Lục bình là nguyên nhân cản trở giao thông đường thủy
(THTG) Nhiều năm trở lại đây, lục bình được tận dụng làm nguyên liệu sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, phục vụ xuất khẩu. Thu hút nhiều lao động, tạo việc làm cho người có thời gian nhàn rỗi, có thêm thu nhập. Nhiều hộ dân vươn lên khá giàu nhờ vào nghề đan lục bình.
Tuy nhiên, ở một số khu vực khác trong tỉnh, lục bình lại là nỗi ám ảnh của người dân. Điển hình như ở hai bên sông dọc tỉnh lộ 847, đi qua địa phận 2 xã Thạnh Lộc và Phú Cường, huyện Cái Lậy, lục bình phát triển dày đặc, ảnh hưởng lớn đến việc đi lại trên sông và cuộc sống sinh hoạt thường ngày của nhiều hộ gia đình. Hiện tại, lục bình đã chiếm lĩnh gần 5 km mặt sông. Người dân đã dùng nhiều cách để thu gom lục bình, nhưng không mang lại kết quả đáng kể.
Nguyên nhân dẫn đến hiện trạng này là do lục bình từ các con sông lớn, theo nước trôi vào sông rạch, rồi vướng lại nơi trũng, thấp, gây ùn tắt kéo dài. Bà con phải mất khá nhiều thời gian và công sức mới qua được đoạn sông này. Bên cạnh đó, với lượng lớn lục bình sẽ làm giảm ánh sáng và nồng độ oxy trong nước dẫn đến giảm sản lượng cá và thủy sinh trong nước. Ngoài ra nó còn cản trở dòng chảy, gây ùn tắt rác thải. Nhiều đoạn sông nước sông đen ngòm, sủi bọt bong bóng và bốc mùi hôi, nhiều hộ dân trong khu vực này không thể sử dụng nguồn nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp.
Trước tình trạng lục bình phát triển vượt tầm kiểm soát, một số địa phương đã sử dụng thuốc trừ cỏ 2,4D, còn gọi là thuốc khai hoang, phun xịt, để tận diệt lục bình, giải tỏa mặt sông. Tuy nhiên, thuốc diệt cỏ 2,4D là loại thuốc rất độc hại đối với con người, có cấu tạo gần giống với chất độc da cam. Điều đáng ngại nhất là khi phun thuốc này diệt lục bình, phải mất từ 5 đến 10 ngày, lục bình mới héo và chết. Khi chết, thân và gốc lục bình sẽ bị thối rữa làm ô nhiễm thêm nguồn nước. Như vậy, không giải quyết được vấn đề mà còn làm ảnh hưởng đến môi trường nước.
Trước tình hình đó, thời gian qua, Ủy Ban nhân dân xã Thạnh Lộc đã huy động lực lượng thanh niên cùng người dân địa phương vớt lục bình, nhưng cũng không mang lại kết quả như mong muốn..
Để giải quyết triệt để sự phát tán của lục bình, bà con cần phối hợp với chính quyền địa phương vớt lục bình đưa lên bờ, không nên dùng thuốc diệt lục bình vì sẽ ảnh hưởng đến môi trường nước. Lục bình sau khi phơi khô có thể làm phân bón và chất phủ rất tốt, hoặc có thể phơi khô rồi tìm nơi tiêu thụ. Đây là giải pháp kinh tế, tạo được công ăn việc làm và không gây ô nhiễm môi trường. Đồng thời, bà con cần kết hợp với việc nạo vét dòng sông, lưu thông dòng chảy, thanh lọc dòng nước, hạn chế sự phát triển của lục bình, tạo điều kiện thuận lợi cho sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp .
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.