Nếp bè Chợ Gạo: Giá “đổi chiều” và nông dân lo lắng
Vụ hè thu chính vụ vừa qua, giá nếp bè bất ngờ chỉ bằng hoặc thấp hơn giá lúa. Trong khi đó, sản xuất nếp bè đòi hỏi chi phí và công chăm sóc bỏ ra nhiều hơn. Câu hỏi đặt ra, nếu tình trạng này tiếp tục diễn ra, vùng chuyên canh nếp bè Chợ Gạo sẽ ra sao?
“Kịch bản” cũ tái diễn
Vừa thăm ruộng về, ông Phạm Hữu Truyện, ấp Bình Long, xã Thanh Bình cho biết, thông thường giá nếp bè cao hơn giá lúa từ 400 đồng/kg trở lên nhưng vụ hè thu chính vụ 2011 giá nếp bè rất thấp, chỉ 4.900 đồng/kg (nếp tươi) vào đầu vụ, sau đó có tăng lên nhưng lúc cao nhất cũng chỉ ngang bằng với giá lúa hạt dài, khoảng 6.100 - 6.200 đồng/kg. Ông Truyện cho biết, 6 công trồng nếp bè của ông thu hoạch cách nay khoảng 1,5 tháng, lúc đó bán tươi với giá 5.700 đồng/kg, trong khi giá lúa lúc đó trên 6.000 đồng/kg. Bên cạnh đó, năng suất vụ rồi thấp nên lợi nhuận đạt không cao, khoảng 700 - 800 nghìn đồng/công. “Phần lớn các trà nếp thu hoạch sớm vụ rồi có năng suất không cao lại phải bán giá thấp, khoảng 4.900 - 5.000 đồng/kg nên mức lời không cao, thậm chí có người huề vốn” - ông Truyện cho biết.
Đây không phải lần đầu tiên giá nếp bè thấp hơn hoặc ngang bằng giá lúa. Những người lâu năm trồng nếp bè ở đây cho biết, cách nay khoảng 4 - 5 năm, có một vụ giá nếp bè thấp hơn giá lúa khiến cho một diện tích nông dân chuyển đổi sang trồng lúa. Sau đó, giá nếp bè tăng trở lại, nông dân mới chuyển lại trồng nếp. Năm nay, “kịch bản” cũ lại tái diễn làm cho người trồng nếp bè Chợ Gạo băn khoăn - bởi theo chiết tính của họ, trồng nếp bè chi phí cao, công chăm sóc nhiều do khử lẩn rất kỹ, chất lượng nếp thành phẩm đòi hỏi cao nên kéo theo đó giá nếp cũng yêu cầu phải cao hơn lúa. Anh Đỗ Văn Dũng, ấp Bình Cách, xã Tân Bình Thạnh cho biết, tổng chi phí sản xuất nếp bè cao hơn so với lúa từ 10-20% do thường nhiễm rầy, chi phí phòng trừ tăng cao, công chăm sóc nhiều hơn. Vì thế, khi giá nếp bè thấp hơn hoặc bằng giá lúa đối với người trồng oại cây đặc sản này là sự bất hợp lý. “Tình trạng này chỉ mới xảy ra ở vụ hè thu chính vụ, nông dân còn đang chờ những diễn biến tiếp theo. Nếu tình hình tiếp tục bất lợi, vùng chuyên canh nếp bè sẽ gặp nhiều khó khăn” - anh Dũng cho biết.
Ông Phạm Văn Chính, Phó Chủ nhiệm HTX nếp bè Tân Bình Thạnh cho biết, những năm trước giá nếp bè thường duy trì ở mức khá chênh lệch so với lúa, người trồng nếp bè vì thế thường đạt lợi nhuận tốt hơn lúa. Tuy nhiên, những năm gần đây, giá nếp bè khá bấp bênh, mức chênh lệch giá so với lúa bị thu hẹp dần. Vụ hè thu chính vụ vừa qua, giá nếp bè xuống bằng và có lúc thấp hơn giá lúa đã cho thấy sự bấp bênh đó.
Sức ép lên vùng chuyên canh
Nếp bè gắn bó lâu năm với người dân “hệ Bến Tranh” và Tây kinh Chợ Gạo trên 10 năm nay và đã trở thành cây trồng chủ lực, góp phần nâng cao đời sống của người dân trong vùng. Vì thế, việc “đổi chiều” giá nếp so với lúa thời gian qua là “cú sốc” đối với nông dân trồng nếp bè.
Lý giải hiện tượng này, có người cho rằng, do những vụ gần đây diện tích trồng nếp bè phát triển mạnh ở Long An dẫn đến nguồn cung tăng nên giá nếp giảm. Có người lại cho rằng, thị trường xuất khẩu gạo sôi động đã đẩy giá lúa tăng cao làm cho giá nếp không tăng theo kịp. Nhưng theo ông Nguyễn Văn Chi, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Bình Thạnh, một phần của nguyên nhân giá nếp thấp trong thời gian qua là do thương lái ép giá. “Thời điểm đầu vụ, thương lái đưa mức giá mua nếp tươi 4.900 đồng/kg. Nhưng sau khi Công ty Lương thực vào cuộc triển khai mua nếp bè ở địa bàn xã Tân Bình Thạnh với giá 5.500 đồng/kg, thương lái liền đẩy giá mua nếp tươi lên 5.700 đồng/kg, rồi 5.900 đồng/kg, rồi tăng tiếp 6.100 - 6.200 đồng/kg” - ông Chi nói. Tình trạnh này diễn ra bắt nguồn từ điểm yếu của nông dân trồng nếp là thiếu thông tin về thị trường nếp bè, khi thu hoạch nếp nông dân không có điều kiện, phương tiện vận chuyển đến lò sấy để trữ lại chờ bán giá cao nên buộc phải bán nếp tươi (thu hoạch xong phải đưa vào lò sấy mới đảm bảo không giảm chất lượng nếp bè) tại ruộng nên dễ bị thương lái ép giá.
Ông Nguyễn Văn Thinh, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Gạo cho biết, hiện nay giá nếp ngang bằng giá lúa, không còn cao hơn lúa như trước đây. Diện tích nếp bè cũng giảm từ 400 - 700 ha so với những năm trước do phát triển diện tích trồng thanh long và trồng màu dưới chân ruộng. Hiện tại, diện tích trồng nếp bè trong vùng chuyên canh còn khoảng 4.300 ha, tập trung ở các xã “hệ Bến Tranh” và Tây kinh Chợ Gạo. Theo ông Thinh, từ lâu nếp bè được xác định là cây có lợi thế cạnh tranh của Chợ Gạo. Để giữ vững và phát triển bền vững vùng chuyên canh nếp bè, Chợ Gạo và các ngành chức năng đã xúc tiến đăng ký thương hiệu và được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Cộng nghệ) chứng nhận thương hiệu nếp bè Chợ Gạo vào năm 2007. Tiếp theo đó, năm 2009, Hợp tác xã nếp bè Tân Bình Thạnh được thành lập với mục đích tìm đầu ra ổn định cho hạt nếp bè (từ khi thành lập đến nay, Hợp tác xã chưa có hoạt động gì đáng kể). “Huyện đã xác định vùng chuyên canh nếp bè, trong đó cố gắng giữ vững diện tích trồng trên 4.000 ha. Bên cạnh đó, huyện cũng đã hỗ trợ kinh phí cho việc phục tráng, khử lẫn nếp bè” - ông Nguyễn Văn Thinh cho biết.
Giờ đây, vùng chuyên canh bếp bè đang đứng trước không ít khó khăn, thách thức. Giá cả bấp bênh, thường xuyên bị thương lái ép giá, nông dân bắt đầu lo lắng cho tương lai cây nếp bè. Tuy nhiên, trước mắt họ chưa thể chuyển đổi ngay do nhiều nguyên nhân: Đã gắn bó lâu năm với cây nếp bè, việc tiêu thụ lúa sẽ gặp nhiều khó khăn trong vùng chuyên canh nếp bè (nếu chuyển đổi sang trồng lúa)…. Nông dân cần thêm thời gian để xem diễn biến thị trường nếp bè ra sao rồi mới tính đến chuyện chuyển đổi, trước mắt trong vụ hè thu muộn 2011 bà con vẫn tiếp tục canh tác nếp bè.
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.