Tiểu vùng sông Mê Công mất gần một nửa diện tích rừng trong 40 năm
Từ năm 1973 đến năm 2009, năm quốc gia trong khu vực tiểu vùng sông Mê Công mở rộng mất gần 1/3 diện tích rừng che phủ còn lại.
Trong báo cáo mới nhất, WWF đã cảnh báo rằng Tiểu vùng sông Mê Công mở rộng tại khu vực Đông Nam Á có nguy cơ mất hơn 1/3 diện tích rừng còn lại trong vòng hai thập kỷ tới nếu chính phủ các nước trong khu vực không tăng cường bảo vệ, coi trọng và khôi phục nguồn vốn tự nhiên và đi theo hướng tăng trưởng xanh.
Các phân tích của WWF cho thấy khu vực Tiểu vùng sông Mê Công mở rộng hiện duy trì được khoảng 98 triệu ha rừng tự nhiên – chỉ bằng hơn một nửa diện tích đất của khu vực.
Những khu vực rừng trọng yếu diện tích lớn được kết nối cũng giảm đáng kể trên toàn khu vực, từ 70% của năm 1973 xuống còn 20% vào năm 2009. Rừng trọng yếu là phần diện tích rừng không bị chia cắt và rộng tối thiểu là 3,2km2. Nếu xu hướng này tiếp diễn, WWF dự đoán rằng tới năm 2030, chỉ có 14% diện tích rừng còn lại của khu vực Tiểu vùng sông Mê Công mở rộng là có khả năng duy trì sinh cảnh cho quần thể các loài hoang dã.
Báo cáo “Các hệ sinh thái khu vực Tiểu vùng sông Mê Công mở rộng: xu hướng trong quá khứ, hiện trạng và kịch bản tương lai” đưa ra các phân tích về hiện trạng và bối cảnh tương lai của các khu rừng trọng yếu, các hệ sinh thái nước ngọt trong khu vực và của những loài nguy cấp nhất phụ thuộc vào các hệ sinh thái này.
Báo cáo xây dựng hai kịch bản cho các hệ sinh thái của khu vực. Một kịch bản dự đoán những khả năng có thể xảy ra đối với các hệ sinh thái cho tới năm 2030 nếu như các nước tiếp tục phát triển theo mô hình tăng trưởng không bền vững, trong đó tình trạng chặt phá rừng và suy thoái diễn ra trong thập kỉ qua vẫn tiếp diễn. Kịch bản thứ hai được xây dựng dựa trên giả định cắt giảm 50% tỷ lệ chặt phá rừng hàng năm và một tương lai dựa trên tăng trưởng xanh. Trong giả định thứ hai, theo mô hình tăng trưởng xanh, diện tích rừng trọng yếu trong năm 2009 tại cả năm nước tiểu vùng sông Mê Công mở rộng vẫn còn nguyên vẹn.
Báo cáo cũng nhấn mạnh, việc phát triển đập Xayaburi là một mối đe dọa chính đối với sức khỏe và năng suất của sông và đồng bằng sông Mê Công. Lưu vực sông Mê Công có tới 13 hệ sinh thái nước ngọt đặc biệt, liên kết với nhau, và việc xây dựng đập Xayaburi, một dự án vốn gây nhiều tranh cãi, sẽ cắt đứt dòng chảy chính của hạ lưu sông Mê Công, chặn đường di cư của cá và dòng chảy trầm tích, gây hậu quả nghiêm trọng tới sinh kế và an ninh lương thực cho 60 triệu người.
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.