Luật pháp quốc tế không đứng về phía Trung Quốc
Trung Quốc từ xưa đến giờ luôn tuyên bố lãnh thổ, lãnh hải theo kiểu tùy ngôn, bất chấp luật pháp quốc tế và quyền lợi của láng giềng. Tuy nhiên, Trung Quốc chưa bao giờ dám theo đuổi những biện pháp mang tính tôn trọng pháp lý như đưa ra tòa án quốc tế.
Tiến sĩ James Holmes (Trường Chiến tranh hải quân – Mỹ) nhận định: “Trung Quốc luôn có tham vọng viết lại luật pháp quốc tế nhằm phục vụ cho những tuyên bố chủ quyền của mình. Bằng những động thái như hạ đặt giàn khoan, Trung Quốc đang cố tình tạo ra một hiện trạng mới, giả vờ mặc nhiên thừa nhận đây là một động thái bình thường của Bắc Kinh”.
Ông cảnh báo: “Nếu sức kháng cự của các nước nhỏ hơn không đủ mạnh, những luật lệ Bắc Kinh tự đặt ra sẽ vô hình trung dần dà được thừa nhận. Tôi không tin luật pháp quốc tế hiện nay công nhận những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc nhưng Bắc Kinh luôn có tham vọng tạo riêng cho mình một vùng ngoại lệ”.
Bên lề cuộc tọa đàm “Gia tăng căng thẳng ở Biển Đông và hậu quả đối với an ninh khu vực” do Trung tâm Nghiên cứu chiến lược châu Á của Ấn Độ (CASS-India) tổ chức tại Singapore ngày 28/5, Giáo sư Srikanth Kondapalli đến từ Trung tâm Nghiên cứu Đông Á của Đại học Jawaharlal Nehru ở thủ đô New Dehli đưa ra những con số cho thấy Biển Đông không chỉ là tuyến đường huyết mạch với hơn 50% hàng hóa của thế giới trị giá 5.300 tỷ USD đi qua mỗi năm, mà nó cũng gắn chặt với lợi ích thiết thực của Ấn Độ khi 55% giao dịch thương mại quốc tế của Ấn Độ đi qua vùng biển này. Không chỉ chứa trữ lượng dầu mỏ ước tính 213 tỷ thùng, Biển Đông cũng là nơi 50% khí đốt và 35% dầu mỏ xuất nhập khẩu của thế giới đi qua. Giáo sư Kondapalli nhấn mạnh: “Vì vậy, bất kỳ hành động nào gây nguy hiểm vùng biển này đều có tác động sống còn đối với thế giới”.
Giáo sư Kondapalli cũng chỉ ra xu hướng nguy hiểm khi Trung Quốc có dấu hiệu “biến những vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia ven biển thành vùng quân sự”.
Cùng nhận định với Giáo sư Kondapalli, 12 học giả từ nhiều quốc gia khác tham gia buổi tọa đàm đều bày tỏ sự lo ngại đặc biệt trước những hành động hung hăng mang tính “khiêu khích” và “phi pháp” của Bắc Kinh đối với các quốc gia Đông Nam Á có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, đặc biệt là tại vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam hiện nay.
Trao đổi với BBC hôm 30/5 từ Đại học Hamburg của Cộng hòa Liên bang Đức, Giáo sư Jorg Thomas Engelbert, nhà nghiên cứu châu Á và Việt Nam học, cho rằng Trung Quốc không chỉ ‘thử phản ứng’ của các cường quốc, các nước láng giềng trong khu vực, mà có thể muốn tỏ cho thấy họ không ‘nhượng bộ’ trước bất cứ quốc gia nào trong vụ giàn khoan và khẳng định vai trò và vị thế quân sự ở khu vực. Ông Engelbert nói: “Dầu khí là chuyện giả thôi, thực chất, Trung Quốc mượn cớ để khẳng định mình về mặt quân sự, nên việc này thì họ sẽ đi từng bước một, và sự phản ứng của thiên hạ và của Mỹ cũng sẽ khẳng định tốc độ của việc đưa quân sự ra ở vùng đó”.
Giáo sư Jorg Thomas Engelbert cho rằng có thể có một khả năng hai bên Việt – Trung sẽ ‘hạ nhiệt’ và khi đó, có thể sẽ cần đến một nhà trung gian, mà người hòa giải lý tưởng có thể là ASEAN. “Tôi nghĩ ASEAN là một mẫu mực, không va chạm vào quyền lợi của nhau, không xâm lược nhau, không đánh chửi nhau, đấy là những điều nguyên tắc cơ bản của khối ASEAN”, Giáo sư nói.
Tuy nhiên, nhà nghiên cứu người Đức này cũng chỉ ra rằng ASEAN hiện còn có nhược điểm là “chưa thống nhất và còn có thành viên “e ngại” Trung Quốc. Ông nói: “Vấn đề là ASEAN chưa mạnh vì chưa được thống nhất, có những nước gần Trung Quốc sợ nhiều hơn, có những va chạm với Trung Quốc nhiều hơn.
Theo báo Stripes, Trung Quốc từ xưa đến giờ luôn tuyên bố lãnh thổ, lãnh hải theo kiểu tùy ngôn, bất chấp luật pháp quốc tế và quyền lợi của láng giềng. Tuy nhiên, Trung Quốc chưa bao giờ dám theo đuổi những biện pháp mang tính tôn trọng pháp lý như đưa ra tòa án quốc tế.
Philippines đã đệ đơn ra tòa án quốc tế đòi phân xử về chủ quyền trên bãi Scarborough ngay sát bờ biển Philipppines. Trung Quốc dù nói họ có quyền lịch sử với khu vực này nhưng không dám cùng Philippines ra tòa để đấu pháp lý mà dùng “cơ bắp” để thách thức tại bãi Scarborough.
Vừa qua, Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào hoạt động phi pháp trên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, gần quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Sau nhiều lần kêu gọi tôn trọng luật pháp quốc tế nhưng Trung Quốc tỏ ý bất hợp tác, Việt Nam đang xem xét khả năng đưa vụ việc ra tòa án quốc tế để làm rõ chủ quyền hợp pháp của Việt Nam. Cũng như với Philippines, Trung Quốc tìm những cách để từ chối biện pháp này vì Trung Quốc rất sợ khi không đủ chứng lý.
Khi Philippines lên tiếng ra tòa, Trung Quốc không dám đáp ứng thì quốc tế có thể chưa thấy hết được sự đuối lý của Trung Quốc trong tranh chấp với láng giềng. Nhưng nếu Việt Nam và Nhật đồng loạt đòi Trung Quốc giải quyết bất đồng bằng việc ra tòa thì quốc tế sẽ phải đặt nghi ngờ về những tuyên bố vô lý của Trung Quốc và thái độ bất tuân thủ luật pháp quốc tế của nước này.
Trung Quốc từ bỏ phương thức giải quyết bất đồng bằng con đường luật pháp quốc tế, thế giới sẽ càng hiểu vì sao các nước trong khu vực phải liên kết pháp lý với nhau để đối phó với thái độ hung hăng của Bắc Kinh.
Không phải ngẫu nhiên mà ông Abe, Thủ tướng Nhật Bản tuyên bố Nhật đồng ý viện trợ cho Philippines 10 tàu tuần tra phục vụ ở Biển Đông; cho Indonesia 3 tàu và thúc đẩy việc cung cấp cho Việt Nam tàu tuần tra. Nhật đang bước đầu hình thành “liên minh pháp lý” để chống lại thái độ hung hăng bất chấp luật pháp của Bắc Kinh trên biển.
Trong tương lai gần, nếu Nhật và các nước ASEAN đồng khởi kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế mà Bắc Kinh vẫn không dám ra tòa thì e rằng họ khó ngẩng mặt trên trường quốc tế.
Trong bài viết trên trang chuyên về quan hệ đối ngoại ở châu Á củaThe Diplomat, cây viết Zachary Keck cho rằng việc Nhật đưa Trung Quốc ra tòa trong vụ tranh chấp quần đảo Senkaku sẽ giúp Nhật thể hiện hình ảnh một quốc gia tôn trọng luật pháp quốc tế. Điều đó rất có lợi cho Nhật và ASEAN.
Bài báo viết: Đưa vụ đảo Senkaku ra tòa thì Nhật sẽ có được rất nhiều cái lợi. Khả năng Nhật thắng là rất cao vì họ có đầy đủ cơ sở pháp lý và được dư luận quốc tế ủng hộ. Ngay cả khi Trung Quốc từ chối thừa nhận phán quyết thì Trung Quốc cũng sẽ bớt cớ để gây khiêu khích với Nhật tại vùng đảo Senkaku thay vì liên tiếp gây hấn như bây giờ.
Một phán quyết của tòa án quốc tế sẽ ngăn chặn nguy cơ Trung Quốc xâm lược các hòn đảo mà Nhật đang nắm quyền kiểm soát . Bằng không, nếu để tình trạng không rõ ràng như hiện giờ sẽ càng làm Trung Quốc liên tiếp có các hành động theo kiểu “tằm ăn dâu” ở khu vực biển Hoa đông tranh chấp với Nhật. Điều này sẽ làm suy yếu vị thế vững chắc của Nhật Bản về chủ quyền theo thời gian.
Cái được quan trọng nhất mà Nhật đạt được nếu họ chịu đưa vấn đề Senkaku ra tòa án quốc tế là Nhật sẽ tạo ra một hành động chuẩn mực ở khu vực. Điều đó thúc đẩy các bên tại khu vực giải quyết vấn đề tranh chấp thông qua tòa án quốc tế. Hình ảnh và uy tín của Nhật sẽ tăng rất cao trong khu vực và trên trường quốc tế. Mỗi lời nói và phương án mà Nhật đưa ra trong khu vực sẽ nhận được sự ủng hộ.
Các nước ASEAN dĩ nhiên ủng hộ việc Nhật làm gương đưa Trung Quốc ra tòa. Nhật Bản sẽ làm cho vị trí hiện tại của Trung Quốc trên Biển Đông không đứng vững hơn. Bắc Kinh sẽ càng bị cô lập hơn khi từ chối sử dụng luật pháp quốc tế và diễn đàn đa phương để giải quyết một cách hòa bình các tranh chấp khác nhau trên biển. Dù không dám ra tòa hoặc không tuân thủ các phán quyết của tòa án quốc tế, Trung Quốc sẽ hiện nguyên hình kẻ sống vô nguyên tắc.
Đây là thời cơ tốt hơn để Nhật đưa Trung Quốc ra tòa trong một vụ mà họ nắm phần thắng nhiều trong tay và nhận được sự ủng hộ lớn chưa từng có từ cộng đồng quốc tế. Nhật không nên bỏ lỡ.
Nguồn Chính phủ
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.