Cảnh báo khả năng khủng hoảng lương thực thế giới
“The Japan Times” mới đây vừa đưa ra một số phân tích đánh giá về vấn đề khủng hoảng lương thực thế giới. Theo “The Japan Times”, song song với hiện tượng lạm phát tiền tệ, xu hướng tăng giá các mặt hàng lương thực (kéo dài từ năm 2006 đến nay) đang là một lo chung của toàn thế giới và việc nỗ lực chống lạm phát đã trở thành ưu tiên hàng đầu của nhiều quốc gia. “The Japan Times” nhận xét, sau hàng loạt các gói kích cầu được nhiều nước đưa ra trong giai đoạn 2009-2010, các mặt hàng lương thực tăng giá muộn hơn nhiều so với các mặt hàng công nghiệp. Tuy nhiên, theo Ngân hàng Thế giới (WB), giá thực phẩm toàn cầu không biến động nhiều trong những tháng đầu năm 2011, nhưng đến tháng 7/2011 cũng đã lên mức cao nhất trong vòng 3 năm qua. Chỉ số giá thực phẩm do WB tính toán đã tăng 33% trong tháng 7/2011 so với cùng kỳ năm 2010 và gần chạm ngưỡng của mức kỷ lục năm 2008, phần lớn do sự tăng giá của ngô, đường và lúa mì. Giá lương thực tăng cao do một số nguyên nhân sau: Thứ nhất, điều kiện thời tiết bất lợi xảy ra trong năm 2010 và đầu năm 2011 đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới nông nghiệp tại một số nước sản xuất lương thực lớn. Thứ hai, sau một thời gian bình ổn trong năm 2009, giá dầu đã tăng trở lại trong năm 2010 do nền kinh tế thế giới phục hồi. Điều này đồng nghĩa với chi phí vận chuyển tăng cao, kéo giá lương thực tăng theo. Thứ ba, đồng USD mất giá từ cuối năm 2010. Đây là hệ quả của các chính sách tài chính, tiền tệ nới lỏng và duy trì lãi suất thấp của nền kinh tế Mỹ. Thứ tư, dân số tăng trưởng nhanh tại các nền kinh tế mới nổi. Tốc độ gia tăng dân số tại các nước đang phát triển và nền kinh tế mới nổi giai đoạn 2005-2010 là 11,8% trong khi tại các nước phát triển là 3,8%. Thứ năm, các chính sách phản ứng của một số quốc gia xuất khẩu thực phẩm về tình trạng thiếu hụt thực phẩm. Tháng 8/2010, Nga - nước xuất khẩu lúa mì lớn thứ 3 thế giới - đã công bố một lệnh cấm xuất khẩu gạo trong một năm nhằm bảo vệ thị trường trong nước sau khi nước này phải chịu một đợt hạn hán nghiêm trọng, phá huỷ một phần đáng kể lượng ngũ cốc thu hoạch. Thứ sáu, khối lượng lương thực dùng cho sản xuất nhiên liệu sinh học đang tăng lên đáng kể và tác động tiêu cực đến thị trường lương thực. Mỹ dùng tới 1/4 sản lượng ngũ cốc để sản xuất nhiên liệu sinh học (lượng ngũ cốc này đủ để cứu đói cho hơn 300 triệu người). Tổ chức Nông Lương thế giới (FAO) cho rằng, tới năm 2020, có 13% sản lượng ngũ cốc toàn cầu, 15% sản lượng dầu thực vật và 30% sản lượng mía đường sẽ được sử dụng để sản xuất nhiên liệu sinh học; theo đó sản lượng lương thực cần phải tăng 70% vào giữa thế kỷ này mới có thể đáp ứng nhu cầu tiêu thụ và ngăn ngừa nguy cơ đói nghèo lan rộng. Thứ bảy, cơ cấu tiêu dùng lương thực cũng đang thay đổi. Chế độ ăn uống ở các nước đang phát triển có những biến đổi lớn. Gia tăng tiêu dùng các loại thực phẩm đắt tiền cũng là xu thế toàn cầu. Theo giới phân tích, giá lương thực leo thang sẽ gây ra những tác động tiêu cực: 1. Người tiêu dùng thu nhập thấp phải chịu những tác động nặng nề nhất khi giá lương thực leo thang vì phải dành phần lớn thu nhập cho các nhu cầu thiết yếu trong đó có thực phẩm. 2. Lợi nhuận doanh nghiệp bị ảnh hưởng do phải chi phí nhiều hơn cho thực phẩm, nên số tiền dành cho các mặt hàng có tính sử dụng lâu bền (như ô tô, máy lạnh,…) bị hạn chế. Điều này sẽ gây tác động dây chuyền trên thị trường hàng hoá không thiết yếu và tạo ra nhiều áp lực lên lợi nhuận của các doanh nghiệp. 3. Cán cân thương mại của các nước nhập khẩu thực phẩm sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, đặc biệt là các nước đang phát triển khi giá lương thực tăng cao vì hầu hết trong số đó là các quốc gia nhập khẩu ròng thực phẩm như Băng-la-đét, Ni-giê-ri-a, Ai Cập,… Cán cân thương mại âm sẽ tác động tiêu cực tới sức mạnh đồng tiền cũng như môi trường kinh tế vĩ mô của các quốc gia này. 4. Cản trở những nỗ lực xoá đói giảm nghèo của các nước đang phát triển. Theo số liệu ước tính của WB, lương thực tăng giá đã đẩy 44 triệu người ở các nước đang phát triển vào cảnh nghèo đói cùng cực (thậm chí rất nhiều người trong số đó phải sống với ít hơn 1,25 USD/ngày từ tháng 6/2010-1/2011. Nghèo đói gia tăng đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới chi tiêu của người tiêu dùng cũng như tăng trưởng kinh tế. 5. Giá lương thực tăng cao khiến lạm phát ở một số nước tăng mạnh. Mạng tin phân tích và tư vấn kinh tế (EIU) thuộc Tạp chí Economist của Anh nhận định, mối lo ngại lớn nhất với kinh tế thế giới hiện nay chính là tác động của việc giá cả nhiên liệu và thực phẩm đang tăng mạnh, làm lạm phát bùng lên ở nhiều nước. Đây là vấn đề đặc biệt “đau đầu” đối với các nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh như Trung Quốc và Bra-xin, nhưng các nước phát triển cũng không tránh khỏi bị tác động. Vì vậy, bình ổn giá lương thực đang là bài toán rất hóc búa đặt ra cho tất cả các nước trong bối cảnh hiện nay. Để giải quyết vấn đề này, đòi hỏi phải có sự chung tay của cả thế giới, bởi một quốc gia không thể đơn phương giải quyết được vấn đề. |
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.