150 năm kính trọng và suy tôn AHDT Trương Định

Bài 1: Đồn điền Gia Thuận

Trương Định không chỉ được nhân dân kính trọng, suy tôn là Bình Tây Đại Nguyên soái, mà còn là người có công lớn trong việc dạy dân lập đồn điền, phá rừng làm rẫy, xây dựng nhà cửa. Bởi thế, Văn tế Trương Định của Nguyễn Đình Chiểu đã viết:

Bởi lòng chúng chẳng nghe thiên – tử chiếu, đón ngăn mấy dặm mã tiền/ Theo bụng dân phải chịu tướng – quân – phù, gánh – vác một vai khổn ngoại… Vì nước tấm thân đã nấy, còn mất cũng cam/ Giúp đời cái nghĩa đáng làm, nên hư nào nại/ Rạch – lá, Gò – Công mấy trận, người thấy đã kinh/ Cửa Khâu, Trại Cá khắp nơi, ai nghe chẳng hãi…

“Ở Gò Công, mỗi tên làng, xã đều mang ước vọng giàu đẹp về tương lai nên thường bắt đầu chữ Tân, Bình, Long… (trừ một vài địa danh gắn với dấu tích riêng), riêng chỉ có nơi Anh hùng dân tộc (AHDT) Trương Định từng lập đồn điền lại bắt đầu bằng chữ Gia (Gia Thuận)” – Nhà giáo Ưu tú Phan Thanh Sắc đặt ra chi tiết như thế trước khi đề cập đến AHDT Trương Định.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và  lãnh đạo tỉnh viếng Đền thờ AHDT Trương Định. Ảnh: NC
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và lãnh đạo tỉnh viếng Đền thờ AHDT Trương Định. Ảnh: NC

Đồn điền Gia Thuận đã được đề cập trong các tư liệu lịch sử, tuy nhiên chỉ ở mức sơ lược. Để rõ hơn về sự tồn tại của đồn điền này, chúng tôi đã về xã Gia Thuận, huyện Gò Công Đông để tìm hiểu về dấu tích của đồn điền xưa trong những ngày chính quyền và nhân dân Gò Công chuẩn bị kỷ niệm 150 năm ngày AHDT Trương Định tuẫn tiết.

Theo sử sách ghi lại, trước khi dấy binh khởi nghĩa chống thực dân Pháp, Trương Định đã xây dựng đồn điền ở Gia Thuận có quy mô tương đối lớn. Tiếc rằng, dấu tích xưa hiện không còn, Gia Thuận giờ chỉ có Đền thờ AHDT Trương Định và vài chục ha diện tích lá dừa nước (ngày trước còn gọi là “Đám lá tối trời”, nơi Trương Định từng lập căn cứ đánh thực dân Pháp), diện tích đất còn lại đã đưa vào sản xuất nông nghiệp.

Hỏi những vị cao niên ở đây cũng còn mơ hồ về diện tích đồn điền xưa, mà chỉ biết rằng Trương Định vào vùng đất Gò Công vào khoảng năm 1844 thời vua Thiệu Trị, sau đó kết hôn với con gái một hào phú (Lê Thị Thưởng) ở huyện Tân Hòa (nay là Gò Công) và ở cùng bên vợ.

Khi đề cập đến đồn điền Gia Thuận, Nhà giáo Ưu tú Phan Thanh Sắc (ấp Gò Tre, xã Long Thuận, TX. Gò Công), người có nhiều công trình nghiên cứu về vùng đất Gò Công cho chúng tôi biết, khi Trương Định vào vùng đất Gò Công lập gia đình với một người con gái ở vùng Gò Công, sinh ra Trương Quyền, nhà có ruộng đất nhưng không nhiều. Lập gia đình được 5 – 7 năm thì có chính sách xây dựng đồn điền của triều đình Huế, Trương Định mới xuôi thuyền về Gia Định gặp Nguyễn Tri Phương.

Lúc này Nguyễn Tri Phương giữ chức Kinh lược sứ của miền Nam, đang thực hiện chủ trương của triều đình Huế là xây dựng đồn điền, tập trung ở biên phòng. Ông Trương Định là con của Lãnh binh Trương Cầm, Hữu thủy vệ úy ở Gia Định thời vua Thiệu Trị, nên được ưu tiên và lãnh lệnh của Nguyễn Tri Phương khai thác đồn điền trong hệ thống đồn điền của tỉnh Gia Định.

Đây là hệ thống đồn điền thứ 2 trong 6 đồn điền của Gia Định mang tên là Gia Thuận. Trong 5 năm, từ năm 1854 – 1859, Trương Định đã xuất tiền của chiêu mộ dân nghèo khai thác, lập đồn điền Gia Thuận và sau đó được phong chức Phó Quản cơ.

Đền thờ Trương Định tại ấp 2, xã Gia Thuận, huyện Gò Công Đông - nơi trước đây là căn cứ của đồn điền.
Đền thờ Trương Định tại ấp 2, xã Gia Thuận, huyện Gò Công Đông – nơi trước đây là căn cứ của đồn điền.

Đồn điền là hệ thống bán quân sự được phát lương ăn, được phát áo quần, hàng năm tập quân sự phải đi trình diện. Trong vòng 5 năm, đồn điền khai thác được bao nhiêu thì ăn bấy nhiêu. Tuy nhiên, vùng đất Gò Công lúc này đã được người dân khai thác, chỉ còn khu vực quanh “Đám lá tối trời”. Đến năm 1859, Trương Định có trong tay được khoảng 500 dân quân, tiếp tục khai thác vùng đất Gia Thuận, khai thác từ rìa bờ rừng đi vào.

Đồn điền của Trương Định khai thác dựa vào diện tích người dân đã khai thác trước, mới lấn dần bìa rừng vào. Khu Đền thờ AHDT Trương Định tại xã Gia Thuận hiện nay là nơi ông đặt căn cứ để xây dựng đồn điền Gia Thuận. Đó là vùng đất đồng ruộng, không phải căn cứ kháng chiến mà là điểm khai hoang, đặt căn cứ của một đồn điền khai hoang, giống như căn cứ của một hợp tác xã sau này.

Còn theo nghiên cứu của TS. Nguyễn Phúc Nghiệp trong tác phẩm Căn cứ Gò Công và thế trận lòng dân trong cuộc khởi nghĩa Trương Định:

“Gia Thuận tuy đã được khai khẩn, nhưng thời bấy giờ đất đai còn hoang hóa rất nhiều. Vì thế, ở đây còn được gọi là “Đám lá tối trời”. Hiện nay, còn có địa danh Xóm Trại có liên quan đến việc lập đồn điền của Trương Định. Đồn điền Gia Thuận được xem là hậu cứ của chiến lũy Sơn Quy, có nhiệm vụ bảo vệ Sơn Quy từ hướng Đông Bắc, tiếp ứng cho nơi này khi bị thực dân Pháp tấn công, nếu gặp bất trắc thì nghĩa quân rút về đây để củng cố lực lượng hoặc vượt sông Soài Rạp về rừng sác Lý Nhơn, mở mảng hoạt động ở Biên Hòa, Bà Rịa và liên lạc với các tỉnh miền Trung”.

Trương Định sinh năm 1820 tại huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi, là con ông Trương Cầm, Lãnh binh tỉnh Gia Định. Thời vua Thiệu Trị, ông theo cha vào Nam, cưới vợ ở Tân An. Ông từng giữ chức Chánh Quản cơ, chỉ huy 6 liên đội, phòng giữ đồn điền chống thực dân Pháp, sau thăng chức Phó lãnh binh tỉnh Gia Định.Chống Hàng ước Nhâm Tuất năm 1862 của triều đình Huế, chống lệnh vua, ông ở lại cùng dân chiến đấu, nhận chức Bình Tây Đại Nguyên soái do dân phong. Uy danh Trương Định đã vang lừng 6 tỉnh và cả nước.Ngày 20-8-1864 ông bị địch vây đánh tại “Đám lá tối trời”, thuộc xã Gia Thuận, huyện Gò Công Đông ngày nay. Ông bị thương nặng và dùng gươm tuẫn tiết, thọ 44 tuổi. Với truyền thống “sống oanh liệt, chết vẻ vang”, ông xứng đáng là Anh hùng dân tộc.

Khi Trương Định thất thủ, đồn điền Gia Thuận vẫn chưa có cơ cấu hành chính. Khi ông chết, cả 2 phía đều ghi nơi ông tuẫn tiết ở Tân Phước hay Kiểng Phước, do lúc này Gia Thuận một nửa nằm ở Tân Phước, một nửa nằm trong Kiểng Phước.

Năm 1867 ổn định miền Nam, thực dân Pháp sắp xếp thành Hạt Gò Công (trước đó là Hạt Tân Hòa, phủ Tân An, tỉnh Gia Định), Pháp mới đổi tên thôn thành làng.

Năm 1913 vùng đất này thuộc tỉnh Mỹ Tho. “Mãi đến năm 1924 thành lập tỉnh Gò Công, mới tái lập lại làng Gia Thuận, do lúc này Pháp đã bình định hết và theo nguyện vọng của người dân.

Như vậy, tên làng Gia Thuận xuất phát từ đồn điền Gia Thuận trước đó. Lúc này Gò Công có 5 tổng, 40 làng. Gia Thuận thuộc Tổng Hòa Lạc Thượng” – Nhà giáo Ưu tú Phan Thanh Sắc nhận định.

Nhà giáo Phan Thanh Sắc phân tích thêm: Khi thực dân Pháp lập làng phải có nhà Việc và ngôi đình, do ngôi đình gắn chặt với đời sống tâm linh của người dân. Đình là nơi để họp dân và cũng là nơi liên tưởng đến Thần hoàng bổn cảnh.

Điều đặc biệt là ngôi đình của làng Gia Thuận không có sắc thần, do lúc này đình thuộc quyền cai trị của thực dân Pháp. Trải qua những giai đoạn của lịch sử, ngôi đình được thành lập năm nào, qua nhiều lần chỉnh trang, trùng tu nay đã trở thành Đền thờ AHDT Trương Định (ấp 2, xã Gia Thuận, huyện Gò Công Đông) ngày nay.

Nguồn Báo Ấp Bắc