Đánh thức tiềm năng du lịch di sản Phù Đổng-Hội Gióng

Dù Lễ hội Thánh Gióng ở đền Phù Đổng (Gia Lâm) và đền Sóc (huyện Sóc Sơn đã được công nhận là di sản phi vật thể của nhân loại, nhưng sự liên kết giữa di sản và du lịch còn nhiều khó khăn, địa phương chưa khai thác hết khả năng, giá trị của di sản để phục vụ du lịch.

 

Khu tượng đài Thánh Gióng nằm trên đỉnh núi Chồng, huyện Sóc Sơn, Hà Nội

Lễ hội Thánh Gióng ở đền Phù Đổng (Gia Lâm) và đền Sóc (huyện Sóc Sơn) đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đưa vào danh sách di sản phi vật thể của nhân loại tháng 11/2010.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Huy, Trung tâm nghiên cứu và phát huy giá trị Di sản văn hóa, dù tiềm năng du lịch phong phú, đặc sắc nhưng Phù Đổng chưa phải là một điểm du lịch, chưa có định hướng, chính sách và cơ cấu tổ chức cho phát triển du lịch, chưa có công tác quản lý du lịch và thúc đẩy du lịch. Việc quản lý mới gói gọn trong bảo vệ di tích.

Ngoài thời điểm diễn ra Hội Gióng (tháng 4 âm lịch) là có khách thập phương đông, còn lại toàn bộ thời điểm khác trong năm di sản này vắng khách. Số lượng khách hàng năm từ 22- 25 nghìn lượt khách. Các sản phẩm du lịch như tuyến, điểm du lịch chưa được xây dựng, trong các tour tham quan Hà Nội, Phù Đổng cũng chưa là một điểm đến.

Còn khách du lịch đến không gian Hội Gióng ở Sóc Sơn nhiều và đa dạng hơn, diễn ra quanh năm. Ước tính mỗi năm nơi này đón khoảng 70–80 nghìn lượt khách. Tại đây cũng đã cung cấp sản phẩm du lịch cho ½ ngày, 1 ngày hoặc 2 ngày gắn với các khu trung tâm đền Sóc Sơn với các điểm văn hóa, di tích lịch sử, tâm linh hay thắng cảnh thiên nhiên. Tuy nhiên, số lượng khách du lịch đến đây chủ yếu trong 3 tháng đầu năm (chiếm khoảng 80% số khách của cả năm).

Kết nối các điểm di sản 

Theo ông Nguyễn Văn Huy, ở cả hai địa điểm trên, sự liên kết giữa di sản và du lịch còn nhiều khó khăn và chưa khai thác hết khả năng, giá trị của di sản để phục vụ du lịch. Do vậy, việc nghiên cứu những cơ hội phát triển du lịch, đặc biệt tính đến kết nối với các điểm di sản mang tính lan tỏa và các điểm di sản khác quanh vùng là điều cần thiết.

Ông Huy cho rằng, ở Phù Đổng (Gia Lâm) tuy chưa phát triển du lịch nhưng lại có tiềm năng du lịch quốc tế hơn Sóc Sơn vì các di sản tập trung, đa dạng, tính cộng đồng cao, mô hình quản lý cộng đồng hiện tại phù hợp xu thế quốc tế, đầu tư tốt sẽ là điểm du lịch mới của Hà Nội.

Vì vậy, định hướng để phát triển du lịch ở đây là xây dựng dự án kết nối các di sản tạo thành các hành trình du lịch giữa đền Phù Đổng, Hội Gióng và không gian sống với cảnh quan, đường làng ngõ xóm. Khách du lịch có thể đồng thời trải nghiệm về di sản vật thể, phi vật thể và cuộc sống đương đại của nông dân đồng bằng Bắc Bộ.

Bên cạnh đó, kết nối Hội Gióng ở Phù Đổng với các di sản nổi bật khác trong khu vực phía Đông của Hà Nội để tạo thành một sản phẩm du lịch di sản, du lịch văn hóa và tâm linh. Có thể kết nối Hà Nội và Bắc Ninh để hình thành tuyến du lịch liên tỉnh đến đền Đô, chùa Phật Tích, chùa Dâu, chùa Bút Tháp hay các làng Quan họ cổ…

Còn tại không gian Hội Gióng ở Sóc Sơn đang có tiềm năng phát triển du lịch nội địa, vì vậy, định hướng phát triển nơi này là hoàn thiện và đổi mới sản phẩm du lịch, mở rộng quy mô và phạm vi du lịch, khai thác việc tự phát triển và quản lý của người dân.

Ông Nguyễn Văn Huy cho biết thêm, sự hấp dẫn của các tour du lịch di sản chính là các chương trình cộng đồng tự giới thiệu về di sản của mình hoặc khách du lịch tương tác với di sản của cộng đồng. Trong Hội Gióng, cộng đồng tham gia tự nguyện vào việc tổ chức lễ hội chính là linh hồn, tâm điểm của di sản. Vì vậy, phát triển du lịch di sản tại đây sẽ đem lại lợi ích cho cộng đồng và khuyến khích cộng đồng phát triển di sản một cách bền vững.

Được biết, để bảo tồn và phát huy giá trị di sản, Sở VHTTDL Hà Nội đã xây dựng Đề án “Phát huy giá trị không gian Hội Gióng tại Gia Lâm và Sóc Sơn”. Nội dung chính của dự án là kết nối khu trung tâm đền Sóc Sơn với trải nghiệm các làng nghề truyền thống tại Sóc Sơn. Kết nối trung tâm đền Sóc với một số thôn có thờ thánh Gióng và một số làng nghề ở xung quanh không gian đền để tạo thành một sản phẩm du lịch (làng tre trúc Thu Thủy, làng mây tre đan Lai Cách…), khai thác tiềm năng du lịch di sản, văn hóa và trải nghiệm nghề thủ công với đời sống nông thôn. Hiện đề án đang trong quá trình lấy ý kiến các nhà nghiên cứu, chuyên gia, quản lý văn hóa… để hoàn thiện.

Nguồn Chính phủ