Ngày lịch sử của bóng đá VN

      Sáng qua 14.12, Đại hội cổ đông lần thứ nhất Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp VPF đã bầu ra được “đội hình” tổ chức mới của các giải đấu bóng đá VN mà “đội trưởng” là Chủ tịch Hội đồng quản trị Võ Quốc Thắng.  

VPF không thể phi lợi nhuận

Cũng vẫn xảy ra một vài tình huống đôi co, tranh cãi nho nhỏ, thậm chí gây phật ý nhưng có thể gói gọn 3 giờ đồng hồ của chương trình nghị sự bằng 2 từ: nhiệt huyết, quyết liệt! Chưa có một kế hoạch bằng văn bản về những hoạt động cụ thể trong năm 2012 nhưng “diễn giả” Nguyễn Đức Kiên tạo độ tin cậy cao với bài phát biểu không quá sốc nhưng vẫn đáng chú ý: “Là một ngành kinh doanh đặc thù, lấy bóng đá nuôi bóng đá, sự ra đời của VPF tuy không phải tìm kiếm lợi nhuận nhưng không thể phi lợi nhuận. Những nhà sáng lập như chúng tôi tuyệt đối không coi đây là miếng bánh béo bở để tranh giành quyền lực, trục lợi cho cá nhân và cho CLB mình. Cũng không có chuyện tranh quyền lực giữa VFF và VPF”.

 
Các lá phiếu tín nhiệm của cổ đông với HĐQT VPF - Ảnh: Ngô Nguyễn

Ông Kiên trấn an dư luận và các CLB: “Với danh dự của những nhà làm kinh doanh, chúng tôi xin cam kết, VPF sẽ không thể lỗ, ngay cả năm đầu tiên nhưng mức lãi thế nào còn tùy thuộc vào tài năng của Hội đồng quản trị (HĐQT). VPF sẽ thu về khoản tiền không thấp hơn các mức mà VFF thu về hằng năm (khoảng trên 30 tỉ đồng). Vốn pháp định 30 tỉ đồng sẽ được bảo toàn mà VPF vẫn sẽ tự đảm bảo tài chính hoạt động, thay vì đề nghị mỗi CLB đóng phí tham dự giải các mức 500 triệu đồng đối với giải chuyên nghiệp (nay đổi thành V-League 1) và 300 triệu đồng đối với giải hạng nhất (V-League 2). Trong 4 phương án tài chính khác nhau, trường hợp xấu nhất xảy ra là chỉ yêu cầu các CLB đóng tối đa 50% mức phí so với trước đây. Vì VFF đã không còn khoản thu lớn nào nên VPF sẽ có nghĩa vụ trích một phần lợi nhuận trước thuế để VFF còn có tiền cho các đội tuyển và đào tạo trẻ với mức không thấp hơn trước”.

VPF cũng bị kiểm soát

Các giải đấu bóng đá Việt Nam và VPF phải được điều hành tốt, chất lượng và minh bạch. Bầu Kiên khẳng định lại mức thưởng công khai của một CLB không quá 500 triệu đồng/trận và công ty sẽ có cơ chế giám sát chặt chẽ báo cáo tài chính để các CLB không thưởng riêng, thưởng bí mật. Còn chính VPF sẽ được đặt dưới tầm “kiểm duyệt” sát sao của ban kiểm soát. Ông Lê Tiến Anh - Chủ tịch CLB Khánh Hòa, người được bầu vào chức danh trưởng ban kiểm soát (cùng 2 ủy viên là ông Nguyễn Nam Hùng - Thường trực VFF, ông Nguyễn Văn Thanh - Chủ tịch CLB Bình Định) đã tuyên bố rõ ràng: “Ngoài tài chính, chúng tôi sẽ kiểm soát cả về nhân sự hay nói chính xác kiểm soát toàn diện hoạt động của công ty, không phải là 6 tháng, 1 năm hay sau một giải mà tiến hành thường xuyên”.

Vẫn liên quan đến chuyện tiền nong, một trong 7 phạm vi hoạt động kinh doanh của VPF là: khai thác quyền thương mại và bản quyền truyền hình. Trong 10 ngày tới, VPF sẽ thực hiện đàm phán lại với nhà tài trợ Eximbank, với các đài truyền hình, mà ưu tiên trước hết là với AVG (VFF đã ký 20 năm), ông Kiên hứa hẹn: “Hợp đồng sẽ chỉ có thời hạn tối đa 3 năm và phí truyền hình sẽ mang tính đột phá”.  

Ông Võ Quốc Thắng được ủng hộ

Không có cảnh phải hồi hộp chờ đợi kết quả kiểm phiếu vì đại hội sử dụng phương thức biểu quyết công khai tại chỗ, nhưng phần quan trọng nhất là bầu các nhân sự chủ chốt cũng khá hấp dẫn. Hấp dẫn bởi vài người sau khi được đề cử đã xin rút khỏi HĐQT, hấp dẫn bởi Phó chủ tịch Lê Hùng Dũng - Phó chủ tịch VFF quyết liệt xin rút khỏi đề cử chủ tịch HĐQT “để tìm người xứng đáng hơn tôi”, hấp dẫn bởi bầu Kiên bảo: “Tôi không có nhiều thời gian vì rất bận nhưng vì tôi đề cử ông Võ Quốc Thắng vào cương vị chủ tịch HĐQT mà ông Thắng nói chỉ chịu nếu tôi làm phó”, và hấp dẫn còn bởi một người cá tính mạnh mẽ như bầu Đức cũng nói: “Cả đời tôi chưa làm phó cho ai nhưng để làm phó cho ông Thắng, tôi sẵn sàng”.

Cuối cùng, kết quả bầu chọn đã cho ra được một đội hình như sau: Chủ tịch CLB Đồng Tâm Long An, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ VN Võ Quốc Thắng giữ chức Chủ tịch HĐQT, Phó chủ tịch là các ông Lê Hùng Dũng (nắm các vấn đề chung về tài chính), Nguyễn Đức Kiên (phụ trách tài chính, nội chính và giám sát khâu trọng tài), Đoàn Nguyên Đức (phụ trách hỗ trợ các đội tuyển quốc gia). Các ủy viên còn lại gồm: Ông Nguyễn Công Khế - Chủ tịch HĐQT Công ty truyền thông Thanh Niên, ông Phạm Ngọc Viễn - Phó chủ tịch VFF, ông Bùi Xuân Hòa - Chủ tịch CLB SHB Đà Nẵng, ông Bùi Văn Đức - Phó chủ tịch LĐBĐ tỉnh Bình Dương, bà Đinh Thu Trang - Trưởng phòng tài chính VFF.

Một điểm đáng lưu tâm là trong thời gian chuẩn bị đại hội, Tổng thư ký VFF Trần Quốc Tuấn từng được nhắm tới một “chân” trong HĐQT nhưng ông Tuấn đã chủ động xin rút khỏi danh sách đề cử và thay vào là bà Thu Trang (sẽ làm kế toán trưởng VPF). Ông Tuấn cũng không có mặt tại đại hội.

HĐQT cũng đã thống nhất chỉ định ông Phạm Ngọc Viễn ngồi vào chiếc ghế Tổng giám đốc điều hành Công ty VPF. Hai phó tổng giám đốc gồm ông Phạm Phú Hòa (sẽ không còn làm giám đốc điều hành CLB ĐTLA) phụ trách pháp chế - hành chính - văn phòng, ông Lưu Quang Lãm - Chủ tịch CLB Sài Gòn FC - phụ trách truyền thông. Giám đốc điều hành giải bóng đá V-League là ông Trần Duy Ly; Giám đốc điều hành giải bóng đá hạng nhất là ông Nguyễn Hữu Bàng. 

Tân Chủ tịch VPF Võ Quốc Thắng: “Tôi mừng, lo và bất ngờ”

Trong cuộc họp báo sau đại hội, Chủ tịch HĐQT VPF Võ Quốc Thắng (ảnh) chia sẻ: “Tôi thức đến 3 giờ sáng để suy nghĩ về lời mời của các nhà sáng lập khác, và cảm thấy nếu không nhận lời sẽ là hành động vô trách nhiệm với bóng đá VN.

Được tín nhiệm, tôi vừa mừng, vừa lo và cả bất ngờ. Điều tôi cần nhất là sự ủng hộ từ nhiều phía để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Tôi xin hứa sẽ làm hết sức mình giúp VPF sớm ổn định, phát triển, đem lại quyền lợi cao nhất cho các CLB, đưa bóng đá VN theo kịp các nước phát triển trên châu lục, thế giới.

 
Ảnh: Ngô Nguyễn

Mọi quyết định, kế hoạch đều phải chờ HĐQT họp, lấy ý kiến đa số, chứ không có cá nhân nào quyết định được. Dù rất bận nhưng chúng tôi sẽ thu xếp quỹ thời gian hợp lý nhất và cố gắng khai thác mỗi thế mạnh riêng, tập hợp thành sức mạnh chung để tạo nên đội hình mạnh nhất. Tất nhiên không thể kỳ vọng bóng đá VN thay đổi ngay được và cũng không thể hoàn thiện chỉ trong một ngày nhưng trước mỗi sự cố nếu có, chúng tôi sẽ nỗ lực đưa ra giải pháp. Chúng tôi sẽ phân quyền cho từng thành viên của HĐQT và ban giám đốc. Không nên nhắc lại quá khứ mà phải hướng tới tương lai. Nếu ai làm tốt sẽ giao thêm quyền, ai làm không tốt sẽ thu bớt quyền. Không ai trong HĐQT được lĩnh lương, mọi chi phí cá nhân phục vụ công việc cho VPF sẽ do tôi tự chi trả”.