Liên hợp quốc kêu gọi tăng cường bảo vệ các vùng đất khô cằn

      Trong bối cảnh 10% hệ sinh thái của các vùng đất khô cằn trên thế giới đang bị hủy hoại nghiêm trọng, ngày 20/10, Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) đã công bố bản báo cáo mới nhất, trong đó lên tiếng kêu gọi tăng cường nỗ lực bảo vệ và khôi phục các khu vực khô cằn cũng như cải thiện cuộc sống cho người dân nơi đây.

 

Những vùng đất khô cằn đảm bảo cuộc sống cho khoảng 2 tỷ người (Ảnh: Hải Lê)

Giám đốc hành pháp Chương trình Môi trường Liên hợp quốc, ông Achim Steiner, tuyên bố nêu rõ: “Các khu vực khô cằn không nhận được sự chú ý, quan tâm cần thiết như hệ sinh thái rừng và san hô. Tuy vậy, các khu vực này giữ một vị trí quan trọng, mấu chốt đối với kết cấu toàn cầu và đối với sự tồn tại của hàng tỷ người trên trái đất”.

“Việc tăng cường hấp thụ và dự trữ khí carbon trong các cánh rừng tại các khu vực khô cằn cũng như việc thích ứng và giảm thiểu biến đổi khí hậu, đặc biệt là tại châu Phi, sẽ là trọng tâm trong vòng đàm phán về biến đổi khí hậu diễn ra tại Durban từ ngày 28/11 đến ngày 9/12 tới đây”, ông Achim Steiner cho biết thêm. Nhà lãnh đạo của UNEP cũng chỉ rõ Hội nghị thượng đỉnh Rio+20 trong năm tới sẽ là cơ hội quan trọng để cả cộng đồng quốc tế cùng thúc đẩy quá trình xây dựng nền kinh tế xanh đạt nhiều tiến bộ.

Báo cáo do 18 cơ quan của UNEP soạn thảo thông qua Nhóm quản lý môi trường của Liên hợp quốc (EMG) vừa được công bố tại Changwon, Hàn Quốc nhân Hội nghị các bên tham gia Công ước Liên hợp quốc về chống sa mạc hóa (UNCCD). Theo báo cáo này, hiện hơn 40% diện tích đất trên toàn cầu là sa mạc, đồng cỏ, thảo nguyên và các vùng đất khô cằn khác. Những khu vực này cũng đảm bảo cuộc sống cho khoảng 2 tỷ người, trong đó 90% là ở các nước đang phát triển. Tuy nhiên, điều đáng buồn là khoảng 10% hệ sinh thái ở các vùng đất khô cằn đã suy thoái do các yếu tố như việc sử dụng đất và nước không bền vững, đe dọa đến cuộc sống của hàng triệu người.

Chính vì vậy, trong báo cáo lần này, UNEP một lần nữa lên tiếng kêu gọi tăng cường các chính sách bảo vệ những khu vực khô cằn, củng cố các mối quan hệ giữa khoa học và chính sách và đa dạng hóa nghề nghiệp cho các cộng đồng nhằm giảm áp lực đối với các nguồn tài nguyên thiên nhiên để hiện thực hóa các tiềm năng của các vùng đất khô.

Nhân dịp này, UNEP cũng bày tỏ hy vọng các nhà lãnh đạo thế giới, dự kiến sẽ gặp nhau ở Brazil vào giữa năm 2012 tại Hội nghị Trái đất sẽ đặt mục tiêu ngăn chặn tình trạng sa mạc hóa vào năm 2030 nhằm giúp giảm nghèo và duy trì hoạt động sản xuất nông nghiệp.

Trước đây không lâu, ông Luc Gnacadja, người đứng đầu Công ước Liên hợp quốc về chống sa mạc hóa (UNCCD), cũng đã lên tiếng kêu gọi thế giới phải đặt mục tiêu ngăn chặn tình trạng sa mạc hóa vào năm 2030 nhằm tránh thất thoát đất nông nghiệp hàng năm, với diện tích gấp ba lần lãnh thổ Thụy Sĩ. Theo ông Gnacadja, hàng năm thế giới có tới 12 triệu ha đất bị suy thoái thành đất khô cằn. Những vùng đất được khôi phục khả năng trồng trọt lại ít hơn nhiều, có nghĩa là mức thất thoát ròng diện tích đất nông nghiệp hàng năm là rất lớn. Ông Gnacadja tính toán 12 triệu ha bị sa mạc hóa nói trên có thể cho sản lượng ít nhất 20 triệu tấn ngũ cốc./.