Đầu tư cho môi trường ngày càng hiệu quả
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), nhận thức những hệ lụy do ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng, việc chú trọng đầu tư cho bảo vệ môi trường của các ngành, các cấp và cộng đồng đã có những chuyển biến tích cực.
Ảnh minh họa. Nguồn: dantri.com |
Triển khai nhiều hoạt động vì môi trường
Cụ thể, hằng năm ngân sách dành cho bảo vệ môi trường không thấp hơn 1% tổng chi ngân sách nhà nước. Việc lồng ghép yêu cầu về bảo vệ môi trường trong các chiến lược, quy hoạch, dự án từ trung ương đến địa phương được quan tâm nhiều hơn. Hệ thống quản lý nhà nước về môi trường ở các cấp từng bước được hoàn thiện. Nhận thức chung của toàn xã hội về bảo vệ môi trường ngày càng được nâng lên. Những vấn đề môi trường bức xúc đang từng bước được giải quyết có hiệu quả…
Đặc biệt, việc thanh kiểm tra, phát hiện và xử lý những vi phạm trong lĩnh vực môi trường được triển khai thường xuyên, góp phần hạn chế ô nhiễm.
Hiện Tổng cục đã và đang tăng cường kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, đối với các ngành nghề quản lý chất thải nguy hại do Tổng cục và các địa phương cấp phép; các dự án, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thuộc trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường; thanh tra công tác bảo vệ môi trường đối với cơ sở, khu công nghiệp, cụm công nghiệp gây ô nhiễm các lưu vực sông. Đặc biệt là thanh tra tình hình nhập khẩu, quá cảnh và lưu giữ phế liệu, chất thải tại các cảng biển.
Theo báo cáo Tổng cục Môi trường, chỉ tính riêng 3 tháng đầu năm nay, Tổng cục đã hoàn thành kết luận thanh tra đối với 269 cơ sở, khu công nghiệp; ban hành 154 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, với tổng số tiền phạt 12.552 triệu đồng. Mặt khác, căn cứ vào Đề án tổng thể bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ-sông Đáy đến năm 2020, Tổng cục phối hợp với các Bộ, ngành liên quan đẩy mạnh việc triển khai nội dung Đề án.
Đến thời điểm này đã có 22/22 tỉnh, thành phố trên 3 lưu vực sông phê duyệt Kế hoạch triển khai Đề án; 16/16 tỉnh, thành phố trên lưu vực sông Nhuệ – sông Đáy và hệ thống sông Đồng Nai thành lập Ban chỉ đạo triển khai Đề án.
Trong thời gian tới, Tổng cục sẽ tổ chức cuộc họp lần thứ 9 Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Cầu; hội nghị lần thứ 5 Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ-sông Đáy; hội nghị lần thứ 6 triển khai Đề án bảo vệ môi trường lưu vực sông Đồng Nai đến năm 2020.
Triển khai hiệu quả Ngày Môi trường thế giới (5/6) và Tuần lễ Biển và Hải đảo (1-8/6/2014)
Theo Bộ TN&MT, xác định bảo vệ môi trường là một trong ba trụ cột phát triển bền vững của đất nước, Ngày Môi trường thế giới 5/6 năm nay với chủ đề “Hãy hành động để ngăn nước biển dâng” được Liên Hợp quốc lựa chọn, nhấn mạnh vai trò và hành động của các quốc gia trên toàn thế giới cùng nhau hành động vì tương lai bền vững của nhân loại.
Tại Việt Nam, hưởng ứng ngày này, UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã có kế hoạch tổ chức nhiều hoạt động thiết thực nhằm tăng cường sự quan tâm chính trị và hành động bảo vệ môi trường của các cấp chính quyền, đồng thời thu hút sự quan tâm của doanh nghiệp, cộng đồng dân cư, học sinh sinh viên.
Điểm nhấn của Ngày Môi trường thế giới năm 2014, tại thành phố là Lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới cấp quốc gia được tổ chức tại Kênh Nước Đen (phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân) vào ngày 5/6, với sự tham gia của hơn 1.300 người. Đêm nhạc “Vì một tương lai xanh” cũng sẽ đươc tổ chức vào tối ngày 4/6, tại Nhà thi đấu Rạch Miễu (quận Phú Nhuận) với sự tham gia của hơn 1.000 người và tổ chức trao giải thưởng liên hoan phim toàn quốc về môi trường năm 2013. Cùng với đó, UBND thành phố Hồ Chí Minh cũng tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền trực quan về công tác bảo vệ môi trường như tổ chức Triển lãm ảnh ” Bảo vệ kênh rạch” tại Công viên 23/9 (Quận 1); phát động chương trình ” Tuần lễ nói không với túi ni lông” tại các chợ, hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn thành phố; tổ chức hội thi tìm hiểu về Biến đổi khí hậu cho sinh viên thuộc các câu lạc bộ, đội nhóm tình nguyện…
Bên cạnh đó, Thành phố cũng phát động các hoạt động tổng vệ sinh hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới năm 2014 trên toàn địa bàn thành phố và duy trì tổ chức các hoạt động định kỳ như trồng cây xanh, tổng vệ sinh, thu gom rác thải, vớt rác trên kênh rạch, khơi thông cống rãnh; tổ chức các hoạt động giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trong việc xây dựng các mô hình bảo vệ môi trường tại địa phương…
Cùng với ngày Môi trường thế giới 5/6, Tuần lễ Biển và hải đảo Việt Nam năm nay sẽ được triển khai từ 1-8/6/2014, tại thành phố Hải Phòng
Theo đó, UBND thành phố Hải Phòng đã thành lập Ban tổ chức Tuần lễ Biển và Hải đảo gồm 18 thành viên do Phó Chủ tịch UBND thành phố Đỗ Trung Thoại làm Trưởng ban. Ban tổ chức chỉ đạo Công an thành phố và các ngành liên quan lên phương án bảo vệ an toàn trong suốt thời gian diễn ra sự kiện. Thành đoàn Hải Phòng đã huy động khoảng 2.000 người tham gia lễ mít tinh kỷ niệm Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam diễn ra vào sáng 7/6, tại Bến Nghiêng, khu du lịch Đồ Sơn. Hoạt động ra quân làm sạch bãi biển tại Đồ Sơn, đảo Cát Bà, Bạch Long Vĩ sẽ đồng loạt triển khai ngay sau lễ mít tinh. Các ngành, đơn vị liên quan như Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Viện Tài nguyên và Môi trường biển, Viện nghiên cứu hải sản, Trường Đại học Hàng hải Việt Nam…đã hoàn tất công tác chuẩn bị trưng bày các sản vật gắn liền với thương hiệu biển Hải Phòng và trưng bày hình ảnh người chiến sỹ hải quân với biển đảo quê hương.
Tuần lễ biển và hải đảo Việt Nam 2014 với 28 tỉnh, thành phố có biển trên cả nước tham gia, góp phần khơi dậy tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, phản đối việc làm sai trái của Trung Quốc trên Biển Đông, quyết tâm chung sức bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc. Đây cũng là dịp để tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn và phát huy giá trị nguồn tài nguyên biển, bảo vệ môi trường biển, đảo; động viên ngư dân yên tâm sản xuất, vươn khơi.
Nguồn ĐCSVN
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.