Vợ sinh con, chồng được nghỉ và trợ cấp tiền

Dự thảo Luật Bảo hiểm Xã hội quy định, trường hợp chỉ mình người cha đóng bảo hiểm xã hội, khi người mẹ sinh con, người cha sẽ được trợ cấp 2 tháng lương. Ngoài ra, người chồng cũng được nghỉ từ 5-7 ngày khi vợ sinh con…

 

Ảnh minh họa

Dự thảo Luật Bảo hiểm Xã hội đã sửa đổi quy định về trợ cấp một lần khi sinh con trong trường hợp chỉ có cha tham gia bảo hiểm xã hội theo hướng trường hợp chỉ có cha tham gia bảo hiểm xã hội thì khi mẹ sinh con, cha sẽ được trợ cấp một lần bằng 2 tháng tiền lương cơ sở cho mỗi con.

Đây là một quy định hoàn toàn mới vì theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành, trong trường hợp chỉ có cha tham gia bảo hiểm xã hội thì cha chỉ được hưởng trợ cấp một lần trong trường hợp mẹ chết khi sinh con.

Theo trình bày của Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền trước Quốc hội ngày 26/5, quy định trên không đảm bảo công bằng đối với các trường hợp chỉ có người cha tham gia bảo hiểm xã hội. “Khoản trợ cấp một lần khi sinh con là khoản trợ cấp được chi trả nhằm mục đích hỗ trợ mua các vật dụng cần thiết cho con khi mới sinh, vì vậy khoản trợ cấp này nên được chi trả đối với tất cả các trường hợp cả cha và mẹ đều tham gia bảo hiểm xã hội hoặc chỉ có mẹ hoặc chỉ có cha tham gia bảo hiểm xã hội.” – bà Phạm Thị Hải Chuyền giải thích lý do bổ sung quy định vào Dự thảo Luật.

Ngoài ra, Dự thảo Luật sửa đổi cũng bổ sung quy định lao động nam có vợ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản 5 ngày làm việc hoặc 7 ngày làm việc tùy thuộc vào trường hợp vợ đẻ thường hoặc đẻ mổ.

Theo quy định hiện hành khi lao động nữ sinh con thì chỉ lao động nữ được nghỉ việc để chăm sóc con, tuy nhiên chưa có quy định về lao động nam được nghỉ việc chăm sóc vợ và con. Vì vậy, Bộ Lao Động, Thương binh và Xã hội cho rằng nên bổ sung thêm quy định trong thời gian người vợ sinh con thì người cha cũng được nghỉ với một thời gian nhất định để có phẩn trách nhiệm trong việc sinh con của người vợ.

“Đó là sự chia sẻ và cũng thể hiện rõ vấn đề giới trong lĩnh vực này. Đây là nhu cầu không chỉ riêng của lao động nữ sinh con mà của cả lao động nam có nguyện vọng được chia sẻ trách nhiệm được có thời gian nghỉ việc chăm sóc con, đảm bảo tốt hơn sức khỏe của người mẹ và trẻ sơ sinh trong điều kiện quỹ còn có thể cân đối.” – bà Phạm Thị Hải Chuyền nói. 

Rút ngắn thời gian bắt buộc đóng bảo hiểm trước sinh

Dự thảo Luật Bảo hiểm Xã hội (sửa đổi) cũng có một quy định được sửa đổi theo hướng có lợi hơn cho người phụ nữ khi sinh con. Đó là sửa đổi quy định về điều kiện hưởng chế độ thai sản khi sinh con đối với trường hợp lao động nữ mang thai nhưng thai không bình thường phải nghỉ việc.

Theo Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành, điều kiện hưởng chế độ thai sản khi sinh con là “người lao động phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con”. Theo bà Phạm Thị Hải Chuyền, quy định này là tích cực, khắc phục được sự lạm dụng chế độ này song lại không hợp lý với các trường hợp người lao động đã có quá trình đóng bảo hiểm xã hội dài, song vì lý do khó mang thai, thai bệnh lý, thai không bình thường nên phải nghỉ việc ngay khi mang thai, do vậy không đủ điều kiện đóng bảo hiểm xã hội đủ 6 tháng trong thời gian 12 tháng trước khi sinh để được hưởng chế độ thai sản.

“Trong trường hợp này là không công bằng và không đảm bảo quyền lợi của người lao động vì họ đã có quá trình đóng bảo hiểm xã hội dài nhưng lại không được hưởng chế độ thai sản.” – bà Phạm Thị Hải Chuyền nêu quan điểm của ban soạn thảo dự án Luật và chính vì vậy, để khắc phục được hạn chế này, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) quy định đối với người lao động đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai, cơ sở y tế yêu cầu phải nghỉ việc thì điều kiện hưởng chế độ thai sản chỉ cần đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 3 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con. 

Chỉ được đi làm trước thời hạn 2 tháng

Theo quy định của Dự thảo Luật, lao động nữ có thể đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con khi có đủ 3 điều kiện, đó là sau khi đã nghỉ hưởng chế độ ít nhất được 4 tháng; có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh về việc đi làm sớm không có hại cho sức khoẻ của người lao động; phải báo trước và được người sử dụng lao động đồng ý.

Theo quy định này, ngoài tiền lương của những ngày làm việc, lao động nữ đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con vẫn được hưởng chế độ thai sản cho đến khi hết thời hạn quy định.

Nguồn Vnmedia