Công bố bảo vật quốc gia
Trong tháng 12 này, lần đầu tiên Việt Nam chính thức công bố danh sách các “bảo vật quốc gia” vừa được một hội đồng khoa học chọn lọc ra từ hàng trăm đề cử.
TS Nguyễn Thế Hùng, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ VH-TT-DL), xác nhận: “Chúng tôi dự kiến cuối năm nay sẽ công bố danh sách các hiện vật được công nhận bảo vật quốc gia đợt đầu tiên”. Tuy Hội đồng Giám định cổ vật (Bộ VH-TT-DL) đã họp và có kết quả xem xét các hiện vật đề nghị công nhận bảo vật quốc gia từ tháng 8 vừa qua, song những bước thủ tục cuối cùng vẫn đang được thực hiện.
Sau khi Thông tư số 13/2010/TT-BVHTTDL quy định trình tự, thủ tục đề nghị công nhận bảo vật quốc gia được ban hành, Cục Di sản văn hóa đã có công văn đề nghị các đơn vị gửi hồ sơ hiện vật đã được Hội đồng thẩm định. Số đơn vị gửi đăng ký bảo vật quốc gia gồm 21 đơn vị. Trong số này có 4 bảo tàng thuộc Bộ, 6 đơn vị thuộc TP.HCM, 2 bảo tàng miền Trung, 4 bảo tàng miền Tây và miền Đông Nam bộ cùng 5 bảo tàng thuộc lực lượng vũ trang. Có 185 hiện vật gửi về đăng ký công nhận, gồm 10 hiện vật về Chủ tịch Hồ Chí Minh, 14 hiện vật dân tộc học, 142 cổ vật và 19 hiện vật thời hiện đại.
|
Nhưng hồ sơ của đợt đăng ký công nhận này thiếu vắng những hiện vật của các bộ sưu tập tư nhân.
TS Bùi Minh Trí, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh thành Thăng Long, cho biết: “Các bảo tàng nhà nước giữ rất nhiều hiện vật gốm sứ đẹp nhưng không thể nói trong các bộ sưu tập tư nhân không có những hiện vật đẹp tương đương, thậm chí đẹp hơn”. Là một người nghiên cứu gốm sứ, TS Trí chỉ đưa ra nhận định về mảng đề tài mình nghiên cứu, song nhận định này cũng có thể đúng với cả những loại hiện vật khác. Chính vì thế, việc đưa ra một bức tranh kiểm kê toàn cảnh về bảo vật quốc gia vẫn chưa thực hiện được sau đợt công nhận đầu tiên này.
Nhìn lại danh sách dự kiến của các hiện vật sắp được công nhận bảo vật quốc gia, không khỏi không yên tâm khi thấy các hiện vật dân tộc học xuất hiện chưa nhiều. Bản thân Dân tộc học - đơn vị đang đi đầu trong công tác sưu tập, bảo quản hiện vật dân tộc học lại không gửi hồ sơ tham gia đợt công nhận này. Trong khi đất nước ta có rất nhiều dân tộc cùng sinh sống, việc thiếu vắng hiện vật có thể đạt “bảo vật quốc gia” thuộc mảng này liệu có cho thấy sự mất mát, mai một của văn hóa các tộc người hay không?
Danh sách hiện vật cũng cho thấy mối quan hệ chưa thật “êm” giữa các bảo tàng trung ương và địa phương. Chẳng hạn, do lịch sử để lại, toàn bộ các ấn vàng của triều đình Huế đã được chuyển về Bảo tàng Lịch sử Việt Nam. Điều này dẫn tới việc Bảo tàng Cung đình Huế đã không thể có được dù chỉ một quả ấn để trưng bày. Nếu có một cơ chế phối hợp nhất định, việc chia sẻ hoặc cho mượn hiện vật có thể giúp khách tham quan Huế đỡ thiệt thòi. Chưa kể, đó cũng là một cách quảng bá về tài năng làm đồ vàng, ngọc của nghệ nhân Việt Nam.
Bản thân các bảo tàng địa phương đợt này cũng không có nhiều hiện vật “đậu”. Nếu như có bảo tàng lớn “thi đậu” tới 100% thì cũng có những bảo tàng địa phương trượt cũng với tỷ lệ đó. Liệu nó có chứng tỏ năng lực tự thân còn yếu ớt của họ hay không? Điều này cũng đặt ra câu hỏi về sự luân phiên, chia sẻ hiện vật trong lòng “liên minh” bảo tàng.
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.