Môn “thể thao vua” qua các kỳ World Cup
Nhân ngày hội lớn bóng đá của hành tinh, Báo Tổ Quốc điểm lại môn “thể thao vua” qua các kỳ World Cup.
World Cup ra đời vào năm 1930 nhờ nỗ lực và công sức của chủ tịch FIFA khi đó là Jules Rimet.
Năm 1920 những nhà quản lý chiến lược của bóng đá Pháp đứng đầu là Jules Rimet đã ấp ủ ý tưởng tập hợp những đội bóng mạnh nhất thế giới lại với nhau để thi đấu giành danh hiệu vô địch thế giới. Chiếc cúp vàng đầu tiên cũng được mang tên là cúp Jules Rimet.
Dưới đây là những điều ấn tượng của giải đấu lớn nhất hành tinh qua các thời kỳ.
World Cup 1930: Giải bóng đá lớn nhất thế giới khai sinh
Quốc gia tổ chức:Uruguay
Vô địch: Uruguay
Uruguay trở thành nhà vô địch đầu tiên trong lịch sử World Cup.
Tại giải đấu này, FIFA quyết định chia bảng đấu vòng tròn, chọn 4 đội vào bán kết (trước đó là chia cặp đá theo thể thức knock-out), hai đội thắng bán kết sẽ đá chung kết. Sau 18 trận đấu diễn ra trong vòng 18 ngày, Uruguay và Argentina là những đại diện ưu tú cuối cùng lọt vào trận chung kết của giải đấu. Tại đây đội chủ nhà đã giành chiến thắng 4-2 trên sân Estadio Centenario. Uruguay là đội bóng đầu tiên vô địch World Cup.
13 đội bóng tham gia vòng chung kết giải bóng đá lớn nhất hành tinh đầu tiên gồm: Argentina, Chile, Pháp, Mexico, Nam Tư, Brazil, Bolivia, Uruguay, Romania, Peru, Mỹ, Paraguay và Bỉ (9 đội bóng của châu Mỹ và 4 đội tại châu Âu).
World Cup 1934: Vị trí trung vệ ra đời
Quốc gia tổ chức: Italia
Vô địch: Italia
Italia vui mừng với chức vô địch
Đương kim vô địch World Cup 1930 Uruguay bỏ giải, họ cho rằng đã bị cả châu Âu khinh thường bởi 4 nước Châu Âu tham gia kỳ World Cup đó đều tỏ ra kém cỏi, LĐBĐ nước này quyết định không tham gia World Cup 1934. Người Anh cũng tẩy chay World Cup, trước đó, họ đã rút ra khỏi Liên đoàn Bóng đá quốc tế FIFA và đến giải vô địch lần thứ hai, họ vẫn chưa chịu trở lại.
Cũng trong kỳ này HLV tuyển Đức Hugo Otto đã đưa ra vị trí trung vệ để mang về chiếc huy chương đồng cho người Đức. Trong trận chung kết giữa Tiệp Khắc và Italia thu hút 50.000 khán giả, đội chủ nhà Italia phải nhờ đến hiệp phụ để dành ngôi vô địch.
World Cup 1938: Lần đầu có sự góp mặt của đại diện từ Đông Nam Á
Quốc gia tổ chức: Pháp
Vô địch: Italia
Giuseppe Meazza (trái) bắt tay đội trưởng Hungary trong trận chung kết
World Cup 1938 tổ chức trên nước Pháp và Italia lần thứ 2 vô địch. Đáng chú ý, Indonesia là đại diện duy nhất của Đông Nam Á tham dự. Vòng chung kết năm 1938 là sự kiện thể thao quốc tế lớn cuối cùng trước khi thế chiến thứ II nổ ra vào năm sau đó.
World Cup 1950: Giải bóng đá lớn nhất hành tinh trở lại
Quốc gia tổ chức: Brazil
Vô địch: Uruguay
Alcides Ghiggia ghi bàn thắng ấn định tỉ số 2-1 cho Uruguay
12 năm sau kỳ World Cup 1938, số đội bóng tham gia giảm hẳn chỉ còn 13 đội với những lý do như: Khoảng cách địa lý, có nước bị trừng phạt, nhiều nước gặp phải khó khăn sau chiến tranh.
FIFA quyết định chia bảng: 2 bảng 4 đội, 1 bảng 3 đội và 1 bảng 2 đội; BTC chọn 4 đội đầu bảng vào vòng 2, lại đá vòng tròn để xác định nhà vô địch cũng như thứ tự 3 đội còn lại. Vì thế, World Cup 1950 là kỳ World Cup duy nhất trong lịch sử không có trận chung kết.
World Cup 1954: Lần đầu tiên giải được chiếu trên truyền hình
Quốc gia tổ chức: Thụy Sĩ
Đội vô địch: CHLB Đức (vô địch lần đầu)
Năm 1954 ĐT Tây Đức lần đầu tiên dành ngôi vô địch tại World Cup
Số đội tham gia VCK: 16 (Nam Tư, Brazil, Pháp, Mexico, Hungary, Tây Đức, Thổ Nhĩ Kỳ, Nam Triều Tiên, Áo, Uruguay, Scotland, Tiệp Khắc, Anh, Thụy Sĩ, Italy.) Giải vô địch thế giới lần thứ năm ở Thụy Sĩ đã sản sinh ra một trong những lối đá tấn công tuyệt vời nhất trong lịch sử World Cup.
ĐT Tây Đức tạo ấn tượng với những bước lội ngược dòng khi đá trận play-off với Thổ Nhĩ Kỳ chiến thắng 7-2, giành quyền vào chơi tứ kết. Tây Đức sau đó loại tiếp Nam Tư và Áo để vào chung kết. Để rồi xuất sắc giành chức vô địch.
Giải đấu này đánh dấu một cột mốc cực kỳ quan trọng đó là lần đầu tiên giải được chiếu trên truyền hình.
World Cup 1958: Dấu ấn từ Pele
Quốc gia đăng cai: Thụy Điển
Đội vô địch: Brazil (vô địch lần đầu)
Pele khóc sau khi Brazil lần đầu vô địch World Cup
Brazil đã vô địch một cách hoàn toàn thuyết phục với đội hình gồm toàn cầu thủ chơi đậm chất kĩ thuật như Pele, Vava, Garrincha, Didi (cầu thủ xuất sắc nhất giải), Nilton Santos. Pele năm đó được bầu là Cầu thủ trẻ xuất sắc nhất, cùng pha lập công thứ 2 trong trận chung kết gặp Thụy Điển giúp Pele đi vào lịch sử như là bàn thắng đẹp nhất World Cup.
World Cup 1962: VCK của bạo lực sân cỏ
Quốc gia đăng cai: Chile
Đội vô địch: Brazil
Sự tỏa sáng của Garrincha đưa Brazil giành Cúp Vàng lần thứ 2
Đây là lần đầu tiên World Cup không tổ chức các trận play-off để xác định những đội vào tứ kết khi một bảng đấu có hai đội bằng điểm nhau thay vào đó là luật tính bàn thắng trung bình ghi được mỗi trận
Mới qua 3 loạt đấu, tức là phân nửa vòng bảng, báo chí địa phương đã ghi nhận 34 ca chấn thương, chỉ tính những vụ nghiêm trọng khiến nạn nhân không thể tiếp tục chơi bóng. Đây cũng được xem là kỳ World Cup không bàn thắng đẹp, không trận cầu hay.
Nhưng bù lại, World Cup 1962 lại đạt được một bước tiến mới trong chiến thuật bóng đá. Đây chính là kỳ World Cup của sơ đồ chiến thuật 4-3-3.
World Cup 1966: Vinh danh cái nôi sản sinh ra môn túc cầu (bóng đá)
Quốc gia đăng cai: Anh
Vô địch: Anh (vô địch lần đầu)
Đội trưởng – trung vệ Bobby Moore của ĐT Anh giương cao Cúp Vàng năm 1966
World Cup 1966 lần đầu tiên được tổ chức tại Anh và cái nôi sản sinh ra môn túc cầu đã giành chức vô địch với sơ đồ 4-4-2 huyền thoại. Sơ đồ này phát huy hiệu quả tối đa và giúp Anh vô địch World Cup lần đầu tiên. Sau này, sơ đồ 4-4-2 được hầu hết các CLB Anh sử dụng và đến những năm 90, đầu 2000 vẫn phổ biến. Hiện tại, ngoài 4-4-2, các đội bóng còn chơi 4-2-3-1, 4-5-1, 4-1-4-1…
World Cup 1970: Giải đấu hay nhất trong lịch sử
Quốc gia đăng cai: Mexico
Đội vô địch: Brazil (vô địch lần thứ 3)
Đội hình Brazil vô địch World Cup 1970, đội trưởng Carlos Alberto đứng ngoài cùng bên trái.
Pele được tung hô sau chiến thắng.
Cả thế giới đã gọi đội hình chính của Brazil tại World Cup 1970 là “Đội Bóng Đẹp” (The Beautiful Team). Năm đó Brazil đã toàn thắng từ vòng loại đến giai đoạn đấu bảng của VCK, rồi lại toàn thắng các trận knock-out để đoạt vĩnh viễn Cúp Jules Rimet một cách thuyết phục.
1970 là giải đấu hay nhất trong lịch sử World Cup, với việc đưa vào áp dụng mỗi đội được phép thay 2 người/trận, các trọng tài được trang bị cả thẻ đỏ lẫn thẻ vàng…và công nghệ truyền hình màu đưa vào hoạt động để phục vụ hàng chục triệu khán giả trên thế giới.
World Cup 1974: Lối đá đẹp lên ngôi
Quốc gia đăng cai: Tây Đức
Đội vô địch: Tây Đức (vô địch lần 2)
Tây Đức lần thứ 2 vô địch World Cup
Tuy không phải là nhà vô địch của mùa giải này nhưng cái tên ‘Cơn lốc màu da cam’ bắt nguồn từ đây để đánh dấu một lối đá đẹp, một đội bóng xuất sắc dù mới chỉ lần đầu tiên tham dự ngày hội bóng đá lớn nhất thế giới kể từ năm 1938. Thế nhưng “Cơn lốc màu da cam” đã quá chủ quan và bị trả giá bởi lối chơi thực dụng của Tây Đức dưới tài chỉ huy của Hoàng đế Frank Beckenbauer. Tây Đức lên ngôi trên sân nhà cùng chiếc cúp vàng phiên bản mới của FIFA.
Đây cũng là lần đầu tiên giới thiệu chiếc cúp mới thay thế Cúp Julies Rimet.
World Cup 1978: Mùa giải của Argentina
Quốc gia đăng cai: Argentina
Đội vô địch: Argentina (vô địch lần 1)
Người hùng Mario Kempes của Argentina tại World Cup 1978
Mario Kempes là cầu thủ xuất sắc nhất với ghi 6 bàn, giành Chiếc giày vàng, Vua phá lưới World Cup 1978 giúp Argentina đăng quang lần đầu tiên.
Đây cũng là kỳ World Cup đầu tiên FIFA trao giải Fair Play cho đội bóng chơi đẹp nhất.
World Cup 1982: Nhiều thay đổi mang tính đột phá
Quốc gia đăng cai: Tây Ban Nha
Đội vô địch: Italia (vô địch lần 3)
Thầy trò HLV Enzo Bearzot nâng cao chức vô địch lần thứ 3 của Italia. Ảnh. PlanetWorldCup
World Cup lần thứ 12 cũng là kỳ World Cup cuối cùng chấm dứt sử dụng bóng hoàn toàn bằng da, nhưng lại là kỳ đầu tiên bao gồm 24 đội thay vì 16. Thể thức thi đấu do đó cũng thay đổi, bao gồm 3 giai đoạn: Vòng bảng đầu tiên gồm 6 bảng, hai đội đứng đầu mỗi bảng đi tiếp. Vòng hai gồm 4 bảng, mỗi bảng 3 đội và đội đầu bảng vào bán kết theo thể thức knock-out.
World Cup 1986: Mùa giải của những biệt danh đi vào lịch sử
Quốc gia đăng cai: Mexico
Đội vô địch: Argentina
Maradona và ĐT Argentina vô địch World Cup 1986
Cụm từ ‘Bàn tay của Chúa’ ra đời trong mùa giải này khi Diego Maradona dùng tay ghi bàn vào lưới tuyển Anh, 3 phút sau, Maradona ghi bàn thắng đẹp nhất mọi thời đại khi solo từ sân nhà qua 5 tuyển thủ Anh và cả thủ môn Shilton, đưa bóng vào lưới.
Đan Mạch, Canada và Iraq ba đội lần đầu tiên xuất hiện ở đấu trường lớn nhưng cũng mang đến lối chơi tấn công hấp dẫn. Trong đó, Đan Mạch được mệnh danh là “Thùng thuốc súng”.
World Cup 1990: Kỳ World Cup tẻ nhạt nhất
Quốc gia đăng cai: Italia
Đội vô địch: Tây Đức
Đức lần thứ 3 vô địch World Cup
World Cup 1990 là giải đấu có ít bàn thắng nhất, đây là kỳ World Cup được tổ chức trên đất Ý diễn ra vô cùng tẻ nhạt.
Có đến 4 trận phải phân cao thấp bằng loạt sút luân lưu 11m – kỷ lục mà chỉ có World Cup 2006 sánh bằng. Còn kỷ lục có đến 8 trận (tức phân nửa số trận ở giai đoạn knock-out) bất phân thắng bại sau 90 phút chính thức thì đến bây giờ vẫn chưa có kỳ World Cup nào sánh bằng.
World Cup 1994: Roberto Baggio bị gán mác ‘tội đồ’
Quốc gia đăng cai: Mỹ
Đội vô địch: Brazil
World Cup 1994 có một số luật mới để hạn chế các đội đá ‘tử thủ’ như ở World Cup 1990. FIFA cấm thủ môn chạm tay vào bóng khi đồng đội dùng chân chuyền về là một trong những điểm mới. Tuy nhiên, World Cup 1994 lại trở thành kỳ World Cup duy nhất xưa nay không có bàn thắng trong trận chung kết.
Trận chung kết giữa Brazil và Italia hòa 0-0 trong trong cả 120 phút và bước vào loạt sút luân lưu. Trận đấu kết thúc khi cầu thủ số 1 thế giới 1993 – Roberto Baggio sút quả luân lưu cuối cùng vọt xà, Brazil thắng 3-2 và vô địch lần thứ 4.
World Cup 1998: Vinh danh người Pháp
Quốc gia đăng cai: Pháp
Đội vô địch: Pháp
Thầy trò HLV Aime Jacquet nâng cao chiếc Cúp vô địch dành cho đội tuyển Pháp. Ảnh. PlanetWorldcup
Giải đấu tại Pháp cũng là kỳ World Cup đầu tiên có 32 đội tham dự.
Hồi còi kết thúc trận đấu của trọng tài người Maroc Said Belqola, trọng tài châu Phi đầu tiên bắt chính một trận chung kết World Cup, cũng là lúc cả nước Pháp ăn mừng. Đội hình Pháp vô địch World Cup 1998 là tập hợp nhiều cầu thủ có gốc gác khác nhau, từ Guadeloupe, Martinique, Algeria, Argentina, Senegal, Ba Lan, BĐN, TBN, Ghana. Chức vô địch của Pháp còn có vai trò quan trọng khi giúp đất nước hình lục lăng vượt qua nguy cơ phân hóa, chia rẽ sắc tộc.
Ronaldo khi đó với tư cách là Quả bóng Vàng châu Âu 1997, là tài năng bóng đá sáng nhất của Brazil đã chơi thăng hoa trong tất cả các trận đấu. “Người ngoài hành tinh” khiến báo chí đặt câu hỏi lớn về một cơn động kinh bí hiểm trước trận đấu với Pháp. Cho tới giờ, việc Ronaldo mờ nhạt trong trận chung kết 1998 vẫn là một bí ẩn lớn của lịch sử World Cup.
World Cup 2002: Lần đầu tiên hai quốc gia đồng tổ chức
Quốc gia tổ chức: Hàn Quốc và Nhật Bản
Vô địch: Brazil
Brazil ghi dấu kỷ lục 5 lần đoạt cúp.
Giải vô địch bóng đá thế giới 2002 là giải vô địch bóng đá thế giới lần thứ mười bảy. Đây là lần đầu tiên giải vô địch bóng đá thế giới được tổ chức tại châu Á (Hàn Quốc và Nhật Bản). Hàn Quốc đã lọt vào bán kết và dấu ấn kỷ lục năm lần vô địch bóng đá thế giới của Brazil. Sau vòng chung kết World Cup này, theo quy định mới của FIFA, đội vô địch World Cup 2002, sẽ vẫn phải thi đấu vòng loại để lọt vào vòng chung kết giải vô địch thế giới 2006 (trước đây, đội vô địch World Cup được vào thẳng vòng chung kết).
World Cup 2006: Kỳ chung kết bạo lực nhất
Quốc gia tổ chức: Đức
Vô địch: Ý
Đây là giải đấu có số lượng đội bóng tham gia nhiều nhất trong lịch sử (197 đội bóng tham gia các vòng loại). World Cup 2006 lập kỷ lục là giải đấu có số lượng thẻ vàng và đỏ cao nhất trong lịch sử 18 vòng chung kết bóng đá thế giới. Các trọng tài đã phải rút ra tổng cộng 345 thẻ vàng và 28 thẻ đỏ.
World Cup 2010: Tây Ban Nha lần đầu tiên giành chức vô địch tại World Cup
Quốc gia tổ chức: Nam Phi
Vô địch: Tây Ban Nha
Lần đầu tiên đội tuyển xứ bò tót đăng quang ở World Cup.
Tiếng kèn vuvuzela, trọng tài và nạn trộm cướp là những điều không nên nhớ tại kỳ World Cup này. Với 14 thẻ vàng và một thẻ đỏ, Tây Ban Nha – Hà Lan là trận chung kết World Cup có nhiều thẻ phạt nhất trong lịch sử. Sau 120 phút nghẹt thở, đội tuyển Tây Ban Nha đã lần đầu tiên giành chức vô địch tại World Cup một cách xứng đáng bằng lối chơi tiqui-taca đầy quyến rũ.
Nguồn Tổ quốc
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.