Chuyện kể về Anh hùng Hồ Bé
Nguyên Chính trị viên Tiểu đoàn 269 Đặc công trong những năm chiến tranh chống Mỹ, người tiêu diệt tên Tỉnh trưởng tỉnh Định Tường, bị địch treo giải thưởng 2 triệu đồng cho ai bắt được hay đem đầu về nộp. Người đó chính là Đại tá, Anh hùng LLVT, nguyên Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh.
Ba anh em họ Hồ
Anh Hồ Bé tên thật là Võ Văn Y, sinh năm 1942 tại xã Lương Hòa Lạc, huyện Chợ Gạo. Trong những năm 1960-1961, khi tiếng trống Đồng Khởi nổi lên khắp nơi, anh đã tham gia vào đội xung kích phá tề, diệt ác.
Anh kể: Để đảm bảo bí mật, anh Đoàn Văn Dựa (thân sinh của đồng chí Đoàn Văn Đào là Bí thư Đảng ủy xã Lương Hòa Lạc) lúc bấy giờ là cán bộ xã đội đã đặt cho mỗi người một cái tên để hoạt động.
Xuất phát từ tấm lòng của nhân dân miền Nam đối với Bác Hồ muôn vàn kính yêu, anh Năm Dựa đã quyết định lấy họ Hồ đặt tên cho mấy anh em. Anh Đoàn Văn Dựa lấy tên là Hồ Hồng Hoàng, anh Trần Văn Của (thân sinh của cô Trần Kim Mai hiện là Phó Chủ tịch UBND tỉnh) lấy tên là Hồ Hồng Hà, còn tôi được đặt tên là Hồ Hồng Hải.
Lúc bấy giờ, ba anh em chúng tôi tuy không nói ra bằng lời, nhưng đều thầm hứa sẽ quyết tâm sống, chiến đấu đến trọn đời vì sự nghiệp cách mạng của Bác và Đảng đã vạch ra, để xứng đáng là những đứa con ngoan của Bác. Ba anh em họ Hồ chúng tôi đã không hổ thẹn với lòng mình. Anh Hồ Hồng Hà và anh Hồ Hồng Hoàng là hai liệt sĩ đã anh dũng hy sinh trong chiến đấu.
Còn tôi được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Mỗi lần có dịp về quê, bà con họ hàng cũng có lời ra, tiếng vào nhưng tôi nghĩ họ Hồ, họ Võ cũng đều là con cháu của Bác Hồ, của dân tộc Việt Nam, đều là con cháu Lạc Hồng cả. Miễn sao mình sống thật có ích, thật xứng đáng và đừng bao giờ quên công ơn của Tổ tiên ông bà là được. Nghĩ vậy, nên cả bốn đứa con của tôi đều mang họ Hồ.
Trận đánh đầu tiên
Vào một ngày đầu tháng 4 năm 1962, khi ấy tôi đang làm ruộng thì anh Năm Dựa tới hỏi: Mầy có đi bộ đội không Y? Tôi trả lời rằng rất muốn nhưng kẹt mẹ già và hai đứa em còn nhỏ, còn phải phụ với mẹ nuôi em.
Anh Năm Dựa bảo: – Việc đó mầy khỏi lo, đã có tao ở nhà. Tao sẽ lo cho mẹ và em mầy. Được anh Năm Dựa hứa giúp đỡ, tôi đồng ý đi và lấy tờ giấy căn cước trong người xé bỏ để thể hiện quyết tâm của mình. Sau này mỗi lần có dịp về thăm nhà, mẹ tôi đều bảo: Mầy đi, Năm Dựa lo cho tao hết mình, cấp cho nhà ta 5 công ruộng, lúc khó khăn còn giúp cả gạo lẫn tiền.
Tôi rất cảm cái ơn của anh Năm Dựa và càng yên tâm đi chiến đấu. Vào bộ đội mới được một ngày, đủ để học cách sử dụng khẩu súng trường Mát, tôi được lệnh đi phục kích đánh bọn địch ở ấp chiến lược Quơn Long.
Anh Ty trong tổ tôi, nguyên trước đây bị buộc phải đi lính đã quay súng trở về với cách mạng giữ khẩu trung liên ở hướng chính diện, còn tôi được phân công phục trong nhà dân cạnh bên. Bọn địch đi ruồng bố lọt vào ổ phục kích của ta.
Trận đầu tiên nên trong lòng tôi rất hồi hộp, lo lo. Đã vậy, một tên lính không hiểu vì sao tách khỏi đồng bọn nhằm căn nhà tôi đang nấp đi thẳng tới, càng làm tôi quýnh quáng, trống ngực đập thình thịch. Tôi vừa run vừa cố thu sát mình nép vào vách nhà. Tên lính cứ thế xồng xộc đi vào.
Tuy chưa có lệnh nổ súng (khẩu trung liên của anh Ty được lệnh nổ súng trước làm hiệu lệnh) nhưng tình huống quá bất ngờ nên tôi thu hết can đảm chỉa súng vào bụng nó bóp cò. Một tiếng nổ đanh và gọn làm tên lính dựng lên rồi đổ vật xuống trước mặt tôi.
Cùng lúc đó, súng của ta đồng loạt nổ vào đội hình của địch. Tôi nhảy tới lượm khẩu súng của tên địch, thu thêm được hai trái lựu đạn còn cái dây lưng kèm bao đựng đạn, tôi tháo vội vàng trên cái bụng bầy nhầy, bê vết máu nên không tháo được.
Vừa lúc đó tiếng hô xung phong nổi lên vang dậy, tôi đành bỏ mặc bao đạn, lao lên cùng anh em. Sau khi trở lại, tôi báo với anh Ty và tháo được bao đựng đạn. Khi họp kiểm điểm rút kinh nghiệm, bình công, báo công vì là trận đầu, lính mới nên tôi được biểu dương, khen ngợi.
Hai ngày sau, nghĩa là ngày thứ tư trong quân ngũ, tôi đánh tiếp một trận ở cầu ông Ba Đáo, xã Trung Hòa. Trận này một mình, một súng tôi diệt được 4 tên, cứu được một thương binh (anh Sang cùng tổ tôi, bị thương ở tay và cổ). Quen dần với trận mạc, tôi liên tiếp lập công và chỉ sau 5 tháng vào bộ đội, tôi vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng thời được trên cho đi học lớp đặc công.
Anh hùng Hồ Bé thăm nạn nhân chất độc da cam/diaoxin. |
Trận đầu diệt Mỹ
Đầu năm 1964, địch ráo riết tăng cường bình định 7 xã vùng trên huyện Chợ Gạo gồm: Hòa Tịnh, Phú Kiết, Tân Bình Thạnh, Mỹ Tịnh An, Trung Hòa, Bình Ninh và Lương Hòa Lạc. Chúng cho xe chở đất, chở đá nâng cấp lộ Tịnh Hà đi Bến Tranh và điều một trung đoàn của Sư đoàn 7 ngụy do Trung tá Cao chỉ huy chốt chận và bảo vệ cung đường này.
Để ngăn chặn tiến trình bình định của địch, trên ra lệnh phải đánh sập cầu đúc Hòa Tịnh và Tịnh Hà. Sau nhiều ngày điều nghiên, tôi không có cách nào áp sát được cầu vì ban ngày, bọn lính Sư đoàn 7 tỏa đi lùng sục khắp cung đường. Tối về, chúng tập trung bảo vệ hai chiếc cầu này rất nghiêm ngặt.
Không đánh được cầu, chúng tôi quay qua đánh xe và chỉ trong vòng 3 tháng chúng tôi đã phá huỷ 14 xe các loại trên cung đường này, gây không ít khó khăn cho địch. Cũng trong thời gian này, quần chúng báo tin ngày nào cũng có một chiếc xe chỉ huy có cả cố vấn Mỹ từ Tân Hiệp xuống kiểm tra.
Nghe nói có cố vấn Mỹ, tôi quyết tâm đánh chiếc xe này. Đây là trận đánh mà tôi còn nhớ rất rõ cả giờ, lẫn ngày tháng bởi đang đi điều nghiên tìm địa điểm đặt mìn, thì tôi được tin má tôi mất. Hôm đó là ngày 5 -2-1964 (AL), tôi vội trở về nhìn mặt mẹ lần cuối cùng rồi ngay trong đêm, quay trở lại Hòa Tịnh để kịp cùng với đồng chí Phong, đồng chí Cây đưa một trái mìn tự tạo nặng 8kg, bí mật gài dưới cống Cây Keo trên đường lộ 4 xuống Tịnh Hà.
Đây là một điểm có thể nói khá bất ngờ đối với địch vì gần lộ 4 nên chúng rất chủ quan. Sáng hôm sau, tôi cải trang thành người đi ngoéo ếch, mặc quần cụt, áo bà ba đen, đội chiếc nón rách, đeo chiếc giỏ có hai trái lựu đạn trong đó, tay cầm cù ngoéo đi dọc theo các bờ ruộng quanh đó. Lúc xe xuống, tôi trở về vị trí không kịp vì đi quá xa, đành phải chờ cho đến lúc chúng quay xe trở về. Nắng chiều chiếu như thiêu, như đốt, mệt và đói nhưng tôi vẫn quyết tâm chờ.
Khoảng 3 giờ, nhìn thấy từ xa bụi đường bốc lên mù mịt, tôi vội trở về vị trí phục kích cách quả mìn khoảng 50 mét. Chiếc xe Jeép chở tên cố vấn Mỹ vừa leo lên cống, tôi liền điểm hỏa. Sau tiếng nổ, tôi thấy rõ cả chiếc xe và xác người tung lên cao. Hôm sau, nguồn tin của cơ sở cho biết: Trên chiếc xe, ngoài tên cố vấn Mỹ còn có tên Sư đoàn phó Sư đoàn 7 bị thiệt mạng.
Diệt tên Tỉnh trưởng Định Tường.
Đây là một trận đánh khá gian nan và nguy hiểm, vì có tên Tỉnh trưởng tới dự lễ khánh thành nên địch bố trí canh phòng rất nghiêm ngặt. Nhờ sự giúp đỡ của anh Bảy Cao, Bí thư chi bộ xã Phú Kiết và lực lượng du kích, chúng tôi mới bí mật gài được trái mìn nặng 10 kg xuống dưới gầm cống ông Mười Rùa, sát chợ và sân banh Phú Kiết, gần với lễ đài.
Sáng hôm sau, tôi cải trang thành một cậu học sinh trong chiếc áo sơ mi trắng, bận quần xanh vào phục trong nhà tắm che bằng vách lá của nhà bảo sanh gần đó. Khoảng 8 giờ, khi nghe tiếng xe, tôi vạch lá quan sát, nhìn thấy chiếc xe chở tên Mỹ có cần ăng ten từ từ lăn bánh qua cống ông Mười Rùa. Tôi quyết định cho mìn nổ. Trận đánh nổ ra chớp nhoáng nhưng đem lại một chiến công không ngờ.
Sau này địch treo giải thưởng một triệu đồng cho bất cứ ai giết được tôi, nếu bắt sống một triệu rưỡi. Vợ tên Tỉnh trưởng Định Tường còn đăng tin thưởng thêm 500 ngàn nữa. Hai triệu đồng thời đó là một số tiền rất lớn.
Ngày nay nếu có dịp về thăm Phú Kiết, chúng ta sẽ thấy ngay gần chợ có một chiếc cống mang tên Hồ Bé. Chiếc cống này chính là chiếc cống mang tên ông Mười Rùa ngày trước, nơi chôn vùi tên Tỉnh trưởng Định Tường.
Ba lần gặp Bác
Sau những ngày tháng vượt Trường Sơn, đoàn Anh hùng, Dũng sĩ, Chiến sĩ thi đua quân Giải phóng miền Nam gồm 42 người được đặt chân lên mảnh đất thân yêu của thủ đô Hà Nội, trái tim của cả nước. Điều ước mơ, mong chờ của chúng tôi là được gặp Bác Hồ kính yêu.
Khi được tin đoàn của chúng tôi ra, nhân dịp ngày Quốc khánh 2-9-1968, Bác gửi tặng lẵng hoa và thư thăm hỏi. Và, đúng vào ngày mồng một Tết cổ truyền của dân tộc, chúng tôi mới vinh dự được vào gặp Bác.
Đơn vị được tổ chức sinh hoạt, quán triệt tinh thần trước lúc vào gặp Bác. Chú Lê Hiến Mai (Đồng chí Dương Quốc Chín) Tổng Cục phó Tổng cục chính trị và anh Sáu Ất, trợ lý Cục Cán bộ dặn dò chúng tôi phải hết sức bình tĩnh tránh xúc động, không được ôm Bác, không được khóc kể cả không được hỏi Bác. Bác hỏi ai, người đó trả lời để tránh làm Bác mệt vì thời gian này Bác không được khỏe.
Đúng 10 giờ, chúng tôi có mặt tại Phủ Chủ Tịch. Tâm trạng của chúng tôi lúc bấy giờ thật vô cùng khó tả, vừa nôn nóng bồn chồn, vừa háo hức chờ đợi. Khoảng 10 phút sau, chú Kỳ dìu Bác từ phía trong ra. Bác vẫn mặc bộ đồ Kaki trắng, đi dép cao su như thường thấy trong ảnh. Động tác đầu tiên của Bác là giơ tay vẫy chào.
Thấy sức khỏe của Bác yếu, chúng tôi xúc động vô cùng và không kìm được lòng mình, chúng tôi ào tới ôm lấy Bác quên mất lời căn dặn của mấy chú. Tất cả chúng tôi ai cũng muốn được cầm lấy tay Bác, được sờ vào người Bác, thậm chí chỉ cần đụng vào người Bác một tí cũng đã đủ lấy làm mãn nguyện lắm rồi.
Sung sướng đến nghẹn ngào, chúng tôi chỉ thốt lên được mỗi chữ: Bác… ! Rồi cứ để mặc cho hai hàng nước mắt ứa ra lăn dài trên mặt. Chú Kỳ phải giơ tay ngăn lại và nhắc nhở đến mấy lần, chúng tôi mới quay về vị trí ngồi xuống.
Bác cho người lấy bánh kẹo ra phát cho chúng tôi. Bác hỏi thăm tình hình đi từ Nam ra Bắc như thế nào, có vất vả không? Tình hình sức khỏe của chúng tôi như thế nào? Chú Lê Hiến Mai bảo tôi đứng dậy trả lời Bác. Tôi cứ nghẹn ngào, ấp úng mãi mới thưa được với Bác: Thưa Bác! Chúng cháu đi đường tuy có vất vả nhưng bình an. Dọc đường có một số đồng chí bị sốt rét nhưng chúng cháu thay nhau dìu và mang vác balô giúp nhau vượt qua từng trạm nên ra đến đây đầy đủ.
Bác ngợi khen tinh thần vượt khó, tương thân, tương ái giúp đỡ lẫn nhau của chúng tôi rồi quay qua chú Lê Hiến Mai hỏi: Tinh thần của các cháu như vậy có đáng biểu dương không chú Mai? Chú Mai thưa : – Dạ thưa Bác! Rất đáng biểu dương ạ! Bác biểu dương chúng tôi rồi tiếp tục hỏi thăm, chuyện trò rất vui vẻ. Sự quan tâm, gần gũi giản dị cùng tình thân thương của Bác làm cho không khí buổi gặp Bác thêm thân tình, ấm cúng.
Bác cho người đưa bánh chưng ra và bảo: Trong Nam ngày Tết dùng bánh tét, còn ngoài Bắc dùng bánh chưng xanh, các cháu ăn thử cho biết. Bác vui vẻ kể chuyện và giải thích sự tích bánh tét, bánh chưng cho chúng tôi nghe.
Sau đó Bác quay qua dặn chú Mai: Các cháu nước da xanh xao quá, chú Mai phải đưa các cháu tới Bệnh viện 108, khoa A1 khám và điều trị bệnh để các cháu đảm bảo sức khỏe học tập. Bác nhắc lại khoa A1 (là khoa giành riêng cho cán bộ cao cấp) với chú Kỳ, làm chúng tôi vô vùng xúc động. Tình cảm của Bác vô cùng thân thiết, gần gũi, giản dị, ấm áp, chan hòa làm chúng tôi không thể nào quên.
Khoảng hai tháng sau, chúng tôi đang học ở trường Trung cấp Chính trị tại tỉnh Vĩnh Phú thì được tin Bác cho gọi về gặp. Chú Lê Hiến Mai bảo: Bác nhớ các cháu miền Nam quá. Chúng tôi mừng khôn xiết kể. Lần này chỉ một số ít được đi gồm tôi, Anh hùng Tạ Thị Kiều, Anh hùng Can Lịch, Anh hùng Nguyễn Minh Tua (Tiểu đội gang thép Ấp Bắc), Anh hùng Ba Ca Lơn, Anh hùng Huỳnh Thúc Bá, Anh hùng Trần Đình và Dũng sĩ Hồ Văn Mên (lúc đó mới 16 tuổi).
Chúng tôi được Bác tiếp trong căn nhà sàn của Bác. Bác hỏi chuyện từng người, hỏi rất tỉ mỉ. Cháu tên gì? Bao nhiêu tuổi? Học lớp mấy, quê ở đâu? Ông bà thân sinh làm gì, có khỏe không? Rồi Bác hỏi qua tình hình chiến trường, về cuộc sống sinh hoạt, ăn ở và chiến đấu của chúng tôi trong này ra sao? Lúc đầu chúng tôi còn rụt rè, sau thấy Bác thân tình, gần gũi, giản dị quá nên chúng tôi mạnh dạn dần và kể cho Bác nghe rất nhiều chuyện.
Sau đó Bác bảo chúng tôi dìu Bác đi thăm vườn cây, ao cá của Bác. Vừa đi, Bác vừa trò chuyện với chúng tôi rất vui vẻ. Chú Kỳ mấy lần đưa máy ảnh lên định chụp nhưng Bác giơ tay ngăn lại tỏ ý không cho, nhưng tôi thấy chú Kỳ cũng lén chụp được mấy kiểu.
Tôi được gặp Bác lần thứ ba vào ngày 23 hoặc 24-8-1969, vì tôi còn nhớ sau khi đơn vị tổ chức lễ kỷ niệm ngày 19-8 Cách mạng thành công được mấy ngày thì anh Sáu Ất báo tin Bác muốn được gặp các cháu Anh hùng, Dũng sĩ miền Nam. Rất mừng vì lại được gặp Bác, chúng tôi vội vã chuẩn bị lên đường.
Lần này đi chỉ có năm người: tôi, chị Tạ Thị Kiều, chị Can Lịch, anh Huỳnh Thúc Bá, anh Trần Đình. Về tới Hà Nội, chúng tôi được đưa ngay vào Phủ Chủ Tịch. Thái độ và tinh thần khẩn trương của các đồng chí cán bộ bảo vệ làm chúng tôi rất hồi họp, lo âu. Linh tính như mách bảo với tôi rằng, hình như sức khỏe của Bác không được tốt.
Linh cảm đã không đánh lừa tôi. Bác bệnh nặng. Chúng tôi được đưa vào tận nơi Bác nằm, ngay trong phòng họp của Bộ Chính trị, phòng này rộng, cách ngôi nhà sàn của Bác chừng 10m, được đắp đất dày để phòng chống bom đạn. Cách chỗ Bác nằm là một cửa hầm.
Chúng tôi không dám ào tới như lần đầu gặp Bác mà bước rón rén, nhẹ nhàng. Bác nằm và lần lượt nắm lấy tay chúng tôi. Chỉ có Bác nói còn chúng tôi chỉ nhìn Bác và khóc. Bác bảo chúng tôi đừng khóc, Bác không sao đâu.
Rồi Bác hỏi thăm sức khỏe và tình hình học tập của chúng tôi. Bác dặn dò, động viên chúng tôi cố gắng học thật tốt để sau này trở về Nam chiến đấu, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, rước Bác vào thăm. Chúng tôi chỉ còn biết hứa với Bác trong dòng nước mắt nghẹn ngào, đau đớn.
Trước khi chúng tôi ra về, chú Kỳ động viên, dặn dò và nhắc đi, nhắc lại là về đơn vị không được kể chuyện nhiều về Bác, nhất là tình hình sức khỏe của Bác. Chỉ được nói Bác bị bệnh nhưng vẫn khỏe. Tôi không ngờ đây là lần cuối cùng tôi được gặp Bác.
Ngày 2-9-1969, trời âm u, mưa nhẹ hạt, khi đơn vị chuẩn bị làm lễ kỷ niệm ngày Quốc Khánh thì chúng tôi được lệnh tập trung ra sân Hợp tác xã Nam Đồng, huyện Yên Lạc. Tại đây, anh Sáu Ất, trợ lý cán bộ Cục Chính trị và cô Năm Bi (Anh hùng Hồ Thị Bi) phụ trách công tác chính sách phía Nam thông báo cho chúng tôi biết tình hình sức khỏe của Bác không được tốt, chúng tôi phải chuẩn bị về Hà Nội gấp.
Vừa mới được gặp Bác cách đây hơn một tuần, nay được Bộ Chính trị cho gọi về chắc tình hình của Bác nguy mất. Chúng tôi òa lên khóc, hỏi cô Năm Bi thì cô cũng vừa khóc vừa trả lời: – Bác không sao đâu, không sao đâu! Cô còn cấm chúng tôi không được khóc vì sợ làm ảnh hưởng đến tình hình học tập của đơn vị.
Trên đường trở về Hà Nội, ngồi trong xe, chúng tôi ai cũng khóc ròng và cầu mong cho sức khỏe của Bác sớm được hồi phục. Mấy hôm trước trời mưa to nên nước sông Đuống, sông Hồng dâng lên cuồn cuộn, gầm gào chảy xiết. Chẳng lẽ lòng trời cũng như lòng người đang gầm thét đớn đau?
Tối hôm đó trong căn nhà số 36 Lý Nam Đế, chúng tôi mới được tin Bác Hồ kính yêu của chúng ta không còn nữa. Linh cữu của bác được đặt trong Hội trường Ba Đình. Tối 3-9, đoàn của chúng tôi được phép trực bên linh cữu của Bác. Theo quy định, mỗi ca không quá 10 phút. Ca đầu tiên gồm tôi, chị Tạ Thị Kiều, chị Kan Lịch, anh Huỳnh Thúc Bá. Chúng tôi mang trang phục quân giải phóng, đầu đội mũ tai bèo.
Phía bên trái chị Kiều đứng trước, tôi đứng sau. Phía bên phải chị Kan Lịch đứng trước, anh Huỳnh Thúc Bá đứng sau. Trực được khoảng 4 đến 5 phút thì chị Tạ Thì Kiều bị ngất, chúng tôi buộc phải thay ca. Đêm đó, hễ lúc nào thấy khỏe, chúng tôi lại đề nghị được ra trực bên linh cữu của Bác. Riêng tôi trực được 4 ca, theo quy định mắt chỉ được nhìn thẳng về phía trước nhưng thỉnh thoảng, tôi lại liếc mắt nhìn. Bác nằm đó như một giấc ngủ say sau một ngày làm việc.
Tháng 10-1971, sau khi học xong, được đi thăm 14 nước anh em trong phe xã hội chủ nghĩa, tôi về Hà Nội và xin Bộ Chính trị được trở về Nam chiến đấu. Nghe tin tôi xin về, chú Chín Hiệp, Trưởng Ban Thống nhất Trung ương người về quê Vĩnh Long mách nước với tôi đề nghị xin Bộ Chính trị cho phép gặp Bác lần cuối trước khi trở về Nam.
Tôi tìm gặp chú Lê Hiến Mai trình bày nguyện vọng của mình, chú Mai báo cáo và được Bộ Chính trị chấp thuận. Lâu nay nghe tin đồn Bác được chuyển về Việt Bắc, nào ngờ Bác vẫn còn ở Hà Nội. Chú Mai dặn nếu có ai hỏi thì bảo đi Bệnh viện 108 khám bệnh.
Chú Mai lo sắp xếp xe và tôi được đưa đến Bệnh viện 108. Thi hài của Bác được bảo quản dưới một căn hầm trong khu vực Bệnh viện. Khi tôi xuống thì các nhân viên của ta và các chuyên gia nước ngoài vẫn còn túc trực cạnh đó. Với tôi, Bác vẫn còn như ngày nào, vẫn sống mãi, trường tồn với dân tộc. Tôi kính cẩn nghiêng mình trước thi hài của Bác, chỉ khóc âm thầm chứ không dám khóc to vì sợ quấy rầy giấc ngủ của Bác.
Năm 1976, tôi được bầu làm đại biểu Quốc hội khóa 6, hằng năm ra Hà Nội họp, tôi lại được vinh dự vào Lăng viếng thăm Bác. Bác vẫn năm đó như một giấc ngủ say sau một ngày làm việc.
ĐẬU VIẾT HƯƠNG
(Ghi theo lời kể của Anh hùng Hồ Bé)
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.