Hào khí Nam Kỳ năm 40

Với lòng căm thù sôi sục bọn cướp nước và bè lũ Việt gian bán nước, cách đây đúng 71 năm (23/11/1940 - 23/11/2011) với số lượng đảng viên ít ỏi, với giáo mác gậy gộc, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, nhân dân Mỹ Tho, Gò Công đã hạ hoặc bức rút đồn bót, chiếm nhà việc của bọn tề ngụy, làm chủ tình hình trong nhiều ngày. Cuộc khởi nghĩa nổ ra mạnh mẽ ở huyện Châu Thành, trong đó xã Long Hưng là nơi tiêu biểu nhất, với sự xuất hiện lần đầu tiên lá cờ đỏ sao vàng ở đình Long Hưng với phiên tòa xử tên Hương quản Sâm và tấm gương quyết tử và tuẫn tiết của 4 liệt sĩ ở gò Trâm bầu.

***

Sau cuộc họp tháng 7/1940 của Xứ ủy ở làng Tân Hương, quận Châu Thành và 2 cuộc tháng 9, tháng 10/1940 ở Gia Định, Tỉnh ủy Mỹ Tho đã có 3 cuộc họp ở làng Thạnh Phú, quận Châu Thành để bàn việc thành lập Ban khởi nghĩa tỉnh, các Ban khởi nghĩa quận, bàn kế hoạch triển khai thực hiện theo hướng khẩn trương chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa. Toàn Đảng bộ nhất trí và phấn khởi nghiêm túc thực hiện chủ trương chuẩn bị khởi nghĩa để giành chính quyền của Trung ương Đảng và Xứ ủy đề ra.

Trước hết, Tỉnh ủy quan tâm xây dựng củng cố Đảng, đẩy mạnh việc phát triển Đảng, xây dựng chi bộ cơ sở, tăng cường cán bộ cho các Quận ủy Châu Thành, Cai Lậy, Cái Bè và lập Quận ủy lâm thời Chợ Gạo. Cùng với công tác xây dựng Đảng, Tỉnh ủy lãnh đạo các cấp ủy chú trọng việc phát triển các hội phản đế: Thanh niên phản đế, Phụ nữ phản đế, Nông hội phản đế, Binh sĩ phản đế, Nhi đồng cứu vong. Tất cả nằm trong Mặt trận Thống nhất Dân tộc Phản đế Đông Dương.

Chuẩn bị cho cuộc nổi dậy, Tỉnh ủy quyết định chọn vùng rừng Ba U, toàn cây tràm, năn, lác rậm rạp thuộc làng Tân Lý Đông (quận Châu Thành) làm căn cứ cách mạng của tỉnh. Vùng này giáp ranh 3 làng: Long Định, Tam Hiệp, Tân Lý Đông, kế cận Đồng Tháp Mười rộng mênh mông, còn hoang hóa. Kênh rạch chằng chịt, Tỉnh ủy chia căn cứ này làm 3 khu, đặt cho mỗi khu 1 bí danh:

- Khu Mác-xây (tên một thành phố cảng miền Nam nước Pháp) làm nơi sản xuất vũ khí.

- Khu Paris (thủ đô nước Pháp) là nơi dự trữ lương thực, làm khẩu hiệu, in tài liệu, truyền đơn, may cờ.

- Khu Đà Lạt: là nơi đón tiếp cán bộ từ ngoài vào.

Các quận cũng chọn những nơi có cơ sở, phong trào mạnh để làm căn cứ.

Thực hiện quyết định của Tỉnh ủy, nhiều chi bộ đã tổ chức các đội cảm tử du kích. Hầu hết các làng của quận Châu Thành, Cai Lậy, Cái Bè, Chợ Gạo và An Hóa đều đã lập đội du kích, thậm chí có nơi lập được 1 đại đội như làng Thạnh Phú, đặc biệt làng Vĩnh Kim có 50 du kích. Trong các hãng xưởng của thành phố Mỹ Tho cũng lập đội tự vệ vũ trang để chuẩn bị khởi nghĩa.

Các đội du kích thường xuyên luyện tập vào ban đêm. Ở vùng sâu luyện tập cả ban ngày. Hàng chục lò võ được mở ra ở tất cả các quận để cho du kích, thanh niên đến luyện tập. Tỉnh mở lớp đào tạo cán bộ quân sự tại căn cứ, rồi tỏa về các quận, làng huấn luyện lại. Nội dung học tập quân sự gồm những động tác cơ bản, học bắn súng, học kỷ luật tạm thời của du kích, cách đánh du kích, công tác phá hoại. Gần ngày khởi nghĩa, Tỉnh ủy lập thêm các ban giúp cho Ban khởi nghĩa tỉnh như Ban tham mưu, Ban tác chiến, Ban binh vận, Ban hậu cần, cứu thương…

Trong công tác lãnh đạo, tất cả các quận, cơ sở đều quy về một mối do Tỉnh ủy và Ban khởi nghĩa chỉ huy. Riêng chi bộ làng Thanh Bình, Trung Hòa, Mỹ Tịnh An, Tân Bình Thạnh, Phú Kiết do sự khủng bố của địch đầu năm 1940 đã bị đứt liên lạc với Quận ủy Chợ Gạo, nên các đồng chí đã bắt liên lạc với Tỉnh ủy Tân An và được Tỉnh ủy Tân An cử người về tận nơi giúp đỡ (lúc này Mỹ Tho, Tân An cùng nằm trong Liên Tỉnh ủy Mỹ Tho). Nhìn chung công tác chuẩn bị rất sôi nổi, khẩn trương chỉ còn chờ đợi lệnh cuối cùng của Xứ ủy quyết định ngày giờ là quần chúng nổi dậy.

***

Mệnh lệnh của Xứ ủy gửi đến trạm giao liên Trung Lương của Ban khởi nghĩa tỉnh vào hồi 20 giờ ngày 22/11/1940. Mệnh lệnh ghi rõ: “0 giờ ngày 23/11 sẽ đồng loạt nổi dậy đánh chiếm các đồn, thị trấn, nhà việc, cắt đứt các đường giao thông, nhất là lộ 4 Đông Dương, chặn đường không cho địch kéo về ứng cứu Sài Gòn. Sau khi ta chiếm được Sài Gòn thì quân khởi nghĩa của Xứ ủy sẽ kéo về tỉnh phối hợp với lực lượng tại chỗ đánh chiếm tỉnh lỵ”. Lập tức bằng mọi phương tiện mệnh lệnh được chuyển đi các nơi.

Châu Thành là trọng điểm của cuộc khởi nghĩa nên hầu hết các đồng chí lãnh đạo chủ chốt tập trung chỉ huy việc nổi dậy tại đây. Gần nửa đêm 22/11, đồng chí Nguyễn Văn Tân, nhận được lệnh khởi nghĩa. Nhờ có tập dượt từ trước, đồng chí liền tập trung đội cảm tử và một số đồng chí trung kiên trang bị vũ khí thô sơ; vào 1 giờ sáng ngày 23/11, lực lượng khởi nghĩa đánh đồn Thạnh Phú, dưới sự chỉ huy của đồng chí Danh, ta chiếm đồn rất nhanh gọn. Lúc này chi bộ làng Tam Hiệp cũng điều du kích và quần chúng các làng Thân Cửu Nghĩa, Long An, Trung An kéo đến tập trung tại làng Nhơn Huề phối hợp với lực lượng của đồng chí Mười Thập mang theo cờ đỏ sao vàng, khẩu hiệu, vũ khí thô sơ từ rừng Ba U nổi trống mõ, pháo tre kéo ra đánh đồn Chợ Bưng.

Sau khi phá xong đồn Thạnh Phú, lực lượng kéo sang xóm Vựa phối hợp với lực lượng của đồng chí Bảy Ghè và các đồng chí chỉ huy các làng Nhị Bình, Long Định, Long Hưng để đi đánh cầu Long Định. Tại đây nghĩa quân đã chạm trán với chủ quận Cai Lậy Nguyễn Văn Tâm đang chỉ huy một đơn vị đi tuần bằng ô-tô. Ta đã kịch chiến 1 giờ với địch, kết quả ta thu hai súng lửa nhưng ta có 2 chiến sĩ hy sinh và 16 bị thương. Ở Bàn Long, Bình Trưng, Nhị Bình nghĩa quân chiếm phá nhà việc, đốt sổ sách, phá kho lúa của địa chủ Nguyễn Thành Long chia cho dân.

Trong khi quần chúng khắp nơi nổi dậy, trước trụ sở của Ban chỉ huy khởi nghĩa tỉnh ở đình Long Hưng, lá cờ đỏ sao vàng 5 cánh phấp phới tung bay cùng với một tấm băng có khẩu hiệu: “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa quốc”, tạo khí thế cách mạng rất uy nghi, phấn khởi, biểu hiện chủ quyền cách mạng của nhân dân.

Sáng 23/11, dưới sự lãnh đạo của các chi bộ Tân Lý Tây, Tân Hương, Tân Lý Đông, mấy trăm quần chúng được trang bị gươm, giáo, mác kéo đến tập trung ở gò Ông Lãnh, rối tiến thẳng đến nhà việc Tân Lý Tây. Khi nghĩa quân kéo ra tới Đường số 4 thì đồn Tân Hiệp đã được mật báo, chúng vội cho lính đến ứng cứu, nhưng vì thấy nghĩa quân quá đông nên chúng hoảng sợ bỏ chạy. Sau khi phá xong nhà việc Tân Lý Tây, nghĩa quân kéo về Tân Lý Đông, cửa ngõ căn cứ Ba U, hạ cây cản đường, tổ chức canh gác, tịch thu lúa của địa chủ Xập chia cho dân nghèo, thu súng của Hương cả Trưng ở làng Hòa Tịnh, giải tán tề các làng chung quanh vận động quần chúng ủng hộ nghĩa quân.

Đêm 22 và ngày 23/11 và những ngày tiếp sau thật sôi động, chính quyền cách mạng các làng Song Thuận, Bình Trưng, Kim Sơn đã treo cờ đỏ sao vàng trước trụ sở. Riêng trụ sở cách mạng làng Vĩnh Kim còn treo khẩu hiệu “Việt Nam dân chủ cộng hòa quốc”, một số nơi treo cờ búa liềm của Đảng. Cuộc nổi dậy ở các nơi do chi bộ Đảng lãnh đạo. Tuy nhiên trong cao trào cách mạng dâng lên, nhiều xã chưa có chi bộ Đảng như Tân Hội Đông, Phú Mỹ, Phú Phong, Bàn Long… hoặc như Tân Hòa Thành mới có nòng cốt chứ chưa có đảng viên quần chúng đã xuống đường thị uy, trương cờ, biểu ngữ, phá tề trấn áp bọn phản động giữ trật tự trị an trong làng xã.

Ở Cai Lậy, mệnh lệnh khởi nghĩa được chuyển tới Mỹ Hạnh Đông lúc 2 giờ khuya ngày 23/11 và chuyển gấp đến tất cả các nơi. 3 giờ sáng, đồng chí Lê Văn Thơ triệu tập Chi bộ Mỹ Hạnh Đông để nghe đồng chí Phan Văn Khỏe, Bí thư Tỉnh ủy truyền đạt mệnh lệnh khởi nghĩa và động viên các đồng chí quyết tâm thi hành nhiệm vụ. Ngay sau đó trống mõ khắp nơi nổi lên, khoảng 400 quần chúng tập hợp có du kích dẫn đầu tiến thẳng tới nhà việc Mỹ Hạnh Đông, đốt hết sổ sách, trương cờ khẩu hiệu… Quần chúng kéo tới mỗi lúc một đông, khí thế đang lên như nước tràn bờ, 4 tên tề có tội là Hương thôn Vẹn, chủ Thơ, chủ Nuôi, hào Vương bị bắt, nhân dân quyết định tử hình tên Nuôi vì hắn có nhiều nợ máu với nhân dân, các tên khác sau khi giáo dục ta đã tha về. Cùng lúc đó ở Mỹ Phước Tây, Mỹ Hạnh Trung quần chúng nổi dậy phá nhà việc đốt sổ sách, sau đó nhập với đoàn biểu tình của xã Mỹ Hạnh Đông rầm rập kéo về phía quận lỵ.

Lúc 22 giờ ngày 23, nghĩa quân chiếm nhà việc Hưng Long, rồi chiếm chợ Ba Dừa. Chợ Hưng Long trở thành chỉ huy sở của Ban khởi nghĩa. Lúc này quần chúng làng Cẩm Sơn tập hợp hàng ngũ chỉnh tề vừa đi vừa hô vang khẩu hiệu: Đánh đổ thực dân Pháp, phát xít Nhật, giành chính quyền về tay nhân dân - Đảng Cộng sản Việt Nam muôn năm! Lúc 23 giờ chi bộ làng Long Tiên lãnh đạo quần chúng nổi dậy phá nhà việc, đốt hết sổ sách, mít tinh biểu tình thị uy.Tại Nhị Quý, Phú Quý, Mỹ Long, Tân Hội nổi trống mõ chiếm nhà việc, đốt hết sổ sách, sáng 24 mittinh trước nhà việc có treo cờ, khẩu hiệu.

Theo lệnh của Quận ủy Cai Lậy, khoảng 200 nghĩa quân của làng Tân Phú tập hợp tại nhà việc để kéo đi chiếm dinh quận. Trên đường ra lộ Đông Dương, nghĩa quân Tân Phú phối hợp với nghĩa quân Điềm Hy đốt đồn cảnh sát, khi nghĩa quân tới ngã ba Nhị Quý thì gặp lính của Quận Tâm đi bằng xe hơi tới, chúng nổ súng, nghĩa quân phải tản ra rút về Tân Hội.

Ở Cái Bè, các đồng chí chọn vùng Hậu Mỹ -Phụng Thớt làm điểm khởi nghĩa vì ở đây có 2 chi bộ mạnh lãnh đạo và vùng này giáp ranh Đồng Tháp Mười, nếu gặp khó khăn có thể rút vào Đồng Tháp Mười bảo toàn lực lượng.

Khi nhận được lệnh khởi nghĩa, các Chi bộ Hậu Mỹ, Phụng Thớt đã huy động quần chúng có trang bị vũ khí thô sơ, mang cờ, khẩu hiệu chia làm 3 hướng rầm rập tiến về chợ Cậu 17 (nay là chợ Hậu Mỹ Bắc A). Khí thế của quần chúng rất cao, bọn tế ấp, làng, địa chủ hoảng sợ bỏ trốn. Tại chợ Cậu 17, quần chúng nghe đọc hiệu triệu nổi dậy khởi nghĩa rồi chuyển thành cuộc biểu tình thị uy rầm rập kéo đi phá nhà việc tại Cà Dâm. Quần chúng các làng Hội Cư, Mỹ Thiện, Mỹ Đức Tây, Mỹ Lợi đều có người tham gia vào đoàn biểu tình, đi phá kho lúa của Đốc phủ Mầu, Hội đồng Bền, Hương sư Chỉnh, cả Kiệt, huyện Thạnh…

Sáng 24/11, dưới sự chỉ huy của đảng viên, quần chúng biểu tình tuần hành dọc theo kênh Bằng Lăng, kênh Tổng đốc Lộc (nay là kênh Nguyễn Văn Tiếp), kênh Hầm Dồ, kênh phủ Huyện, từ Thiên Hộ đi lên ngã Sáu. Tên Bửu, chủ quận chỉ huy một đơn vị lính dùng ghe máy chạy theo Kênh 28 hạ lệnh cho lính bắn vào đoàn biểu tình làm cho 3 người chết. Nhưng xuồng của quần chúng vẫn kéo ra bao vây ghe máy của lính, trước khí thế của quần chúng, tên Bửu vội cho lính rút lui.

Tại quận Chợ Gạo, sau khi nhận được lệnh khởi nghĩa, đồng chí Sáu Hòa, Bí thư Quận ủy liền chỉ đạo Ban khởi nghĩa quận sáng ngày 23/11 huy động quần chúng các làng Quơn Long, An Thạnh Thủy, Bình Phan, Bình Ninh, Bình Phục Nhứt đi biểu tình thị uy, đánh trống mõ, rải truyền đơn gây không khí sôi sục cách mạng. Cũng trong ngày, Ban khởi nghĩa tổng Thanh Quơn huy động quần chúng các làng Thanh Bình, Trung Hòa, Mỹ Tịnh An, Tân Bình Thạnh, Phú Kiết biểu tình thị uy, phá nhà việc đốt hết hồ sơ, sổ sách, rồi kéo ra phá cầu Tịnh Hà, truy lùng bọn tề có tội ác, chúng hoảng sợ bỏ chạy, nghĩa quân bắt được một số đưa ra giáo dục rồi tha cho về, số này hứa không dám chống lại cách mạng. Ngay tối hôm đó, trên 1200 quần chúng 5 làng biểu tình thị uy kéo tới Miếu Điền thuộc xã Mỹ Tịnh An dự mít tinh. Tiếng trống mõ, tù và, pháo tre và tiếng hò reo nổi lên liên hồi. Đuốc đốt sáng một góc trời.

Ở Gò Công, quần chúng ấp Đồng Ninh B (Đồng Sơn) nổi dậy giành chính quyền cùng với làng Quơn Long (quận Chợ Gạo) còn các làng khác như: Bình Phú Tây, Vĩnh Thạnh, Long Chánh… quần chúng đi cắt dây điện từ Ngã ba Bình Công đến Ngã ba Vĩnh Trị, rải truyền đơn tại các làng Tân Hòa, Tân Thành, Tân Niên Tây trước dinh Chủ tỉnh Gò Công.

Tại quận An Hóa, ta chưa lập được Quận ủy, chỉ có sự hướng dẫn của một số đồng chí ở các làng Lộc Thuận, Phú Vang, Vang Quới quần chúng đã may sẵn 8 lá cờ đỏ sao vàng, in nhiều truyền đơn, khẩu hiệu, lập được 2 đội tự vệ, sắm vũ khí… nhưng lúc các nơi nổ ra khởi nghĩa do nơi đây không nhận được lệnh nên không tổ chức nổi dậy.

Vào lúc nhân dân nổi dậy, tại Mỹ Tho địch có 2 đại đội lính tập, một số lính mã tà, cảnh sát. Sau đó chúng được tăng cường thêm mấy trung đội lính lê dương, 3 tàu hải quân. Tuy địch cố gắng tìm mọi cách ngăn chặn, đối phó nhưng vì cao trào đang lên mạnh và rộng nên địch không đủ sức dập tắt ngay cuộc khởi nghĩa.

Vì vậy trong 8 ngày đầu tiên, dưới sự lãnh đạo của đồng chí Phan Văn Khỏe, Bí thư Tỉnh ủy - Trưởng Ban khởi nghĩa tỉnh, nghĩa quân tỉnh, quận, cùng 75 làng đã nổi dậy đánh và đốt hàng loạt đồn của địch, diệt 1 đội xếp, 2 lính mã tà, 1 cảnh sát, 8 tề và làm bị thương 11 tên khác, thu 37 súng các loại, chưa kể số súng do ta vận động thu được, đánh và phá sập hàng loạt cầu, hầu như tất cả các cầu trên trục lộ đều bị phá hủy; đào hàng trăm cây số đường bộ, tháo dỡ một đoạn đường sắt Sài Gòn - Mỹ Tho, hạ hàng trăm cột bê-tông, làm hỏng hoàn toàn 4 đường điện thoại, hệ thống thông tin liên lạc của địch bị tê liệt hoàn toàn, đốn cây làm hàng rào cản kênh, cản sông và đường bộ không cho tàu và xe địch lưu thông.

Quần chúng đã thành lập chính quyền cách mạng ở tỉnh và nhiều làng trương cờ đỏ sao vàng, cờ Đảng búa liềm và khẩu hiệu trước trụ sở, thực hiện việc trấn áp bọn phản cách mạng. Hội đồng tòa án tỉnh cũng được thành lập, gồm các đồng chí: Nguyễn Văn Ghè, Đặng Văn Hiệp, Nguyễn Văn Thường, Nguyễn Thị Thập… đặt trụ sở tại đình Long Hưng và lưu động ở một số làng. Trong suốt thời gian tồn tại, Tòa đã đưa Hương quản Sâm ra xử cảnh cáo, nhưng lúc tan ra về y bị nhân dân giết. Hầu hết các trường hợp khác tòa đều giáo dục khoan hồng nhằm làm cho họ ăn năn hối cải là chính. Riêng phiên tòa tại làng Bình Trưng, có Bí thư Chi bộ Vĩnh Kim xử, nhân dân đã biểu quyết tử hình tên Cai Vi.

Nhận thấy Mỹ Tho trong tình thế nguy ngập, ngày 30/11 tên Thống đốc Nam kỳ thay tên Chủ tỉnh Mỹ Tho Gô-chi-ê (Gauthier) bằng tên Đuy-phua (Dufour- sĩ quan tình báo) và hôm sau 1/12, chúng ra lệnh tiểu đoàn 3 thuộc trung đoàn Lê Dương thứ 5 cùng với 2 đại đội mật thám và bọn mã tà sẵn có ở Mỹ Tho với hơn 1.000 tên được trang bị hiện đại, mở cuộc hành quân càn quét chống lại cuộc khởi nghĩa. Chúng đã tiến hành càn đi quét lại, khủng bố nhân dân khắp nơi hết sức dã man. Chúng đã triệt hạ cả một vùng cù lao Ngũ Hiệp và ném bom ở chợ Giữa (Vĩnh Kim) lúc đang họp chợ; ở Tân Hương, lính lê dương bắt được hai vợ chồng, chúng hiếp người vợ trước mặt chồng. Có người mới sinh con chỉ vài ngày đã bị chúng hiếp cho đến chết. Có nơi địch bắt người rồi cho lính về đốt nhà của người bị bắt.

Ngày 04/01/1941, được 1 tên phản bội chỉ điểm, địch tập trung bao vây lực lượng của ta ở vùng đồng Cây me, gần gò Trâm bầu. Biết khó có thể chống lại quân địch, các đồng chí lãnh đạo chủ trương cho anh em du kích phân tán rút ra khỏi vòng dây, chỉ còn lại các đồng chí: Lê Văn Giác, Bí thư chi bộ Long Hưng, Nguyễn Văn Ghè, Tỉnh ủy viên; Lê Văn Quới, Quận ủy viên Châu Thành và đồng chí Nguyễn Văn Quân, cán bộ Quận ủy Châu Thành phụ trách Chi bộ làng Bình Trưng ở lại.

Vòng vây của địch siết chặt, 4 đồng chí rút lên Gò Cây me chiến đấu đến viên đạn cuối cùng. Chỉ còn lại cây gươm. Các đồng chí thề không để giặc bắt. Đồng chí Quới lần lượt cắt cổ 3 đồng chí mình rồi tự sát, đồng chí Quới chết tại chỗ, còn 3 đồng chí Giác, Ghè, Quân hấp hối, thực dân Pháp bắt 3 đồng chí đưa ra tòa án binh kết án tử hình đồng chí Giác và đồng chí Ghè. Còn đồng chí Huân địch kết án chung thân khổ sai và đày đi Côn Đảo.

Ngay trong lúc địch càn quét nhiều tấm gương chiến đấu anh dũng đã xuất hiện như: Em Trọng ở Vĩnh Kim mới 15 tuổi đã dũng cảm hy sinh không khai báo một lời trước sự tra tấn dã man của địch, đồng chí Huỳnh Văn Hành, Bí thư Chi bộ làng Long Định trước khi chết còn lừa địch để tiêu diệt; đồng chí Ba Cò bị địch vây quét, leo lên ngọn dừa trốn tránh, biết không thể thoát, đồng chí bình tĩnh giải thích, tuyên truyền cho binh lính địch và sau đó đồng chí đã anh dũng hy sinh. Nhiều quần chúng trung kiên cũng tỏ rõ tinh thần kiên cường bất khuất như chị Thanh bị địch tra tấn dã man nhưng vẫn không khai người cán bộ chị đang dấu trong hầm bí mật và hàng trăm, hàng ngàn đồng bào, đồng chí khác đã kiên cường giữ khí tiết cách mạng trong nhà tù, trong xà lim, án chém. Và như chị Thẩm, một quần chúng nghèo, khi cuộc khởi nghĩa thất bại được giao giữ nửa cán dù chứa vàng, chị đã tìm cách giữ gìn nguyên vẹn, đến Cách mạng Tháng Tám thành công đem nộp lại cho UBND cách mạng.

Năm tháng sẽ qua đi, nhưng khí thế hào hùng, tinh thần chiến đấu oanh liệt và ý chí quật cường của đồng bào và chiến sĩ trong Khởi nghĩa Nam kỳ mãi mãi vang vọng trong lòng mỗi người chúng ta. Kỷ niệm Nam kỳ khởi nghĩa, chúng ta vô cùng tự hào về khí phách anh hùng của cha anh mình, càng trân trọng vô cùng thành quả cách mạng hôm nay, thành quả được đổi bằng biết bao xương máu của các thế hệ cha anh, chúng ta quyết tâm củng cố và phát huy truyền thống cách mạng đó, ra sức thi đua lao động sản xuất, học tập, công tác, giữ vững ổn định chính trị, đẩy mạnh công cuộc đổi mới vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.