Chương trình giao lưu nghệ thuật tri ân liệt sĩ “Trọn vẹn nghĩa tình”
Tối 16/7, tại Hà Nội, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Báo Quân đội nhân dân và Công ty Cổ phần Quốc tế IMC Việt Nam tổ chức chương trình Giao lưu nghệ thuật tri ân liệt sĩ “Trọn vẹn nghĩa tình”.
Chương trình giao lưu nghệ thuật tri ân liệt sĩ “Trọn vẹn nghĩa tình” |
Chương trình được tổ chức tại Cung Văn hóa Hữu Nghị Hà Nội và được phát sóng trực tiếp trên Kênh truyền hình VTV2 – Đài truyền hình Việt Nam, Truyền hình Quốc phòng Việt Nam; phát thanh trực tiếp trên Hệ Thời sự Chính trị tổng hợp (VOV1) – Đài Tiếng nói Việt Nam.
Đến dự chương trình có các đồng chí: Lê Khả Phiêu, nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam; Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Nguyễn Thị Doan, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam; Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; đại diện lãnh đạo nhiều bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương và Thành phố Hà Nội; các Bà mẹ Việt Nam anh hùng; các cựu chiến binh và đông đảo người dân Thủ đô.
Chương trình giao lưu nghệ thuật tri ân liệt sĩ “Trọn vẹn nghĩa tình” nhằm tôn vinh những người vợ liệt sĩ, chia sẻ, động viên những người con của liệt sĩ, thể hiện lòng biết ơn và sự tri ân của chúng ta với những người có công với nước, biểu dương các tập thể và cá nhân đã có những đóng góp tích cực cùng Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam trong hoạt động Đền ơn đáp nghĩa thời gian qua. Đây cũng là món quà thiết thực kính dâng các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, Mẹ liệt sỹ, thân nhân các anh hùng liệt sỹ, các thương, bệnh binh, người có công với cách mạng nhân kỷ niệm 67 năm ngày thương binh liệt sỹ (27/7/1947-27/7/2014).
Phát biểu khai mạc chương trình, Trung tướng Lê Văn Hân, Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam, Trưởng Ban Tổ chức cho biết: Sự hi sinh, đổ máu vì giang sơn gấm vóc vẫn là điều thiêng liêng của con dân đất Việt. Chiến tranh và sự tàn ác của kẻ thù luôn để lại hậu quả vô cùng nặng nề, trong đó phần đau thương nhất là các gia đình liệt sĩ, là những người mẹ, người vợ liệt sĩ cùng những đứa con thơ dại. Công việc tri ân liệt sĩ đã, đang và sẽ phải là việc làm thường xuyên trên toàn quốc và đồng bào ta ở nước ngoài, đó là mệnh lệnh từ trái tim chúng ta. Chúng tôi mong rằng các đồng chí, quý vị đại biểu, các đơn vị, tổ chức, các nhà hảo tâm sẽ còn đồng hành cùng chúng tôi vì nhiệm vụ tri ân liệt sĩ và phát triển tổ chức Hội.
Tại chương trình, khán giả đã có dịp giao lưu với cô giáo Đỗ Thị Ái Linh, nguyên Hiệu trưởng Trường nội trú Nguyễn Viết Xuân (phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội), ngôi trường đầu tiên ở Hà Nội dành để nuôi dạy cho con em các gia đình liệt sĩ; Đại úy Trần Thị Thu Hà, công an tỉnh Hà Nam, con liệt sĩ Trần Đức Thông hy sinh ở đảo Gạc Ma; Em Nguyễn Tiến Anh, xã Yên Mật, huyện Kim Sơn, Ninh Bình, con Liệt sĩ Nguyễn Văn An hy sinh khi làm nhiệm vụ ở nhà giàn DK1; Chị Trần Thị Liễu, xã Duy Linh, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình, vợ liệt sĩ Nguyễn Mậu Phong, hy sinh năm 1988 tại đảo Gạc Ma.
Các đại biểu giao lưu tại chương trình |
Trong chương trình, hình ảnh những người vợ liệt sĩ đã vượt qua đau thương mất mát, sự thiệt thòi thiếu thốn để nuôi con và phấn đấu xứng đáng với người đã khuất đã được khắc họa thông qua các phóng sự. Mặc dù chồng các chị đều ra đi đột ngột, không kịp nhắn gửi tới vợ con một lời nào, nhưng tất cả các chị đều nuôi dạy các con khôn lớn, hoàn thành tốt phần việc của mình cho xã hội cũng như vượt qua những mất mát, thiếu thốn khi thiếu vắng người trụ cột trong gia đình. Đó là vợ Thiếu tá Phan Công Việt, người đã hy sinh chiều ngày 21/9/2009, trong lúc cùng đồng đội truy bắt các đối tượng trộm cắp và cướp giật tài sản trên địa bàn Đà Nẵng. Anh ra đi để lại người vợ trẻ và con nhỏ mới hơn 3 tuổi. Đây không chỉ là mất mát lớn lao của gia đình mà lực lượng công an đã mất đi một cán bộ, chiến sĩ anh dũng, sẵn sàng hy sinh thân mình để giữ vững an ninh, trật tự, bảo vệ bình yên cho nhân dân. Đó là chị Đặng Thị Bích Trang, vợ Đại úy phi công Trần Thanh Nghị. Năm 2009, Đại úy phi công Trần Thanh Nghị hy sinh để lại người vợ trẻ, đang mang thai cháu thứ hai được hơn 7 tháng. Được sự giúp đỡ của Bộ Quốc phòng, Báo Quân đội nhân dân, chị Trang đã trở thành một phóng viên, hai năm được khen thưởng là Chiến sĩ thi đua của đơn vị. Đó là cô giáo Mai Thị Hiền, giáo viên Trường Tiểu học số 1, Kiến Giang, Lệ Thủy, Quảng Bình, vợ liệt sĩ Phạm Hữu Huyên. Ngày 8/8/2007, anh Phạm Hữu Huyên hy sinh trong cơn lũ lớn để cứu dân, cô giáo Mai cùng hai con nhỏ tưởng như không gượng nổi. Nhưng với sự giúp đỡ của gia đình, nhà trường, chị đã gượng dậy chăm sóc các con khôn lớn; đồng thời hoàn thành tốt công việc của một giáo viên…
Nhân kỷ niệm 67 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ, trong chương trình, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam đã trao 20 sổ tiết kiệm, 64 suất quà, 10 suất học bổng cho các gia đình liệt sĩ cùng đại diện địa phương và Quân chủng Hải quân. Đồng thời trao kết quả giám định ADN đợt thứ 23 đến các gia đình liệt sĩ./.
Nguồn ĐCSVN
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.