Đoàn kết quốc tế luôn cháy bỏng trong trái tim Hồ Chí Minh

45 năm trôi qua kể từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩnh biệt chúng ta trở về với thế giới “người hiền”, những căn dặn của Người trong Di chúc về đoàn kết quốc tế mãi mãi tỏa sáng, đồng hành cùng dân tộc và thời đại.

 

 Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đại hội toàn quốc Đảng Xã hội Pháp ở thành phố Tua
(nước Pháp), tháng 12/1920 (Ảnh tư liệu).


Trước lúc đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành những lời căn dặn về phong trào Cộng sản thế giới. Người viết: “Về phong trào Cộng sản thế giới – là một người suốt đời phục vụ cách mạng, tôi càng tự hào với sự lớn mạnh của phong trào Cộng sản và công nhân quốc tế bao nhiêu, thì tôi càng đau lòng bấy nhiêu vì sự bất hoà hiện nay giữa các đảng anh em!”.

 

Những lời di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tình đoàn kết quốc tế bắt nguồn từ tình yêu thương đối với con người, với nhân loại và đoàn kết toàn nhân loại vì mục tiêu giải phóng các dân tộc bị áp bức, giải phóng giai cấp, giải phóng con người. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Người luôn đặt cách mạng Việt Nam trong mối quan hệ khăng khít với phong trào cách mạng thế giới.

Cụ thể, tại Đại hội lần thứ XVIII Đảng Xã hội Pháp ở Tua, diễn ra vào tháng 12/1920, Người đã bỏ phiếu tán thành gia nhập Quốc tế Cộng sản, trở thành một thành viên sáng lập Đảng Cộng sản Pháp. Từ đây, Người đã đặt nền móng cho tình đoàn kết chiến đấu giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp, tạo sự gắn bó chặt chẽ hơn giữa phong trào cách mạng Việt Nam với phong trào cách mạng thế giới.

Đối với phong trào Cộng sản và công nhân quốc tế, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất chú trọng đến đoàn kết giữa các đảng cộng sản anh em trên toàn thế giới. Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức chăm lo xây dựng, giữ gìn và phát triển tình đoàn kết gắn bó giữa Việt Nam với Trung Quốc, Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa anh em khác; với nhân dân và các dân tộc Á, Phi, Mỹ La-tinh…

Tại các diễn đàn quốc tế, Người đã có cảnh báo về sự bất đồng, chia rẽ trong phong trào Cộng sản và công nhân quốc tế, mà theo đó, không chỉ làm suy giảm sức mạnh cuộc đấu tranh giải phóng giai cấp, giải phóng con người, giải phóng xã hội, mà còn chia rẽ sâu sắc khối đoàn kết, thống nhất của các lực lượng dân chủ, yêu chuộng hòa bình, tiến bộ trên thế giới…

Là người Cộng sản có uy tín lớn trong Quốc tế Cộng sản, hơn ai hết, Chủ tịch Hồ Chí Minh đau lòng về sự bất hòa hiện hữu giữa các Đảng anh em.

Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định trách nhiệm của Đảng ta đối với sự bất hoà giữa các Đảng anh em. Người viết: “Tôi mong rằng, Đảng ta sẽ ra sức hoạt động, góp phần đắc lực vào việc khôi phục lại khối đoàn kết giữa các đảng anh em trên nền tảng chủ nghĩa Mác – Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản, có lý, có tình”. Người bày tỏ niềm tin: “Các đảng anh em và các nước anh em nhất định sẽ phải đoàn kết lại”.

Ngay đối với Mỹ, Người cũng nhắc nhở, mỗi chúng ta phải biết phân biệt sự khác nhau giữa những người Mỹ xâm lược và nhân dân Mỹ, được biểu hiện thông qua bức thư gửi nhân dân Mỹ tháng 1/1962, trong đó nêu rõ: “Nhân dân Mỹ và nhân dân Việt Nam không thù oán gì nhau. Nhân dân Việt Nam kính trọng các bạn là nước đầu tiên phất cờ chống chủ nghĩa thực dân và chúng tôi mong muốn có quan hệ hữu nghị với các bạn”. Đoàn kết quốc tế luôn cháy bỏng trong trái tim Hồ Chí Minh.

Thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đoàn kết quốc tế, 45 năm qua, Đảng ta luôn phát huy chủ nghĩa quốc tế trong sáng, cao cả, thủy chung, làm hết sức mình để Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng hơn về mọi mặt trong đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội thế giới. Từ một đất nước bị cấm vận, đến nay, nước ta có quan hệ đối ngoại với 180 nước trên thế giới, có quan hệ thương mại với trên 200 quốc gia, vùng lãnh thổ. Việt Nam tham gia vào các diễn đàn, các tổ chức quốc tế, đặc biệt là có đóng góp cực kỳ lớn trong hoạt động của Liên hợp quốc, của ASEAN…

Cùng với quá trình đổi mới đất nước, Đảng ta đã đề ra và thực hiện nhất quán đường lối, chính sách đối ngoại “độc lập tự chủ, rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế. Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển”. Nước ta đã chủ động và tích cực hội nhập vào nền kinh tế quốc tế trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động phức tạp, khó lường, các quan hệ chính trị – kinh tế đan xen, nhiều chiều… Ngay cả trong những tình huống phức tạp, Đảng ta đã có những chỉ đạo hết sức quan trọng. Chúng ta kiên quyết đấu tranh giữ vững độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ.

Có thể nói, tư tưởng lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đoàn kết quốc tế trong sáng trên nền tảng chủ nghĩa Mác – Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản ngày nay đã được Đảng ta phát triển, kế thừa trong suốt 45 năm qua. Lịch sử có lúc thăng trầm nhưng xu hướng dân chủ, hòa bình và tiến bộ vẫn đang là dòng chủ lưu chính của xã hội hôm nay. Tư tưởng đoàn kết quốc tế ấy sẽ càng có ý nghĩa và trở thành bài học lớn khi Việt Nam đang hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và trở thành đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, với phương châm “sánh vai với các cường quốc năm châu” như mong muốn của Bác Hồ./.

 

Nguồn ĐCSVN