Những nhà thờ nổi tiếng ở Việt Nam
1. Nhà thờ đá Phát Diệm, Ninh Bình
Xứ đạo Kim Sơn, Ninh Bình với cảnh sắc thiên nhiên đẹp, nơi tọa lạc của nhà thờ đá là nơi tinh hoa hội tụ của đất trời, từ lâu đã trở thành điểm đến hấp dẫn du khách, đặc biệt với những người mộ đạo. Nằm giữa trung tâm thị trấn Phát Diệm, nhà thờ Phát Diệm (thường gọi là Nhà thờ đá) là một quần thể nhà thờ công giáo rộng khoảng 22 ha, gồm 1 nhà thờ lớn và 5 nhà thờ nhỏ, một Phương Đình, ao hồ và ba hang đá nhân tạo. Công trình được các giáo dân Công giáo xây dựng chủ yếu bằng đá và gỗ trong hơn 30 năm.
Điểm chung trong kiến trúc nhà thờ Phát Diệm giống với nhà thờ ở châu Âu đó là lòng nhà thờ dài 74m, còn lại đều thiết kế theo kiểu cách của đạo Phật. Hệ thống mái được phân thành 2 tầng, ngắt quãng bởi cửa sổ, vừa lấy ánh sáng vừa tạo độ vút cao cho mái. Đây chính là dạng mái chồng diêm trong kiến trúc truyền thống. Cuối nhà thờ, chái kiệu có cấu tạo là một khối sâu bằng đá hoa cương, phần xây cuốn vòm tạo thành 5 lối vào nhà thờ. Phía trên tháp lợp ngói mũi hài, với đầu đao cong lượn thanh thoát, gợi lên sự phối hợp tinh tế của hai lối kiến trúc Đông Dương – Gothic tạo nên một kiến trúc độc đáo, hấp dẫn du khách.
2. Nhà thờ Phú Nhai, Nam Định
Nam Định nổi tiếng với những nhà thờ với kiến trúc đẹp và được xây dựng từ lâu đời, trong đó có nhà thờ Phú Nhai với kiến trúc gothic duyên dáng giữa xóm làng.
Nằm ở xã Xuân Phương, huyện Xuân Trường, nhà thờ Phú Nhai được xây dựng từ năm 1986 mang đậm dấu ấn của Tây Ban Nha. Sau đó, nhà thờ được xây dựng lại theo kiến trúc của Pháp với chiều cao 30m, được xây cầu kỳ với quy mô hoành tráng, được coi là nhà thờ có kiến trúc gothic lớn nhất Việt Nam.
Với hai tháp chuông cao hơn 40 mét, phía trước có 4 quả chuông, các bức tượng thánh ở đây đều được đắp nổi trên cửa hoặc bên hông của nhà thờ đã tạo điểm nhấn cho nhà thờ. Nhìn từ xa, bạn sẽ thấy thấp thoáng các gian mái chính và mái nhỏ tạo nên sự uy nghi, cổ kính cho nhà thờ. Du khách chắc chắn sẽ ngạc nhiên trước vẻ đẹp kiêu sa, lộng lẫy của nhà thờ được mệnh danh là “vương cung thánh đường” này.
3. Nhà thờ Trà Cổ, Quảng Ninh
Nhà thờ Trà Cổ thuộc phường Trà Cổ, thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh, có kiến trúc cổ kính và đồ sộ. Nhà thờ được xây dựng từ những năm 80 của thế kỷ 19 và được trùng tu lại năm 1995. Nhà thờ có hàng trăm bức phù điêu và một quả chuông 80 năm tuổi.
Sau một thời gian bị hư hỏng bởi chiến tranh, đến năm 1995 nhà thờ được sửa chữa lớn. Hàng trăm bức phù điêu được khôi phục, trả lại cho nhà thờ dáng vẻ cổ kính như xưa. Nhà thờ là điểm tham quan nổi tiếng của vùng Trà Cổ, Móng Cái.
4. Nhà thờ gỗ Kon Tum, Gia Lai
Đây là một công trình kiến trúc độc đáo đứng vững giữa cái nắng, cái gió của cao nguyên suốt một thế kỷ qua. Với tháp chuông cao vút, mái nhọn, khung cửa hình vòm và hàng cột to tròn, ngôi giáo đường mang đặc trưng kiến trúc Roman và hài hòa với phương Đông bởi hoa văn trang trí, điêu khắc trên gỗ mang dáng dấp của văn hóa bản địa.
Nhà thờ Kon Tum là một địa điểm du lịch nổi tiếng của thành phố Kon Tum, tỉnh Gia Lai. Nơi đây cũng được xem như nhà thờ có kiến trúc bằng gỗ lớn nhất tại Việt Nam. Phần cột kèo gỗ hay những chi tiết trang trí đậm đà bản sắc Tây Nguyên đều được gắn kết với nhau bằng mộng mà không dùng tới đinh hay thứ keo kết dính nào. Riêng phần tường và mái nhà được làm hoàn toàn bằng đất sét và rơm bện lại thành khối đắp lên. Chính điều này đã tạo nên được nét hài hòa, bền vững cũng như làm nên một công trình có tính thẩm mỹ cao.
5. Nhà thờ Buôn Hồ, Đăk Lăk
Tọa lạc trên triền đồi, nằm trong khuôn viên rộng rãi, nhìn ra hướng quốc lộ 14, nhà thờ Buôn Hô sừng sững uy nghi mang phong cách Gothic, nổi bật là mái vòm che cung thánh và tháp chuông đôi cao vút.Phần tiền đường gọi là Quảng trường Huynh đệ bắt nguồn từ hai đỉnh tháp chuông cao vút của Thánh đường, chảy xuống giữa 8 cột trụ bền vững ốp đá hoa cương được kết hợp hài hòa với hai vòng cung, như đôi tay vươn ra ôm lấy toàn bộ không gian phía trước.
Đây là ngôi thánh đường theo kiểu gothic uy nghi, bề thế với diện tích khoảng 1.260 mét vuông được đánh giá vào bậc nhất 5 tỉnh Tây Nguyên.
6. Nhà thờ Con Gà
Nhà thờ Chính tòa Ðà Lạt có tên gọi khác là nhà thờ Con Gà vì trên đỉnh tháp chuông có hình con gà lớn, là nhà thờ chính tòa của vị Giám mục Giáo phận Đà Lạt nằm trên dường Trần Phú, cũng là nhà thờ lớn nhất tại Đà Lạt một trong những công trình kiến trúc tiêu biểu và cổ xưa nhất của thành phố này do người Pháp để lại.
Kiến trúc nhà thờ được thiết kế theo “kiểu mẫu” của các nhà thờ Công giáo Rôma ở châu Âu, tiêu biểu cho trường phái kiến trúc Roman. Mặt bằng nhà thờ theo hình chữ thập có chiều dài 65m, rộng 14m, tháp chuông cao 47m. Với độ cao đó, từ tháp chuông của nhà thờ có thể nhìn thấy mọi nơi của thành phố.
Nguồn Quê hương
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.