Ukraine mơ giấc hòa bình
Đất nước ổn định có lẽ là nguyện vọng thiết tha và chính đáng của đông đảo người dân Ukraine, khi nhiều tháng qua, máu đã đổ, kinh tế kiệt quệ và nhiều gia đình đã mất người thân do xung đột.
Nhiều người dân Slaviansk, đặc biệt là thiếu niên và trẻ em đã sơ tán khỏi thành phố. |
“Chúng tôi phải ra đi dù không biết phải đi đâu nữa”, anh Andrei Bander, một người dân Ukraine đã phải đi sơ tán cùng với đứa con gái 4 tuổi của mình và chỉ biết rằng “cần phải rời khỏi Ukraine”.
Hàng nghìn người Ukraine đang tràn qua biên giới vào Nga nhằm tránh cuộc xung đột vũ trang. Phát biểu một ngày sau khi Kiev phủ nhận tình trạng di tản hàng loạt, hôm 5/6, Thủ tướng Nga Dmitri Medvedev cho biết, hàng nghìn người Ukraine đã nộp đơn xin cấp quy chế tỵ nạn, cho dù công dân Ukraine tự động có quyền lưu trú tại Nga trong 3 tháng. Ông nhấn mạnh “số người nộp đơn đã tăng lên 4.000 người và tình trạng này là chưa từng có tiền lệ”.
Dàn xếp khó khăn
Nhiều người cho rằng, cuộc khủng hoảng hiện nay ở Ukraine là bằng chứng rõ ràng về sự đối đầu Đông-Tây chưa lúc nào nguôi ngoai.
Điển hình, hôm 4/6, Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G-7) đã nhóm họp mà không có sự tham gia của Nga. Đây là lần đầu tiên Nga không tham gia họp thượng đỉnh kể từ khi gia nhập vào năm 1997. Quyết định này được đưa ra hồi tháng 3, sau khi Nga tiếp nhận Crimea trước sự phản đối của các nước phương Tây.
Trong cuộc họp này, các nhà lãnh đạo ra tuyên bố chung bày tỏ sự ủng hộ với ban lãnh đạo mới ở Ukraine.
Phát biểu với báo giới sau hội nghị ngày 5/6, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso cho biết G-7 sẵn sàng hậu thuẫn ban lãnh đạo mới của Kiev trên cả phương diện chính trị và kinh tế.
Ông Barroso cũng kêu gọi Moskva thực thi các biện pháp cụ thể và đáng tin cậy nhằm giúp xoa dịu tình hình ở Ukraine. Quan chức châu Âu cũng đồng thời để ngỏ khả năng G-7 sẽ có các bước đi tiếp theo (ám chỉ các biện pháp trừng phạt Nga) trong trường hợp cần thiết.
Trong khi trước đó, trả lời phỏng vấn kênh truyền hình TF-1 của Pháp và đài phát thanh Europe-1 hôm 4/6, Tổng thống Nga tuyên bố, quân đội Nga không có mặt tại miền Đông Nam Ukraine và Nga cũng không có kế hoạch sáp nhập Ukraine hoặc gây bất ổn tại đó.
Ông Putin cho rằng, việc tháo ngòi căng thẳng ở miền Đông và Đông Nam Ukraine hiện nay hoàn toàn phụ thuộc vào Tổng thống đắc cử Petro Poroshenko. Theo ông, thay vì gửi xe tăng hay máy bay đến miền Đông và Đông Nam, chính quyền mới ở Ukraine nên tổ chức các cuộc đối thoại với đại diện các khu vực.
Theo AP, trong hội đàm ngày 5/6 tại Paris, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và người đồng cấp Nga Sergei Lavrov đều nhất trí rằng Ukraine nên là một cầu nối hòa bình, ổn định và thịnh vượng giữa Nga và châu Âu. Tuy nhiên, họ cũng thừa nhận những khó khăn trong việc chấm dứt cuộc khủng hoảng tại nước cộng hòa thuộc Liên Xô trước đây này.
Xung đột tiếp diễn
Theo nhiều nguồn tin, giao tranh giữa phe ly khai tại phía Đông và quân đội chính phủ Ukraine vẫn đang tiếp diễn và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Tổng thống mới đắc cử của Ukraine Petro Poroshenko đã ra lệnh tiếp tục tiến hành các chiến dịch trấn áp của quân đội Chính phủ sau cuộc bầu cử ngày 25/5 nhằm vào những người ủng hộ Nga tại khu vực miền Đông nơi mà nhiều người không muốn tham gia cuộc bầu cử này.
Reuters dẫn lời Chính phủ Ukraine ngày 4/6 cho biết có khoảng 300 “kẻ khủng bố” đã bị tiêu diệt trong vòng 24 giờ qua trong chiến dịch trấn áp những người ủng hộ Nga tại khu vực này.
Tuy nhiên, những người ủng hộ Nga đã bác bỏ tuyên bố trên của Chính phủ Ukraine và cho biết trong chiến dịch nói trên thì số lượng quân Chính phủ thiệt mạng còn vượt con số người biểu tình ủng hộ Nga bị tiêu diệt.
Rất nhiều người dân đã phải đi sơ tán. “Ở đây đang rất hỗn loạn”, một phụ nữ trẻ cho biết.
Người phát ngôn quân đội Ukraine cho biết 2 binh sỹ đã thiệt mạng và 45 người bị thương kể từ khi Ukraine tiến hành các cuộc tấn công vào Slaviansk sử dụng máy bay chiến đấu, máy bay trực thăng và đạn pháo.
Những người ủng hộ Nga đã bác bỏ tuyên bố này của quân đội Chính phủ Ukraine.
“Tổn thất của phía Ukraine còn nhiều hơn của chúng tôi”, Thủ tướng cộng hòa nhân dân tự xưng Donetsk Aleksander Boroday tuyên bố.
Tổng thống đắc cử Ukraine Petro Poroshenko trong chuyến công du đầu tiên tới Ba Lan ngày 4/6 đã nêu các nội dung chính trong kế hoạch giải quyết khủng hoảng mà ông sẽ công bố trong ngày nhậm chức 7/6. Đó là phân cấp chính quyền, ân xá cho người biểu tình không phạm tội, tạo điều kiện để bầu cử sớm chính quyền khu vực, tiến tới thiết lập đối thoại giữa chính quyền với người đại diện hợp pháp của các tỉnh.
Ông Poroshenko không nói thêm chi tiết các sáng kiến của mình, chỉ cho biết ông sẽ học tập “mô hình Ba Lan” trong việc xây dựng chính quyền. Ngoài ra, ông cũng đưa ra kịch bản bi quan khi sáng kiến của ông không được chấp thuận, trong trường hợp đó, theo ông, “Ukraine sẽ phải bảo vệ công dân của mình”. Ông nhấn mạnh Chính phủ Ukraine có trách nhiệm đối với an ninh của các công dân và cần bảo vệ họ trong bối cảnh họ bị khủng bố.
Nguồn VPPNew
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.