên đồi Him Lam”, cũng là một hành khúc đơn giản dễ hát. Những nốt nhạc kết hợp chặt chẽ với lời ca: “Hôm qua thắng trận Điện Biên/ Chiến hào xuất kích đồi Him Lam ta tiến vào/ Đi mở đường thắng lợi, ba tháng đổ mồ hôi ta tới đây, quyết diệt cho hết quân thù…”.

Ngoài ra, nhạc sỹ Đỗ Nhuận còn sáng tác một hoạt cảnh Chèo mang tên “Hòn Đá” theo kịch bản của Văn Thắng nhằm nói lên sự gian khổ của chiến sỹ ta khi đào công sự nhưng cũng rất vui nhộn như câu nói của hòn đá: “Dù ai đào ngả, đào nghiêng/ Riêng ta vẫn vững như kiềng hai chân!”.

Hay Hoàng Vân có bài “Hò kéo pháo” sáng tác ngay tại trận địa, được văn công sư đoàn 312 dựng thành tiết mục phục vụ chiến sỹ. Hoàng Vân đã khéo vận dụng điệu hò dân gian, nhưng tiết tấu và giai điệu lại rất hiện đại, tạo nên sự hào hứng, phấn khích…

“Hò dô ta nào!”

“Dốc núi cao cao…

Vực sâu thăm thẳm… Hò dô ta nào!”…

Nhưng bao trùm trên tất cả những bài hát về Điện Biên phải nói đến “Chiến thắng Điện Biên” của Đỗ Nhuận. Tiết tấu vui, tươi sáng, giai điệu đẹp, nét nhạc mở đầu như một hồi kèn khẩn trương giục giã báo hiệu niềm vui chiến thắng: “Giải phóng Điện Biên, bộ đội ta tiến quân trở về, giữa mùa hoa nở miền Tây bắc tưng bừng vui”.

Đỗ Nhuận đã dùng nguyên một câu của điệu hát Chèo “Sắp qua cầu”, được biến đổi chỗ kết và rút gọn tiết tấu để tạo nên khí thế hào hùng “Xiết bao sướng vui từ ngày lên Tây Bắc, đồng bào náo nức mong đón ta trở về”…

Bài hát đã tạo một không khí rộn ràng chào mừng chiến thắng. Trong giai điệu ấy ta thấy còn có cả âm hưởng dân ca của các dân tộc Tây Bắc. Song song với tiết tấu trong sáng, hiện đại là lời ca thắm thiết, nghĩa tình đầy phấn khởi. Do vậy “Chiến thắng Điện Biên” đã được chọn làm nhạc hiệu mở đầu mỗi ngày mới cho Đài Tiếng nói Việt Nam từ tháng 7/1954.

Sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến những nhạc sĩ khác cũng có những tác phẩm hay về Tây Bắc như “Tình ca Tây Bắc” của Bùi Đức Hạnh, phỏng thơ Cầm Giang; “Em bé Mường La” của Trần Ngọc Xương…

Nhìn chung, các ca khúc viết về mảnh đất miền Tây Tổ quốc, từ giai điệu đến khúc thức đều là những hành khúc giản dị, mạnh mẽ, hùng tráng, trữ tình… đã động viên thúc đẩy được tinh thần đồng bào và bộ đội đoàn kết tham gia chiến đấu, giành được những thắng lợi to lớn trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Những tác phẩm ấy không chỉ có ý nghĩa về mặt nghệ thuật mà còn có ý nghĩa về mặt lịch sử. Qua đó, đã tạo nên một lớp nhạc sỹ trưởng thành và luôn thăng hoa trong cái nôi chiến đấu của dân tộc. Âm hưởng văn hóa cũng được nhân đôi khi bên cạnh các ca khúc là những điệu múa sạp, múa nón, múa chuông, múa lụa, múa hoa… nở rộ khắp nơi. Sự giao thoa văn hóa từ vùng Tây Bắc nói chung, Điện Biên nói riêng được vang lên giữa Thủ đô Hà Nội và nhân rộng ra cả nước.

Trong những ngày cả nước đang tưng bừng kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, chúng tôi – những người nhạc sĩ, nghệ sĩ lại nhắc tên nhau và hò hẹn để cùng hát, cùng múa những tác phẩm một thời đáng nhớ cách đây tròn 60 năm./.

Nguồn VOV