Tìm hiểu “Tục ăn trầu các dân tộc Việt Nam”
Nhân dịp vui đón Lễ hội Katê của đồng bào Chăm theo đạo Bàlamôn, ngày 21-10, tại TP Phan Rang – Tháp Chàm, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Ninh Thuận phối hợp với Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ (TP Hồ Chí Minh) tổ chức trưng bày 30 tấm ảnh và 166 hiện vật về “Tục ăn trầu các dân tộc Việt Nam”.
Tương truyền “Tục ăn trầu các dân tộc Việt Nam” có từ thời vua Hùng Vương và gắn liền với câu chuyện cảm động về tình cảm anh em, vợ chồng. Từ đó, trở thành tập quán không thể thiếu trong cuộc sống của người Việt Nam. Miếng trầu, nhân lên niềm vui mỗi khi khách đến chơi nhà được mời trầu; tiệc cưới có đĩa trầu để chia vui; ngày lễ, tết có miếng trầu mời người lạ để kết bạn; với người quen miếng trầu là tri kỷ. Miếng trầu còn là sự thành kính của thế hệ sau với thế hệ trước qua mâm cỗ cúng gia tiên, tế lễ thần linh…
Bộ dụng cụ ăn trầu trưng bày được làm bằng đồng, bạc, gốm…, gồm: cơi đựng trầu, bình vôi, chìa vôi, ống nhổ, dao bổ cau, ống ngoáy, chìa ngoáy… có chạm trổ, vẽ hoa văn, phong cảnh quê hương đất nước, hoa lá hay động vật rất đẹp trên mỗi dụng cụ, nhằm đánh dấu sự ra đời, tồn tại của bộ dụng cụ ăn trầu tùy theo tầng lớp giàu sang hay nông dân đã có trong đồi sống xã hội từ nhiều thế kỷ.
Giám đốc Trung tâm nghiên cứu văn hóa Chăm Ninh Thuận Nguyễn Thị Thu, cho biết, theo tục ăn trầu, khi khách đến nhà, trước tiên, chủ nhà phải mang một cái bát có đựng nước kèm theo một cái muỗng (môi) đặt trên một cái đài để khách súc miệng. Sau đó, chủ nhà mang khay trầu ra tiếp đãi. Trên khay có đĩa đựng trầu, đĩa dựng cau, hủ vôi, hộp thuốc xỉa, dao, đĩa đựng vỏ giấy, vỏ cau… dưới chân lúc nào cũng có một ống nhổ lớn để khách nhổ bả trầu, nước trầu.
Để tiêm được miếng trầu đẹp, gồm: cau, lá trầu, thuốc xỉa và vôi, đòi hỏi người tiêm trầu phải khéo tay, gấp nếp miếng trầu vuông vắn. Nếu khách là người ở tuổi trung niên, có thể nhai miếng trầu trực tiếp và tận hưởng hương vị cay, thơm của miếng trầu. Nếu là người già, sẽ cho miếng trầu tiêm vào ống ngoáy để ngoáy cho mềm và sau đó mới nhai trầu.
Miếng trầu, còn là tượng trưng cho tình yêu lứa đôi; miếng trầu đi đầu, tác hợp cho lứa đôi và là sợi dây kết chặt mối lương duyên trai, gái thành vợ thành chồng. Tục ăn trầu đã để lại nhiều tục lệ rất ấn tượng và được truyền lại cho thế hệ sau. Ở Nam Bộ, với quan niệm mâm trầu trong lễ cưới tượng trưng cho vạn vật trong vũ trụ, cho nên tàu, ghe kiêng cử không dám chở. Ngày nay, mâm lễ để sang thưa chuyện cưới với nhà gái, dù hoàn cảnh nào, nhà trai cũng không thể thiếu lá trầu, quả cau.
Tại miền bắc và miền trung còn phổ biến một tập tục là thờ ông Bình Vôi. Bình vôi, khi sử dụng đã cạn thì đổ thêm vôi đã tôi vào, lâu ngày, lớp vôi cũ bám chặt vào thành bình phía trong và cứng dần, không thể nạo vôi được, làm cho lòng bình và thành bình hẹp dần, không dùng được nữa. Theo tục lệ, thay vì vứt bỏ bình vôi, người ăn trầu mang bình vôi đến bỏ dưới gốc cây cổ thụ trong làng. Vào những ngày lễ cổ truyền, người ta đến thắp hương cúng ông Bình Vôi.
Phó Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ Nguyễn Thị Hiển Linh cho biết: “Ngày nay, tục ăn trầu và mời trầu ít phổ biến như xưa, nhưng trầu cau vẫn là thứ không thể thiếu trong việc giao hiếu, kết thân, lễ tế, cưới hỏi, bởi miếng trầu đã mang đậm dấu ấn văn hóa Việt Nam. Những vật dụng dùng trong tục ăn trầu giờ đây đã trở thành di sản của một phong tục tập quán tốt đẹp được lưu giữ mãi trong mỗi người Việt chúng ta”.
Nguồn Nhân dân
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.