Phim Truyền hình: Đãi cát tìm vàng

       Năm qua, khán giả màn ảnh nhỏ đã có cơ hội thưởng thức “mâm cỗ phim truyền hình” phong phú đề tài và thể loại. Tuy nhiên, chắt lọc để tìm được phim hay trong “rừng phim” của năm thì phải “đãi cát tìm vàng”.
Nổi bật nhờ sự khác biệt

Cũng như nhiều năm trước, dễ thấy trong năm qua đề tài tập trung nhất của phim truyền hình là tình yêu – gia đình. Bộ phim được xếp vào tốp phim có số quảng cáo cao nhất của Đài Truyền hình TPHCM và thật sự có sức hút trong năm phải kể đến Một thời ta đuổi bóng (đạo diễn Trương Dũng). Từng thành công với kịch bản phim Chuyện tình mùa thu – cũng là phim đã vào vòng bầu chọn của Giải Mai Vàng 2010, cây bút “chuyên viết chuyện tình yêu lãng mạn” Hoàng Thu Dung một lần nữa lại chinh phục khán giả bằng chuyện tình éo le của hai nhân vật Trần Nghiêm (Khương Thịnh) và Quý Phi (Vân Trang).



Tường Vy và Bình Minh trong phim Cá rô, em yêu anh!.
 Ảnh do đoàn phim cung cấp


Trong khi đó, bộ phim khiến khán giả phải “sốt ruột chờ đợi” là Cá rô, em yêu anh! (đạo diễn Phương Điền). Phim phát sóng những tập đầu tiên trên kênh HTV3, phải ngưng một thời gian mới được phát tiếp tục trên kênh HTV9. Phim chinh phục số đông khán giả nhờ sự hài hước, dễ thương của tình tiết và diễn xuất tự nhiên, hóm hỉnh của các diễn viên.

Bỏ qua những “thảm họa phim Việt”, năm qua cũng có một số phim đủ chất lượng và thuyết phục; sâu lắng tinh tế hoặc dung dị gần gũi; kịch tính hoặc hài hước để níu chân khán giả, như Vàng trong cát (đạo diễn Đinh Thiên Phúc), Theo dấu hương xưa (đạo diễn Ngô Quang Hải), Sai lầm (đạo diễn Lê Ngọc Linh), Hoa vàng nơi ấy (đạo diễn Đinh Đức Liêm), Mua láng giềng gần (đạo diễn Nguyễn Duy Võ Ngọc), Ở rể (đạo diễn Đặng Thái Huyền)…

Vẫn là những đề tài quanh quẩn trong cuộc sống của giới trẻ, gia đình thời hiện đại nhưng sự khác biệt của những câu chuyện trong số ít phim thu hút chính là nhờ vào sự chặt chẽ của đường dây câu chuyện, tình tiết được xử lý tốt, tạo dấu ấn kịch tính hoặc hài hước có duyên. Sự thuyết phục, không gượng ép vẫn luôn là yếu tố tiên quyết giữ chân khán giả màn ảnh nhỏ.

Dấu ấn phim lịch sử, hành động

“Dư âm” của đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội để lại cho màn ảnh nhỏ 2 phim: Về đất Thăng Long (đạo diễn Lưu Trọng Ninh) và Huyền sử thiên đô (đạo diễn Phạm Thanh Phong và Đặng Tất Bình). Cùng khai thác hình tượng vị vua anh hùng Lý Thái Tổ nhưng mỗi phim một sắc thái, cách thể hiện khác nhau và giữ sức thu hút riêng, không lẫn vào dòng phim khai thác các đề tài đương đại.

Ở thể loại hành động, màn ảnh nhỏ năm qua cũng có được những phim làm hài lòng khán giả. Nếu phía Nam có Vật chứng mong manh (đạo diễn Nguyễn Duy Võ Ngọc) với những vụ án và đánh đấm “ra trò” thì màn ảnh phía Bắc cũng có một Đầm lầy bạc (đạo diễn Bùi Quốc Việt, Cánh diều bạc tại Giải Cánh diều 2010) đầy gay cấn, hấp dẫn. Một bộ phim khác cũng đang thu hút khán giả truyền hình là Những đứa con của biệt động Sài Gòn (đạo diễn Long Vân), khai thác dựa trên những hình mẫu trong vụ án Năm Cam. Đây cũng chính là những phim đã tạo dấu ấn cho nhiều diễn viên bằng những vai diễn nổi trội, ghi dấu ấn riêng.

Song song đó, bộ phim về đời sống của “giới trẻ giang hồ” Vườn đời cũng là một món ăn lạ trong không gian chung khá trùng lắp của phim truyền hình. Câu chuyện của những đứa trẻ bụi đời sống ở xóm đường sắt – đề tài vốn bị “bỏ quên” từ sau phim Giã từ cát bụi cách đây nhiều năm qua cách xử lý tình huống của cây bút chuyên viết kịch bản phim hành động Nguyễn Quý Dũng đã tạo nên một lát cắt riêng của đời sống. Với bộ phim này, đạo diễn Quốc Thịnh cũng giới thiệu được 2 gương mặt mới khá ấn tượng Lưu Quang Anh và Phan Thanh Tân.

Dẫu rằng không phải tất cả phim hành động đều đã thật sự hoàn hảo nhưng trong rừng phim vàng thau lẫn lộn của cả năm, các phim thuộc thể loại này đều ít nhiều tạo được dấu ấn riêng. Một số phim được phát lại trên các đài truyền hình tỉnh và kỹ thuật số lại tiếp tục được đông đảo khán giả hưởng ứng. Cũng có thể xem đây là một tín hiệu tốt cho phim truyền hình khi tìm được con đường riêng đến với số đông khán giả.

Phim Việt hóa: Nhạt nhòa

“Cơn lốc phim Việt hóa” trở lại ào ạt trong năm qua với các phim: Những nàng công chúa nổi tiếng, Tình yêu trong sáng, Yêu lần nữa, Cầu vồng tình yêu, Anh và em, Người mẫu… Hầu hết đều được chuyển thể từ những bộ phim Hàn đã “tạo sóng” khắp khu vực châu Á. Thực tế, phim Việt hóa vốn có nền tảng khá ổn từ kịch bản và cũng đã có những phim bước đầu nhận được phản hồi tích cực của khán giả.

Nhưng nhìn chung, phim Việt hóa không hề dễ dàng vượt qua được cái bóng quá lớn của phim Hàn nên luôn bị khán giả truyền hình so sánh khắt khe và dễ gây thất vọng. Cộng thêm những yếu tố: tình huống bị giản lược, chi tiết Việt hóa chưa đắt giá, diễn viên chưa thật sự tạo được sức sống trọn vẹn cho nhân vật và bị chi phối bởi quảng cáo nên gần như các phim Việt hóa luôn bị nhìn nhận như sản phẩm “ngoại lai” và còn nhạt, thiếu sức sống.