Khúc ca Tả Giàng Phình
Gặp ở bản Sín Chải, Sa Pa (Lào Cai), nả (mẹ) Thào Thị Vĩ cười rạng rỡ, nét chân chim hằn sâu nơi đuôi mắt.
Từng chứng kiến bao đổi thay, thăng trầm của vùng đất này, mẹ bảo: “Tả Giàng Phình là nơi Giàng(trời)ban tặng cho người Mông mình đấy, khắp Sa Pa không nơi nào có được. Mình yêu quý mảnh đất này như tiếng khèn của người Mông không bao giờ tắt”.
Múa ô trong ngày hội gầu tào của người Mông ở Tả Giàng Phình (Sa Pa, Lào Cai).
Bản mới nơi núi cao sương trắng Theo “cung đường mùa đông” vắt ngang sườn non xanh, mát rười rượi ngay giữa trưa hè nắng gắt, chúng tôi từ thị trấn Sa Pa vượt qua Thác Lạnh, dốc Ngũ Chỉ Sơn đến bản Sín Chải, xã Tả Giàng Phình (Sa Pa). Ở đây, bốn mùa sương trắng, gió lạnh thổi ù ù; bởi thế chỉ cách “thiên đường du lịch Sa Pa” chừng 40 km thôi, nhưng Tả Giàng Phình như một cõi riêng hư ảo và huyền bí. Dãy Ngũ Chỉ Sơn như năm ngón tay xòe thẳng lên trời, bốn mùa mây trắng vờn quanh, phía dưới, ruộng bậc thang như vành khăn vàng quấn quanh những ngôi nhà gỗ người Mông chênh vênh ngang lưng núi, miên man những vạt lanh xanh thẫm để bàn tay sơn nữ dệt nên thổ cẩm rực rỡ sắc mầu… “Bản Sín Chải mùa nào cũng đẹp, càng đẹp hơn từ khi có đường ô-tô trải nhựa từ huyện vào xã; có đường bê-tông, con gái đi không phải cuốn cao váy vì sợ bẩn bùn lầy. Năm ngoái có thêm hệ thống loa truyền thanh không dây, được nghe và hát những bài dân ca của tổ tiên truyền lại, thích lắm!”, nả Thào Thị Vĩ rưng rưng nói.
Nhà nả Vĩ ở giữa bản, đường bê-tông mới hoàn thành, sáng ánh trong nắng trưa, nối liền những ngôi nhà sàn dọc ngang như bàn cờ.
Người Mông có tập quán làm nhà chon von trên núi cao, cách xa nhau, nhưng ở Sín Chải, đồng bào quần tụ dưới thung lũng, dọc hai bên suối trong veo, bắt nguồn từ chân núi Ngũ Chỉ Sơn vòi vọi. Sín Chải có hơn 100 nóc nhà thì có từng ấy cái chuồng nhốt trâu, ngựa, lợn cách xa nhà, bảo đảm vệ sinh; có nguồn nước sạch. “Có được thành quả này là nhờ chính quyền và các hội, đoàn thể Hội Phụ nữ, Nông dân, Đoàn thanh niên… quyết liệt vào cuộc tuyên truyền vận động người dân bỏ hủ tục nuôi nhốt gia súc dưới sàn nhà, sử dụng nước hợp vệ sinh. Lúc đầu cũng khó, nhưng rồi mọi người hiểu ra, cùng giúp nhau sửa nhà, làm chuồng trại, bản làng phong quang, sạch đẹp hẳn lên” – Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Sùng Thị Chư bộc bạch.
Hôm chúng tôi đến Sín Chải, đúng vào ngày đồng bào Mông tụ họp tại nhà văn hóa bàn chuyện lập tổ liên gia, góp công giúp các hộ nghèo làm nhà vệ sinh. Mấy năm trước, ở Sín Chải xảy ra dịch tả, do tập tục lạc hậu, mất vệ sinh khiến nguồn nước bị nhiễm bẩn. Để giải quyết tận gốc dịch bệnh, huyện hỗ trợ vật liệu, còn bà con liên kết giúp nhau làm nhà vệ sinh tiêu chuẩn, rồi xây bể nước sạch đến từng cụm dân cư dùng chung, nhờ vậy đã ngăn ngừa dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe cho đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng tốt hơn… Nhờ Chương trình 135 của Đảng và Nhà nước, Sín Chải hôm nay không còn hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo thấp, nhiều hộ giàu nhờ thâm canh lúa, ngô giống lai; chăn nuôi gia súc; dệt thổ cẩm bán cho khách du lịch…
Thung lũng những người Mông trăm tuổi Câu chuyện bên mâm cơm tại nhà người cao tuổi nhất ở Tả Giàng Phình, pù (cụ) Sùng Thị Khu năm nay đã 113 tuổi thật vui. Tuy đôi mắt không còn tinh tường, nhưng dáng ngồi vẫn thẳng, tai nghe vẫn thính và giọng nói sang sảng của pù Khu làm chúng tôi sửng sốt. Pù Khu kể, cả đời chỉ đau ốm lặt vặt một đôi lần những khi sinh nở (Pù có tới 14 người con). Khi đó, pù dùng thuốc nam lấy ở núi Ngũ Chỉ Sơn, chỉ vài ấm sắc lên uống là khỏi. Người con cả của pù Khu, ông Thào A Di, 94 tuổi, ngồi bên cạnh, gắp thức ăn vào bát cho mẹ, giọng trầm ấm: “Chính là hạt gạo trên ruộng bậc thang, ngọn rau trong vườn nhà và dòng nước từ lòng núi Ngũ Chỉ Sơn chảy ra tinh khiết đã cho mẹ tôi và nhiều người ở đây cuộc sống trường thọ”. Để minh chứng, nả Thào Thị Vĩ, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Tả Giàng Phình, mở túi, lấy ra cuốn sổ ghi rõ những vị cao niên hiện còn sống: Hảng Thị Say, 102 tuổi; Lý Thị Say, 100 tuổi; Sùng Thị Xua, 98 tuổi; Thào Thị Máy, 98 tuổi… Cả xã có bảy thôn, thì có hai thôn Sín Chải và Suối Thầu 1 (đều nằm dọc theo con suối lạnh chảy ra từ dãy núi Ngũ Chỉ Sơn) có nhiều người trường thọ, chủ yếu là phụ nữ Mông.
Theo thống kê của Hội Người cao tuổi xã Tả Giàng Phình, số người từ 80 tuổi trở lên là 117 người, trong đó gần 30 người từ 90 đến hơn 100 tuổi. Ngoài chế độ ưu đãi của Nhà nước, hằng năm, UBND xã và Hội Người cao tuổi địa phương đều tổ chức thăm hỏi, động viên, tặng quà người cao tuổi ở xã. Theo bà Vĩ, từ lâu ở đây đã có nhiều người sống thọ trăm tuổi. Nguyên nhân có thể do gen di truyền, do khí hậu trong lành, nguồn nước tinh khiết, đồ ăn thức uống không bị nhiễm hóa chất, con người hòa quyện với thiên nhiên… “Người cao tuổi là tài sản quý của địa phương trong việc truyền thụ và bảo tồn tri thức bản địa, cũng như bản sắc văn hóa dân tộc cho lớp con, cháu. Họ còn là “sức hút” đặc biệt đối với du khách trong và ngoài nước, tạo động lực để “biến di sản thành tài sản”, thúc đẩy phát triển du lịch ở địa phương”, Chủ tịch UBND xã Thào A Lờ bảo vậy khi nâng chén rượu cất từ mầm thóc của nhà pù Khu.
Để di sản thành tài sản Trên đường lên khám phá danh thắng Ngũ Chỉ Sơn, chúng tôi gặp đoàn khách Nhật Bản, Ô-xtrây-li-a đang say sưa chụp ảnh. Ngũ Chỉ Sơn được coi là dãy núi đẹp nhất vùng Tây Bắc, bao gồm năm ngọn núi chính, chạy theo hướng tây bắc -đông nam. Với độ cao hơn 3.000m, Ngũ Chỉ Sơn xếp thứ nhì về độ cao, chỉ đứng sau đỉnh Phan Xi Păng.
Bao chàng trai đã vượt dốc Cổng Trời, lên đỉnh núi trước mặt, tới đỉnh núi sau lưng, chỏm núi bên trái, bên phải nhưng đỉnh Ngũ Chỉ Sơn thì chưa ai dám thử sức, vì thế nó có sức hút mãnh liệt với du khách gần xa đến khám phá, chinh phục. Chủ tịch xã Thào A Lờ cho biết: “Đường nhựa đã thông, năm ngoái, tỉnh Lào Cai công bố mở thêm tuyến du lịch Sa Pa – Bản Khoang – Tả Giàng Phình – Bản Xèo, mở hướng cho Tả Giàng Phình phát triển du lịch, nhằm vào loại hình leo núi, khám phá bản sắc văn hóa, trải nghiệm cuộc sống của đồng bào dân tộc Mông”.
Để “chớp thời cơ vàng”, cấp ủy và chính quyền xã Tả Giàng Phình đã tập trung mạnh vào việc bảo tồn và phát huy vốn văn hóa truyền thống, tri thức bản địa, gắn với gìn giữ, bảo vệ thiên nhiên, môi trường.
Đến nay, Tả Giàng Phình là một trong số ít địa phương của huyện Sa Pa bảo tồn tốt nhất bản sắc văn hóa Mông; thôn, bản nào cũng có đội văn nghệ truyền thống để thi tài vào dịp tổ chức hội gầu tào đầu xuân.
Đến bản Suối Thầu 1, chúng tôi được chứng kiến hoạt động của Câu lạc bộ làm lanh với hơn 80 thành viên là các bà, các mẹ và chị em phụ nữ. Tại nhà văn hóa, họ trao đổi, dạy nhau cách trồng lanh, dệt thổ cẩm, in sáp ong lên vải…
theo đúng cách của tổ tiên truyền lại. Thổ cẩm của Tả Giàng Phình luôn được du khách ưa chuộng, tìm mua, người dân có thu nhập cải thiện đời sống. Nhưng Tả Giàng Phình còn “núi năm ngón tay” huyền bí, còn ruộng bậc thang đẹp mê hồn, còn “thung lũng những người Mông trăm tuổi”, còn những nếp nhà truyền thống với đầy đủ vật dụng người Mông như: lù cở – gùi kiểu sọt đan bằng sợi giang, cang chủa- cái gùi đóng bằng gỗ hình chữ nhật, vang- mẹt sảy lúa, chu máo – chõ đồ mèn mén, thống chu đề- thùng đựng nước đóng bằng gỗ pơ-mu hoặc gỗ thông đỏ…, đang là những “di sản” rất quý. Vấn đề đặt ra làm thế nào để biến “di sản” thành tài sản, nghĩa là phát triển du lịch, tạo nguồn thu nhập, nâng cao đời sống cho đồng bào bản địa.
Thiết nghĩ, trong tương lai Tả Giàng Phình phải có nhà nghỉ kiểu người Mông, sinh hoạt kiểu người Mông; là nơi bảo tồn, giới thiệu các giá trị văn hóa bản sắc truyền thống của người Mông, là nơi thu hút học sinh, sinh viên, các nhà khoa học, các nhà dân tộc học, du khách bốn phương đến tham quan, nghiên cứu, học tập, nghỉ ngơi; nơi bán các sản phẩm du lịch do bàn tay lao động sáng tạo của người Mông làm ra. Tả Giàng Phình phải trở thành miền du lịch thiên nhiên -nông nghiệp – nông thôn Mông thật độc đáo và hấp dẫn, góp phần giúp người dân nơi đây vượt lên nghèo khó.
Nguồn Nhân dân
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.