Hội nghị đánh giá 3 năm phòng chống bệnh chổi rồng trên cây nhãn
( THTG) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang vừa tổ chức hội nghị đánh giá 3 năm phòng chống bệnh chổi rồng trên cây nhãn (từ năm 2012 – 2014) tại huyện Cái Bè. Ông Lê Văn Nghĩa – Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã đến dự.
Tiền Giang có hơn 8.500 ha diện tích trồng nhãn, tập trung ở các huyện Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành, Chợ Gạo, Tân Phú Đông, thị xã Cai Lậy và thành phố Mỹ Tho. Trong đó có hơn 7.000 ha nhãn bị bệnh chổi rồng (tỷ lệ nhiễm trên 70% chiếm hơn 4.700 ha, số diện tích còn lại nhiễm bệnh với tỷ lệ từ 30 – 70%). Trước tình hình đó, tỉnh tiến hành tổ chức phòng chống dịch cho hơn 6.600ha nhãn bị nhiễm bệnh nặng.
Trong 3 năm qua, tỉnh đã tổ chức được hơn 580 cuộc tập huấn về các biện pháp quản lý dịch bệnh chổi rồng, cấp phát hơn 150 ngàn sổ tay, tờ bướm và poster, xây dựng 65 mô hình quản lý bệnh theo quy trình. Đặc biệt, tổ chức được 3 cuộc tọa đàm trực tiếp trên sóng truyền hình của Đài Phát thanh Truyền hình Tiền Giang để tuyên truyền các biện pháp phòng trị bệnh; cung ứng cho hơn 76.600 lít thuốc cho nông dân dập dịch chổi rồng.
Tổng kinh phí thực hiện chống dịch chổi rồng trên địa bàn tỉnh hơn 43,3 tỷ đồng (trong đó ngân sách trung ương hơn 30,3 tỷ và ngân sách tỉnh là 13 tỷ) để kịp thời hỗ trợ cho nông dân về thuốc bảo vệ thực vật, công tắc tỉa, công phun thuốc và hỗ trợ chuyển đổi cây trồng đối với những vườn sản xuất không hiệu quả.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 6.000 ha nhãn phục hồi cho trái khá tốt (đạt 92,1% trên tổng diện tích ra quân). Tuy nhiên, giá nhãn luôn ở mức thấp trong khi đó chi phí đầu tư sản xuất cao, nông dân không có lãi nên đã chuyển đổi hơn 3 ngàn ha trồng nhãn sang trồng cây khác. Hiện tại trên địa bàn tỉnh chỉ còn hơn 5.400 ha trồng nhãn.
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Nghĩa chỉ đạo các sở, ban, ngành tỉnh, các huyện, thị, thành cần thực hiện tốt hơn nữa trong công tác thống kê diện tích nhãn bị bệnh và phòng chống dịch bệnh; tiếp tục đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về tác hại của bệnh chổi rồng, tổ chức tập huấn kỹ thuật phòng trị bệnh chổi rồng cho đội ngũ cán bộ nông nghiệp để hướng dẫn nông dân phòng trị đạt hiệu quả cao, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo khuyến cáo của ngành chuyên môn, không gây ảnh hưởng đến môi trường./.
Chiêu Nam
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.