Chống tiêu cực trong bóng đá: Không thể thấy khó rồi bàn lùi
Cuộc chiến chống tiêu cực trong bóng đá vẫn đang diễn ra và rất cần sự kiên định của những người tham gia vào công tác này. Chắc chắn rằng không phải chỉ một hay vài “mũi thuốc tiêm” có thể giúp cho bóng đá nội khỏe lên ngay sau cơn trọng bệnh kéo dài đằng đẵng…
Cần có sự hợp tác toàn diện
Không phải đến bây giờ, tiêu cực mới trở thành đề tài của bóng đá Việt Nam. Cũng không phải đến khi chục cầu thủ ở V.Ninh Bình rồi 6 cầu thủ Đồng Nai bị bắt, người ta mới nói đến chuyện giới quần đùi áo số bắt độ bóng đá, rồi tham gia vào dàn xếp tỷ số ở những trận đấu do chính họ vừa đánh cá.
Điểm khác biệt của năm nay so với những năm trước nằm ở chỗ “người ta” quyết lôi ra ánh sáng những sự việc vốn trước đây vẫn nằm trong tối, họ đã chủ động mời cơ quan chức năng vào tìm chứng cứ, thay vì chính những người trong ngôi nhà bóng đá đánh đố dư luận bằng câu nói đầy nhức nhối “chứng cứ đâu?” như trước đây.
Có một thực tế khác là trước đây người ta không làm, hoặc không muốn làm bởi tâm lý “ném chuột sợ vỡ bình”. Người ta lo bắt một hay một nhóm cầu thủ tiêu cực, dàn xếp tỷ số thì dễ, nhưng phải dọn dẹp hậu quả và đối phó với những phản ứng dây chuyền tiếp theo mới là căng. Thành ra, người lớn chưa bao giờ làm đến nơi đến chốn trong công tác chống tiêu cực.
Người ta không dám mạnh tay vì chính người làm bóng đá sợ làm căng với tiêu cực, thương hiệu của doanh nghiệp bị ảnh hưởng xấu, hình cảnh của địa phương cũng bị ảnh hưởng theo.
Đấy cũng chính là lý do mà giới bóng đá thường kháo nhau câu chuyện các giám sát trận đấu ít dám báo cáo đầy đủ về những trận cầu “có mùi”, vì chính cách làm của cấp trên không cho phép họ làm điều đó, vì nguy cơ vỡ giải luôn lơ lửng trên đều.
Rồi cũng chính các giám sát có khi không được cung cấp băng hình đẹp để làm bằng chứng cho những trận đấu bốc mùi, khi chính các địa phương không muốn giao “bằng chứng”, có thể làm tổn hại đến đội bóng đại diện cho từng địa phương.
Bây giờ mọi thứ phải thay đổi, một khi VFF và VPF tuyên bố không sợ vỡ giải, còn Bộ Công An trực tiếp tham gia chuyên án.
Không thể dùng phản ứng tiêu cực để chống tiêu cực
Chúng tôi ủng hộ quan điểm còn bao nhiêu đội đá bây nhiêu đội của ông chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng và ông chủ tịch VPF Võ Quốc Thắng. Ông Thắng bảo bóng đá không thể nào tốt nếu để bóng đá tồn tại song song với tiêu cực, còn ông Dũng trả lời thẳng tuột là có làm như Malaysia, đuổi cổ hết cầu thủ tiêu cực, chấp nhận hy sinh cả thế hệ cầu thủ cũng phải làm, nếu họ đã tham gia bán độ (Hồi giữa thập niên 1990, Malaysia thậm chí còn “đày” một loạt cầu thủ ra đảo vì bán độ).
Đừng sợ khi đấu tranh chống tiêu cực sẽ hết người đá bóng, cũng đừng sợ khi cầu thủ của từng đội bóng dính tiêu cực, sẽ có đội bỏ giải.
Đội nào bỏ giải vì có cầu thủ dính đến bán độ, chứng tỏ đội đó không làm bóng đá nghiêm túc, cũng không chuẩn bị sẵn lực lượng trẻ để kịp thời đôn người lên đá thay các cầu thủ bị bắt khi cần.
Mà một khi một CLB không có ý định làm bóng đá nghiêm túc, cũng không chuẩn bị sẵn lực lượng kế thừa, CLB ấy chẳng xứng đáng để làm bóng đá chuyên nghiệp.
V.Ninh Bình là một ví dụ điển hình, ông bầu Hoàng Mạnh Trường của đội này đáng hoan nghênh trong việc tố giác các cầu thủ tiêu cực, phối hợp với cơ quan điều tra làm cho ra lẽ vụ việc. Tuy nhiên, không ai khen bầu Trường khi ông bỏ đội bóng, bỏ V-League.
Đơn giản bởi người ta không thể nào chống tiêu cực bằng một phản ứng còn tiêu cực hơn: Đẩy vài chục con người ra đường, dù cho không phải ai trong số đấy cũng xấu, không phải ai cũng dính đến bán độ.
Mong các địa phương, các ông bầu và những người làm bóng đá hiểu rằng tuyên chiến với tiêu cực không phải là bỏ bóng đá, mà là chấp nhận loại trừ những cái xấu xa đang làm hại bóng đá, chấp nhận xây dựng lại bóng đá nội từ đống đổ nát!
Nguồn Dân trí
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.