Thời tiết nắng nóng kéo dài, nguy cơ cháy rừng cao
Theo tin từ Cục Kiểm lâm (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn), tính đến ngày 11/5, nhiều khu vực trên phạm vi cả nước đã có nhiều ngày không mưa, thời tiết khô hanh do nắng nóng kéo dài, có nguy cơ xảy ra cháy rừng.
Nắng nóng gay gắt kéo dài đã đẩy mức cảnh báo nguy cơ cháy rừng lên mức báo động cấp V (cấp cực kỳ nguy hiểm). Nhiệm vụ phòng cháy chữa cháy rừng đang được đặt ra hết sức cấp bách.
Cần chủ động trong phòng chống, chữa cháy rừng |
Theo cảnh báo của Cục Kiểm lâm, có 3 địa phương đang ở cấp V, cấp cực kỳ nguy hiểm. Nếu cháy rừng xảy ra thì hầu hết các kiểu rừng đều dễ bắt lửa với tốc độ lan tràn rất nhanh gồm có: Bà Rịa – Vũng Tàu (Khu vực Côn Đảo), Ninh Thuận (Khu vực Ninh Sơn, Ninh Phước, Bác Ái), Quảng Ngãi (Khu vực Tư Nghĩa, Sơn Tịnh, Mộ Đức, Đức Phổ, Nghĩa Hành). Bên cạnh đó, có 1 địa phương được cảnh báo ở cấp IV, cấp nguy hiểm là Đồng Tháp.
Trước tình hình đó, Ban chỉ đạo Nhà nước về kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2020 yêu cầu UBND các cấp và chủ rừng thuộc các địa phương trên thực hiện ngay các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng. Trong bổi cảnh nguy cơ cháy rừng cao, việc chủ động lực lượng, phương tiện phòng, chống cháy rừng là yêu cầu tiên quyết.
Thực tế cho thấy, ngoài nguyên nhân do thời tiết khắc nghiệt, nguy cơ cao đối với cháy rừng còn có nguyên nhân từ chính việc người dân vẫn còn tiến hành đốt đồng sau thu hoạch, đốt trảng cỏ để cỏ non mọc làm nơi chăn thả gia súc và đốt nương làm rẫy… Ngoài ra, một nguyên nhân nữa còn do chi phí nhận giao khoán, bảo vệ rừng thấp khiến chủ rừng không mặn mà với công tác bảo vệ, phòng chống cháy rừng. Do đó, ngoài sự chỉ đạo kịp thời từ Trung ương, trong cuộc chiến với hoả hoạn đối với mỗi diện tích rừng, việc phòng, chống cháy rừng còn ở chính sự chủ động của mỗi địa phương. Vì vậy, việc phòng chống, chữa cháy rừng ở các địa phương hiện là nhiệm vụ hết sức nặng nề và cấp bách. Cùng với các giải pháp khẩn cấp, thiết nghĩ, chính quyền và các cơ quan chức năng từng địa phương cần rà soát, tổ chức lại việc giao nhận khoán chăm sóc, bảo vệ rừng với sự cam kết, hợp đồng rõ ràng trên cơ sở quy định của pháp luật, gắn trách nhiệm cá nhân, tập thể đối với nhiệm vụ; khắc phục tình trạng làm cho có, vừa gây lãng phí, vừa không mang lại hiệu quả công tác bảo vệ rừng./.
Nguồn ĐCSVN
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.