Khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần VIII

Tổng Bí thư: Một trong những nhiệm vụ bao trùm quan trọng hàng đầu của MTTQ là tiếp tục xây dựng và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII MTTQ Việt Nam với chủ đề “Đoàn kết – Dân chủ – Đổi mới – Phát triển” đã chính thức khai mạc trọng thể sáng nay (26/9), tại Hà Nội.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh; Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương; các tổ chức quốc tế và 1.008 đại biểu chính thức tham dự Đại hội.

 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Đại hội

MTTQ Việt Nam đã thực sự trở thành mái nhà chung 

Phát biểu tại Đại hội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, 5 năm qua, tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang và những kinh nghiệm quý báu của Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam suốt hơn 80 năm, qua các thời kỳ cách mạng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã triển khai thực hiện có kết quả Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ VII của Mặt trận và có nhiều đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Đóng góp quan trọng nhất của Mặt trận là đã ra sức hoạt động, góp phần mở rộng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân xung quanh Đảng Cộng sản Việt Nam, tạo nên sức mạnh to lớn cho sự phát triển của đất nước. Mặt trận đã đoàn kết, tập hợp lực lượng và xây dựng khối đoàn kết toàn dân không chỉ bằng công tác tuyên truyền, phát triển tổ chức, mà còn thông qua nhiều phong trào thi đua yêu nước sâu rộng, nhiều cuộc vận động thiết thực, có sức lôi cuốn đông đảo các tầng lớp nhân dân, hướng vào thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị và chăm lo cải thiện đời sống nhân dân. Nổi bật là các cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”, cuộc vận động “Vì người nghèo”, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”,…

Mặt trận đã tích cực vận động nhân dân tham gia xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy quyền làm chủ trực tiếp trong các công việc ở địa phương, đồng thời góp ý kiến xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, bao gồm cả việc tham gia xây dựng các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, giám sát, phê bình cấp uỷ, cán bộ, đảng viên.

Mặt trận Tổ quốc cũng đã chú trọng đổi mới phương thức hoạt động, hướng mạnh về cơ sở. Các Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư thực sự là lực lượng nòng cốt trong công tác vận động nhân dân và là mối liên kết hiệu quả trong hệ thống chính trị ở cơ sở. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã thực sự trở thành mái nhà chung để mọi tầng lớp nhân dân, mọi dân tộc, tôn giáo, mọi lứa tuổi và kiều bào ta ở nước ngoài phát huy lòng yêu nước, ý chí, trí tuệ và khả năng của mình để xây dựng, bảo vệ đất nước, chăm lo cho cuộc sống của người dân, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh, tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước.

“Với những thành tích đạt được trong thời gian qua, Mặt trận Tổ quốc tiếp tục xứng đáng là người đại diện của nhân dân, là cơ sở chính trị của chính quyền, là tổ chức nòng cốt trong hệ thống chính trị ở nước ta; đã vinh dự được Đảng và Nhà nước ta trao tặng Huân chương Sao vàng (lần 2) đúng vào dịp kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Mặt trận (1930 – 2010)” – Tổng Bí thư nhấn mạnh.

 

Toàn cảnh lễ khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII MTTQ Việt Nam

Nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là tăng cường khối đại đoàn kết 

Tại Đại hội, Tổng Bí thư cũng nêu ra một số vấn đề để Đại hội thảo luận, xem xét, quyết định. Tổng Bí thư nêu rõ:  một trong những nhiệm vụ bao trùm quan trọng hàng đầu của Mặt trận Tổ quốc trong những năm tới là tiếp tục xây dựng và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, tập hợp rộng rãi mọi tầng lớp nhân dân, bảo đảm sự thống nhất cao về tư tưởng và hành động, phấn đấu thực hiện có kết quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, hướng tới mục tiêu chung là giữ vững độc lập, chủ quyền quốc gia, giữ vững ổn định chính trị – xã hội, xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh, văn minh; nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Mặt trận Tổ quốc cần tiếp tục đóng vai trò nòng cốt trong việc vận động tổ chức thực hiện sâu rộng và có hiệu quả nhiệm vụ này. Tiếp tục làm tốt các cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”, “Xây dựng nông thôn mới” và các phong trào thi đua yêu nước khác, khuyến khích mọi người, mọi thành phần kinh tế tích cực đóng góp trí tuệ, tiền của, công sức để phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng cho bản thân, cho gia đình, đồng thời nêu cao tính cộng đồng và truyền thống nhân ái, tham gia xoá đói giảm nghèo, chăm lo cho người có công với nước, làm việc thiện, giúp đỡ những hộ nghèo, những gia đình và cá nhân có hoàn cảnh khó khăn, giúp nhau nâng cao chất lượng cuộc sống.

Tổng Bí thư nêu rõ: Với vai trò là liên minh chính trị, là tổ chức rộng rãi của nhân dân, là cơ sở chính trị của chính quyền, Mặt trận Tổ quốc cần tiếp tục vận động nhân dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, củng cố hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh. Thực hiện tốt hơn nữa chức năng giám sát và phản biện xã hội đối với các tổ chức đảng và cơ quan chính quyền, bao gồm cả việc giám sát các cán bộ, đảng viên, các đại biểu dân cử, các công chức, viên chức, cơ quan nhà nước các cấp… Chủ động góp ý kiến với Đảng, Nhà nước trong việc hoạch định cơ chế, chính sách, làm người phản biện sắc sảo, chân tình giúp Đảng và chính quyền tự điều chỉnh, tự hoàn thiện để lãnh đạo, chỉ đạo tốt hơn.

Cùng với đó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động theo hướng sâu sát với dân, hướng về cơ sở, thật thiết thực, hiệu quả, tránh hành chính hoá. Các phong trào cần chú ý đáp ứng đúng những nguyện vọng và lợi ích chính đáng của dân, giải quyết những vấn đề sát sườn với dân; đoàn kết, tập hợp nhân dân thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tham gia xây dựng, giám sát, bảo vệ Đảng và Nhà nước…

Nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội được nhân dân ghi nhận

 

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân phát biểu khai mạc Đại hội

Trong phát biểu khai mạc Đại hội, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cho biết: Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam các cấp lần này được tiến hành từ cơ sở, là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, góp phần nâng cao nhận thức về sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc, về MTTQ Việt Nam, đẩy mạnh các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước hướng vào thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh của mỗi địa phương và cả nước. 

Đại hội có nhiệm vụ đánh giá về tình hình khối đại đoàn kết toàn dân tộc và các tầng lớp nhân dân; đánh giá việc thực hiện 5 Chương trình hành động của MTTQ Việt Nam nhiệm kỳ VII (2009 – 2014), từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm, đề ra mục tiêu và các Chương trình hành động của MTTQ Việt Nam nhiệm kỳ VIII (2014 – 2019). Đại hội sẽ thông qua Điều lệ MTTQ Việt Nam (sửa đổi, bổ sung); hiệp thương dân chủ cử ra Uỷ ban Trung ương  MTTQ Việt Nam nhiệm kỳ mới.

Trình bày báo cáo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa VII tại Đại hội, ông  Vũ Trong Kim, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khóa VII nêu rõ: Trong nhiệm kỳ qua, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp tục phấn đấu phát huy vai trò, trách nhiệm của mình trong hệ thống chính trị và đời sống xã hội. Nội dung và phương thức hoạt động được đổi mới, thể hiện rõ hơn tính chất liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội, các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, các dân tộc, các tôn giáo, người Việt Nam ở nước ngoài. Trách nhiệm đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội đã được triển khai có kết quả bước đầu, được nhân dân ghi nhận.

Năm chương trình hành động do Đại hội VII Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề ra đã được thực hiện tốt, vai trò, vị trí của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được nâng cao. Các cuộc vận động, phong trào thi đua thiết thực hơn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, từng bước cải thiện và nâng cao đời sống của nhân dân. Việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước ngày càng rõ hơn về cơ chế và phương thức tổ chức thực hiện. Cùng với công tác đối ngoại của Đảng, ngoại giao Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên đã góp phần mở rộng đoàn kết hữu nghị và hợp tác, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Kết quả đổi mới nội dung, phương thức hoạt động đã tạo nên những tiền đề, kinh nghiệm cho công tác Mặt trận trong thời kỳ mới.

Những kết quả đạt được của công tác Mặt trận trong nhiệm kỳ qua có ý nghĩa quan trọng, góp phần củng cố và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường đồng thuận xã hội để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị, giữ vững ổn định tình hình đất nước trong bối cảnh thế giới và khu vực có nhiều khó khăn, thách thức.

Các cuộc vận động còn chồng chéo hoặc mang tính hình thức

 

Các đại biểu tham dự Đại hội

Báo cáo cũng chỉ ra những hạn chế, yếu kém trong công tác mặt trận. Đó làPhương thức vận động, tập hợp xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc chưa theo kịp những yêu cầu mới trong xã hội. Mặt trận chưa thường xuyên và thiếu cơ chế phối hợp với các tổ chức thành viên trong việc nắm bắt và phản ánh tâm tư nguyện vọng của nhân dân. 

Các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động trong Mặt trận có việc còn chồng chéo hoặc mang tính hình thức. Một số nơi, các cuộc vận động, phong trào thi đua chưa tạo được sự chuyển biến tích cực, chưa cải thiện được nhiều tình hình khó khăn, vướng mắc ở cơ sở.

Ở một số lĩnh vực, địa bàn thực tế, Mặt trận chưa làm tốt vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; còn nhiều khó khăn trong  triển khai các nhiệm vụ về giám sát và phản biện xã hội; chưa giám sát tốt việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở.

Phối hợp giữa Ủy ban Mặt trận và các tổ chức thành viên trong công tác đối ngoại nhân dân còn theo vụ việc, chưa có chương trình phối hợp hằng năm. Tổ chức bộ máy của Ủy ban Mặt trận các cấp chậm được kiện toàn, đổi mới, cơ chế hoạt động gặp nhiều khó khăn…

Những hạn chế, yếu kém trên đây là do những nguyên nhân chính: Một số quan điểm, chủ trương về đại đoàn kết toàn dân tộc, về công tác Mặt trận chậm được cụ thể hóa bằng cơ chế, chính sách cụ thể. Việc tổng kết và phát triển lý luận về công tác Mặt trận chưa được triển khai đúng mức. Chưa hình thành cơ chế nhân dân giám sát Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, vì vậy động lực đổi mới bên trong hệ thống Mặt trận chưa mạnh. Nhiều cán bộ, đảng viên và không ít cấp ủy Đảng, chính quyền chưa nhận thức đúng về vị trí, vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và còn xem nhẹ công tác Mặt trận.

Trong nhiệm kỳ tới, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ triển khai thực hiện 5 chương trình hành động, gồm: Nâng cao hiệu quả tuyên truyền, vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân, củng cố và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; Phát huy tinh thần sáng tạo và tự quản của nhân dân, triển khai các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước; Phát huy dân chủ, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; giám sát và phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng và chính quyền vững mạnh;  Mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại nhân dân, tăng cường đoàn kết hữu nghị và hợp tác quốc tế; Hoàn thiện cơ chế, nâng cao năng lực hoạt động của hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

Cũng tại Đại hội, các đại biểu đã tham luận làm rõ nhiệm vụ của Mặt trận trong thời gian tới, trong đó tập trung vào việc phát huy dân chủ, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; giám sát và phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng và chính quyền vững mạnh…

Đoàn đại biểu đại diện các tầng lớp nhân dân Thủ đô Hà Nội đã đến tặng hoa và chúc mừng Đại hội.

Chiều nay, Đại hội tiếp tục làm việc./.

Minh Hòa- Thanh Hà/VOV.VN