Châu Âu chia rẽ vì sửa đổi hiệp ước

     Kế hoạch của Pháp và Đức nhằm cứu đồng tiền chung euro thông qua sửa đổi Hiệp ước Liên minh Châu Âu (EU) đang vấp phải cản trở lớn từ Anh, trong lúc chia rẽ tiếp tục gia tăng giữa khu vực 17 quốc gia sử dụng đồng euro và 10 quốc gia EU bên ngoài.

d

Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đang thúc đẩy kế hoạch sửa đổi Hiệp ước EU vào trước tháng 3 năm sau, nhằm siết chặt kiểm soát chi tiêu ngân sách của tất cả các quốc gia sử dụng đồng euro.

Pháp và Đức tuyên bố sẵn sàng tiến đến một hiệp ước mới chỉ bao gồm 17 nước thuộc khu vực đồng tiền chung và bất kỳ quốc gia nào khác muốn tham gia, trong trường hợp tất cả 27 nước thành viên EU không đồng thuận.

Vào ngày 8.12 và 9.12, Hội nghị thượng đỉnh EU tối quan trọng sẽ nhóm họp ở Brussels (Bỉ) để xem xét kế hoạch trên. Theo BBC, một chiến tuyến chính trị đang được lập ra trước Hội nghị thượng đỉnh EU và nhiều dấu hiệu cho thấy đây sẽ là một hội nghị thượng đỉnh rất khó khăn. Anh - nước không nằm trong khu vực này - đe doạ sẽ không ký vào hiệp ước sửa đổi, do lo ngại nó sẽ thúc đẩy sự chuyển giao quyền lực lớn hơn từ London sang Brussels và ngăn chặn sự ảnh hưởng của Anh lên EU.

Những cải tổ mà Đức và Pháp đang hậu thuẫn sẽ phải mất hàng tháng - nếu không nói là nhiều năm - để thực hiện. Song, các nhà lãnh đạo Châu Âu hy vọng nó sẽ đủ gây ấn tượng để Ngân hàng Trung ương Châu Âu hoặc Quỹ Tiền tệ quốc tế tham gia giải cứu tài chính.

Mỹ đã bày tỏ sự ủng hộ đối với động thái trên của Pháp và Đức, song Bộ trưởng Tài chính Timothy Geithner (đang ở thăm Châu Âu) cho biết, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ không có kế hoạch bơm tiền cho Quỹ Tiền tệ quốc tế để tăng cường khả năng cứu trợ khu vực đồng euro.

Đề xuất sửa đổi Hiệp ước EU bao gồm áp dụng mức phạt tự động đối với bất cứ chính phủ nào để thâm hụt vượt mức 3% GDP; yêu cầu các nước cam kết cân bằng ngân sách; cam kết bất cứ gói giải cứu tương lai nào cũng không yêu cầu các nhà đầu tư trái phiếu tư nhân phải “ôm” một phần chi phí như trường hợp của Hy Lạp; cam kết không chỉ trích ECB.