Học tập và làm theo gương Bác gắn với thực tế địa phương

Thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW, các tỉnh miền núi phía Bắc đã có nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương, đơn vị nhằm làm chuyển biến nhận thức, đưa việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trở thành tự giác trong mỗi tập thể, cá nhân.

Gắn Chỉ thị với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị

Cùng với việc tập trung lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, chăm lo cho đời sống của nhân dân, các cấp ủy đảng, chính quyền các địa phương miền núi phía Bắc đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”.

Tại Phú Thọ, ngay từ khi quán triệt Chỉ thị, tỉnh xác định học tập và làm theo tấm gương đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh bằng các hành động thiết thực, hiệu quả, trọng tâm là thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương, giải quyết những vấn đề bức xúc mà nhân dân quan tâm, như: huy động nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực và phát triển du lịch, đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội. Nhờ đó, tạo động lực thi đua, phấn đấu thực hiện hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ chính trị được giao, lập thành tích cao trong việc học tập và làm theo gương Bác “nói đi đôi với làm” đạt hiệu quả thiết thực.

Trong 8 tháng qua, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, song kinh tế – xã hội của tỉnh vẫn đạt được những kết quả tích cực. Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản duy trì tốc độ tăng trưởng khá. Sản xuất công nghiệp tăng hơn 2% so với cùng kỳ. Ngành dịch vụ thương mại vẫn giữ được nhịp độ tăng trưởng, đáp ứng được nhu cầu sản xuất và tiêu dùng… Các lĩnh vực văn hóa xã hội có nhiều khởi sắc, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, an ninh quốc phòng được củng cố giữ vững… Đáng chú ý, tỉnh đã chủ động, tích cực, sáng tạo trong nội dung đưa việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và nội dung sinh hoạt chuyên đề năm 2014 vào sinh hoạt thường xuyên gắn với nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ; trở thành nội dung quan trọng, đi vào nền nếp, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động cấp ủy các chi, đảng bộ và phát huy vai trò nêu gương của cán bộ lãnh đạo, cán bộ chủ chốt, người đứng đầu của cơ quan, đơn vị trong công việc, lối sống. Công tác tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được đổi mới theo phương châm đa dạng, thiết thực. Công tác phát hiện, xây dựng và biểu dương các điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh được chú trọng. Toàn tỉnh đã lựa chọn, đăng ký và xây dựng kế hoạch bồi dưỡng 1.581 tập thể, 1.789 cá nhân trở thành các điển hình tiên tiến các cấp, trong đó có 87 tập thể, 179 cá nhân đăng ký cấp tỉnh; đã có 84 tập thể, 61 cá nhân tiêu biểu được các huyện, thị, thành ủy, đảng ủy trực thuộc biểu dương khen thưởng nhân kỷ niệm 124 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Với Thái Nguyên, tỉnh đã chỉ đạo gắn việc thực hiện Chỉ thị 03 với việc nâng cao ý thức, trách nhiệm của người đứng đầu tập thể, đứng đầu công việc. Là tỉnh có các khu công nghiệp đang phát triển, tập trung mọi nguồn lực đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội. Trong đó, quan tâm đến công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đến Thái Nguyên. Do làm tốt công tác tuyên truyền, vận động và thực hiện nghiêm túc các chính sách của Nhà nước nên đã tạo sự đồng thuận, đẩy nhanh công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, góp phần tạo thuận lợi cho thu hút đầu tư vào tỉnh Thái Nguyên.

Trong 6 tháng đầu năm 2014, tổng vốn đầu tư trên địa bàn đạt 15.615 tỷ đồng; tỉnh đã cấp chứng nhận đầu tư mới cho 38 dự án với tổng số vốn 1.757,2 tỷ đồng; trong đó, riêng các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài có 18 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư mới với tổng số vốn đầu tư đăng ký 134,153 triệu USD. Cùng với đó, tỉnh Thái Nguyên đã có biện pháp xử lý kịp thời, thu hồi giấy phép đầu tư những dự án chậm tiến độ hoặc có sai phạm. Tỉnh đã tiến hành rà soát, chấn chỉnh trong công tác bồi thường, tập trung giải phóng mặt bằng cho các dự án lớn, dự án khó, như các dự án đầu tư nhà máy phụ trợ cho Samsung và đầu tư vào khu công nghiệp Điềm Thụy… Kết quả, trong 6 tháng đầu năm, đã thu hồi trên 269 ha đất, chi trả trên 553 tỷ đồng, thực hiện giải phóng mặt bằng cho 203 công trình, dự án. Khẳng định tích động tích cực của việc thực hiện Chỉ thị 03 tới đời sống kinh tế – xã hội trong tỉnh, đồng chí Trần Quốc Tỏ, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Thái Nguyên cho biết, nhờ học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác, từng cán bộ, nhân viên, nhất là những người đảng viên đã gương mẫu thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, hoàn thành tốt công việc hằng năm, điểm nhấn từ những kết quả tích cực trong công tác thu hút đầu tư, giải phóng mặt bằng trong thời gian qua đã nói lên điều đó và đây chính là tiền đề, là cơ sở để tỉnh phát triển mạnh hơn trong thời gian tiếp theo.

Tập trung giải quyết các vấn đề bức xúc, tồn đọng

Học tập và làm theo gương Bác bằng những việc làm cụ thể, nhiều tỉnh đã chọn những việc cần tập trung giải quyết ngay, chọn những vấn đề bức xúc, nổi cộm để tập trung giải quyết, từng bước mang lại hiệu quả thiết thực, củng cố niềm tin trong nhân dân. Tại tỉnh Lào Cai, nhiều vấn đề, việc làm đã được các cấp xác định để tập trung giải quyết như: giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo; tập trung lắng nghe, đối thoại với nhân dân; giải phóng mặt bằng; giải quyết chế độ chính sách cho hộ nghèo… Cho biết cụ thể về vấn đề này, đồng chí Vũ Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai chia sẻ, đơn cử như tại huyện Mường Khương đã lựa chọn nội dung cải tạo một số phong tục, tập quán lạc hậu làm khâu đột phá trong giải quyết các vấn đề bức xúc ở địa phương; huyện Bát Xát đã lựa chọn và đề ra 15 việc cần làm ngay nhằm giải quyết những bức xúc của nhân dân; Thành ủy Lào Cai chỉ đạo tổ chức đối thoại trực tiếp với nhân dân liên quan đến công tác đền bù, giải phóng mặt bằng… “Kết quả trong công việc chính là thước đo lớn nhất để nhân dân đánh giá về cán bộ về tinh thần trách nhiệm với công việc của mỗi đơn vị, cá nhân và đó chính là lý do vì sao chúng tôi chọn việc để làm và chọn người để giải quyết” – đồng chí Vũ Xuân Cường nhấn mạnh.

Nhờ xác định những việc làm trọng tâm, những việc cần làm ngay mà Tuyên Quang đã thành công trong việc lần đầu tiên đạt 21/21 chỉ tiêu kế hoạch đề ra trong năm 2013, trong đó lần đầu tiên hoàn thành vượt mức 2 chỉ tiêu khó là giá trị sản xuất công nghiệp và thu ngân sách trên địa bàn. Đồng chí Phạm Minh Huấn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Tuyên Quang khẳng định, việc thực hiện Chỉ thị 03 ở tỉnh ngày càng đi vào nền nếp với những cách làm sáng tạo, góp phần nâng cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt, trong thực thi nhiệm vụ, góp phần giải quyết được nhiều vấn đề phức tạp, bức xúc ở cơ sở; động viên cán bộ, đảng viên, nhân dân hoàn thành nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Mô hình càng cụ thể, càng dễ thực hiện

Tại các tỉnh miền núi phía Bắc, đa số các tỉnh đều có may mắn được Bác Hồ về thăm và có lời căn dặn nên các tỉnh đã gắn việc thực hiện Chỉ thị 03 với những lời chỉ huấn của Bác khi về thăm. Ở Hà Giang, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo trong các kỳ sinh hoạt chi bộ dành thời gian nghiên cứu chuyên đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về nêu cao tinh thần trách nhiệm, chống chủ nghĩa cá nhân, nói đi đôi với làm” và 8 lời căn dặn của Bác Hồ đối với Đảng bộ và nhân dân Hà Giang năm 1961. Tỉnh Phú Thọ cũng có nhiều mô hình cụ thể gắn với việc kỷ niệm 60 năm Bác Hồ về thăm Đền Hùng. Các tỉnh: Lai Châu, Sơn La, Điện Biên, Cao Bằng, Quảng Ninh… đều có nhiều kỷ niệm in dấu hình của Bác, những hình ảnh, câu chuyện chân thực về cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là nguồn cổ vũ, động viên toàn thể cán bộ, đảng viên, nhân dân các tỉnh tích cực thi đua học tập và làm theo gương Bác bằng những hành động cụ thể nhất.

Theo đồng chí Vương Mí Vàng, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Hà Giang, trên địa bàn tỉnh có nhiều mô hình tiêu biểu, cách làm sáng tạo học tập và làm theo gương Bác như: “Mỗi ngày làm ít nhất một việc tốt vì nhân dân” của lực lượng Công an; mô hình “sạch làng, tốt cây” của huyện Vị Xuyên… Có nơi phát động phong trào cụ thể hơn như ở huyện Quang Bình với phong trào “mỗi hộ gia đình trồng từ 600 khóm cỏ, nuôi từ 2 con bò trở lên, mỗi năm phấn đấu bán một con, thu từ 30 triệu đồng trở lên”, mô hình này dễ hiểu đối với đồng bào dân tộc và họ phấn đấu thực hiện rất tốt trong mấy năm qua. “Theo tôi, đó là cách học, cách làm cụ thể để đưa Chỉ thị 03 đến từng người dân” – đồng chí Vương Mí Vàng khẳng định.

Cùng chung quan điểm này, đồng chí Hoàng Trung Phong, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Cao Bằng cho rằng, cần xác định việc làm cụ thể thì hành động mới chính xác và đạt kết quả cao. Tại Cao Bằng, các cơ quan, đơn vị hành chính trong khối Nhà nước đề ra mục tiêu thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí trong cơ quan, công sở; cải cách hành chính theo phương châm “nhanh, gọn và hiệu quả, giảm bớt phiền hà cho nhân dân”; 1.866/2.474 xóm bản (75,6%) trong toàn tỉnh bổ sung và thực hiện chuẩn mực đạo đức công dân theo tấm gương đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh vào quy ước của tổ dân phố, làng xóm; Công an tỉnh tổ chức thực hiện phong trào “Công an lắng nghe ý kiến của dân”; Đảng uỷ Bộ đội Biên phòng tỉnh thực hiện mục tiêu 4 giảm “giảm vi phạm kỷ luật, giảm tình trạng phát ngôn sai quy định, giảm tình trạng mất đoàn kết nội bộ, giảm tai nạn giao thông”… “Từ những phong trào cụ thể, cách làm cụ thể sẽ cho những kết quả cụ thể và đó chính là căn cứ, là thước đo để đánh giá thành tích của mỗi đơn vị tổ chức, cá nhân” – đồng chí Hoàng Trung Phong chia sẻ

“Cũng từ các phong trào cụ thể, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Yên Bái đã giải quyết được 13/14 việc đề ra trong năm 2013; quyết liệt chỉ đạo cấp huyện, cấp cơ sở xác định công việc cụ thể để tập trung giải quyết dứt điểm. Nhờ đó, nhiều khuyết điểm, hạn chế đang được tích cực sửa chữa, khắc phục bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, hiệu quả, có tác dụng tích cực trong xã hội, đem lại niềm tin cho cán bộ, đảng viên và nhân dân” – đồng chí Dương Văn Thống, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Yên Bái cho biết.

Khẳng định những kết quả tích cực trên đây của các tỉnh miền núi phía Bắc, phát biểu tại cuộc giao ban thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW mới đây, đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đánh giá cao những nỗ lực của 15 tỉnh trong việc thực hiện Chỉ thị. Đồng chí khẳng định, kết quả thực hiện Chỉ thị 03 được thể hiện một cách khách quan trong kết quả chung ngày càng rõ nét, thúc đẩy thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế – xã hội, công tác xây dựng Đảng của từng địa phương. Các nội dung học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo chuyên đề từng năm được các cấp ủy đảng chỉ đạo đưa vào sinh hoạt chi bộ hằng tháng, gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị và trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên, tạo chuyển biến tích cực trong nền nếp và chất lượng sinh hoạt chi bộ; tạo ra chuyển biến tích cực trong rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và vai trò tiền phong gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Việc thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW đã lan tỏa ngày càng rộng hơn trong xã hội, thúc đẩy các phong trào thi đua yêu nước, phát hiện nhiều tấm gương tập thể, cá nhân có nhiều thành tích trong học tập và làm theo đạo đức của Bác, góp phần xây dựng không khí xã hội tích cực, đẩy lùi các hiện tượng tiêu cực./.

Nguồn ĐCSVN