Chùa chén kiểu
Chùa Chén Kiểu hay còn gọi là chùa Sro Lôn nằm cạnh quốc lộ 1A ở xã Đại Tâm, tỉnh Sóc Trăng. Chùa được xây cất vào năm 1815 trên nền đất rộng. Vào thập niên 60, chùa bị bom đạn phá hư hại, đến năm 1969, chùa được xây dựng lại. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, do khan hiếm gạch trang trí, sư trụ trì đã thu thập bát, đĩa vỡ trong bà con bổn sóc để trang trí. Cái tên ” Chùa Chén Kiểu” cũng được đặt ngẫu nhiên từ đó.
Khung cảnh bên ngoài của ngôi chùa Chén Kiểu
Đến với chùa Chén Kiểu, ấn tượng đầu tiên của du khách chính là hai con sư tử bằng đá ngồi trên một bệ cao trước cổng chùa, mặt hướng ra đường như bảo vệ ngôi chùa. Bên trong là chiếc cổng chùa với 3 ngôi tháp được chạm khắc, đắp nổi với hoa văn và sắc màu rực rỡ mang đậm màu sắc văn hóa Khmer Nam Bộ.
Cổng chùa Chén Kiểu
Cũng như các ngôi chùa khác của người Khmer, nóc chùa Chén Kiểu gồm 3 mái so le, mái trên cùng nhỏ hơn hết. Ở gờ mỗi lớp mái đều có trang trí hoa văn, họa tiết, các tượng truyền thống của văn hóa Khmer, mang ước vọng an lành và siêu thoát.
Khuôn viên chùa Chén Kiểu rất rộng với nhiều cây xanh. Quanh các cây cột đều được chạm khắc, đắp nổi các hình ảnh trong truyền thuyết văn hóa Khmer. Hai bên bức tường có nhiều tranh vẽ kể câu chuyện đức Phật Thích Ca từ khi sinh ra cho đến khi đắc đạo.
Khi vào trong chùa, du khách sẽ càng ngạc nhiên hơn bởi toàn bộ trần nhà, các bức tường, vật trang trí như bình hoa, họa tiết rồng, cột chính… đều được làm từ sứ đủ màu sắc. Ấn tượng nhất phải nói đến là các bức tranh kể về cuộc đời của Phật tổ. Ngoài ra, điều tạo lên sự độc đáo của ngôi chùa chính là việc chùa được ốp bởi hàng nghìn chiếc bát, đĩa. Ngoài 9.000 bát, đĩa nguyên vẹn, chánh điện và sala của ngôi chùa gần 200 năm tuổi này còn được ốp tường bằng những mảnh vỡ sành sứ.
Tay vịn cầu thang và hành lang của chùa được trang trí
bằng những chiếc bát, đĩa khá đẹp mắt
Kỹ thuật ốp sứ độc đáo này đã tạo nên vẻ đẹp riêng rất ấn tượng của ngôi chùa. Mỗi bức tường của chánh điện được trang trí bằng những mảnh chén dĩa kiểu, trông rất đẹp mắt và khác lạ so với các chùa Khmer khác trong tỉnh, tạo nên sự thu hút cho người xem.
Chiếc giường mùa nóng, làm bằng gỗ giáng hương, mặt giường lót cẩm thạch
Đặc biệt trong chùa còn lưu giữ bộ sưu tập là bộ Trường kỷ và hai chiếc giường ngủ làm bằng gỗ quý hiếm: Một chiếc giường cho mùa đông, một chiếc cho mùa hạ được mua lại trong phần tài sản của Công tử Bạc Liêu. Cùng với các kiểu kiến trúc độc đáo khác, chùa Chén Kiểu là điểm dừng chân của nhiều du khách.
Nguồn Quehuongonline
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.