Hát xoan Phú Thọ trở thành di sản thế giới
Trưa 24-11, từ Bali (Indonesia), tiến sĩ Lê Thị Minh Lý (phó cục trưởng Cục Di sản văn hóa) cho biết UNESCO chính thức công bố đã ghi danh hát xoan của Việt Nam vào di sản văn hóa phi vật thể nhân loại cần được bảo vệ khẩn cấp.
Thiếu niên phường xoan Phù Đức (Phú Thọ) trình diễn tại lễ hội đền Hùng năm 2010 - Ảnh: Quốc Hội |
“Theo báo cáo của ban thẩm định hồ sơ thông báo tại Hội nghị Ủy ban liên chính phủ họp tại Bali (từ ngày 21 đến 29-11-2011), hồ sơ hát xoan là hồ sơ duy nhất được sự đồng thuận hoàn toàn của ban thẩm định và đánh giá là hồ sơ làm tốt nhất trên tổng số 33 hồ sơ khẩn cấp được đệ trình lần này. Tổng số di sản được bảo vệ khẩn cấp được ghi nhận sáng 24-11 là 10 di sản của chín quốc gia (Việt Nam, Indonesia, Iran, Trung Quốc, Brazil, Mali, Mauritus, Mông Cổ, UAE” - bà Lý thông báo.
Từ Indonesia, tiến sĩ Lê Văn Toàn (Viện Âm nhạc) cho biết hồ sơ khoa học về di sản hát xoan đã được hội đồng UNESCO đánh giá rất cao, đáp ứng đầy đủ tiêu chí và đã được coi là một trong số những hồ sơ mẫu. Hội đồng UNESCO đánh giá hát xoan là loại hình nghệ thuật truyền thống độc đáo bởi tính cổ xưa, chứa đựng nhiều giá trị văn hóa và được cộng đồng gìn giữ qua nhiều thế kỷ.
Hát xoan (điệu hát mùa xuân) là loại hình nghệ thuật dân gian có từ rất lâu đời ở Phú Thọ. Hiện ở Phú Thọ có bốn phường xoan, trong đó có ba phường xoan cổ và phường An Thái mới thành lập. Thống kê của Sở Văn hóa - thể thao và du lịch Phú Thọ cho thấy hiện còn 69 nghệ nhân hát xoan (từ 60 tuổi trở lên), 49 người (từ 60 tuổi trở lên) biết hát xoan, 81 người tham gia các phường xoan, trong đó chỉ có tám nghệ nhân còn khả năng trình diễn và truyền dạy. Hồ sơ hát xoan ở Phú Thọ được hoàn thành vào tháng 3-2010, đến tháng 8-2011 nhận được ý kiến đánh giá của các chuyên gia quốc tế kèm khuyến nghị UNESCO ghi nhận đề cử của Việt Nam.
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.