Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng báo cáo Quốc hội về nợ công

Sau khi 4 thành viên Chính phủ kết thúc phần trả lời chất vấn trước Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có phát biểu và làm rõ thêm một số vấn đề đại biểu quan tâm.

Chiều 19/11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trực tiếp trả lời chất vấn của Quốc hội.

Phát biểu mở đầu phiên chất vấn, Thủ tướng cho biết, tại kỳ họp này nhận được 149 phiếu chất vấn của Đại biểu Quốc hội gửi đến các thành viên Chính phủ, trong đó có 17 phiếu gửi đến Thủ tướng. Thủ tướng đã giao các nội dung chất vấn tới các thành viên Chính phủ để trả lời các vị đại biểu.

Hơn 2 ngày đã có 4 Bộ trưởng trả lời trực tiếp chất vấn tại Hội trường.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng báo cáo một số vấn đề mà cử tri cả nước quan tâm về tình hình kinh tế-xã hội: tình hình xuất khẩu, nhập khẩu, giải ngân ODA, thu ngân sách Nhà nước, chi ngân sách Nhà nước…

Do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu cùng với những yếu kém nội tại, kinh tế nước ta tăng trưởng chậm lại, từ bình quân 7%/năm giai đoạn 2006 – 2010 xuống còn khoảng 5,8%/năm giai đoạn 2011 – 2015.
Đảng và Quốc hội đã đề ra chủ trương giảm thu để nuôi dưỡng nguồn thu, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn và tăng chi cho bảo đảm xã hội.
Tỷ lệ ngân sách/GDP giảm tương ứng từ 24,8% xuống còn 21%. Trong khi đó nhu cầu chi tăng mạnh để bảo đảm an sinh xã hội, chi lương và tăng lương theo lộ trình, hoạt động hành chính sự nghiệp, tăng cường quốc phòng an ninh và chi trả nợ đến hạn. Tỷ trọng chi thường xuyên trong tổng chi ngân sách tăng từ 55% lên 64,8%, trong đó chi cho con người trong chi thường xuyên tăng từ 62,2% lên 68,2%. Chi cho an sinh xã hội tăng khoảng 18%/năm, cao hơn tốc độ tăng khoảng 10%/năm của thu, 12%/năm của chi ngân sách.

Về nợ công, Thủ tướng khẳng định, mức nợ công nằm trong ngưỡng cho phép của Quốc hội.

Thời gian tới, giải pháp được Chính phủ đưa ra là quản lý chặt chẽ nợ công đặc biệt khoản vay mới. Phấn đấu đến năm 2020 nợ công giảm còn 60,2% GDP, nợ Chính phủ 46,6%. Kiểm soát chặt nợ đầu tư xây dựng cơ bản, nợ vay của quỹ bảo hiểm xã hội, cấp bù chênh lệch lãi suất, nợ của DNNN, bảo đảm an toàn tài chính quốc gia.

Từ năm 2011 đến nay, nhà nước đã 3 lần điều chỉnh tăng lương, 2 lần tăng phụ cấp công vụ. Phương án tăng lương cho năm 2015 cũng được Chính phủ trình với mức điều chỉnh 8% đối với lương hưu, trợ cấp ưu đãi người có công và tiền lương đối với cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang có thu nhập thấp (hệ số lương từ 2,34 trở xuống). 6,3 triệu người sẽ được hưởng mức tăng lương này từ 1/1/2015.
Với quyết định tăng lương này, Thủ tướng nêu rõ, phần còn lại chi cho đầu tư phát triển giảm mạnh, từ 25% trong tổng chi ngân sách nhà nước giai đoạn 2006 – 2010 xuống còn khoảng 18% giai đoạn 2011 – 2015.
Trước thực trạng này, Thủ tướng cho biết, chủ trương tăng vay nợ cả trong và ngoài nước – chuyển mạnh sang vay trong nước – để tập trung cho đầu tư phát triển, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội.
Kế hoạch đề ra cho giai đoạn 2011 – 2015, kế hoạch phát hành trái phiếu Chính phủ là 335.000 tỷ đồng, gấp hơn 2,5 lần giai đoạn 2006 – 2010 (đã phát hành 250 nghìn tỷ đồng và năm 2015 sẽ phát hành thêm 85 nghìn tỷ đồng). Thủ tướng cũng nhấn mạnh việc đẩy mạnh giải ngân vốn ODA, vốn vay ưu đãi và bảo lãnh vay để đầu tư phát triển, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội quan trọng, thiết yếu. Do đó, nợ công tăng nhanh, từ 51,7% GDP năm 2010 lên 60,3% GDP vào cuối năm 2014 và khoảng 64% GDP vào cuối năm 2015. Mức nợ công này, Thủ tướng khẳng định, vẫn trong giới hạn quy định an toàn cho phép theo Nghị quyết của Quốc hội.
Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình nên tỷ trọng vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài với kỳ hạn dài, lãi suất thấp trong nợ công giảm dần. Cùng với thực hiện chủ trương chuyển mạnh sang vay trong nước, tỷ trọng vay trong nước tăng từ 40,3% tổng số nợ vay năm 2010 lên 54,5% năm 2014. Nợ nước ngoài chủ yếu là vay ưu đãi, thời hạn vay bình quân 20 năm với lãi suất khoảng 1,6%/năm.
Nợ trong nước chủ yếu qua phát hành trái phiếu Chính phủ kỳ hạn ngắn, lãi suất cao (do chỉ số giá năm 2011 – 2012 tăng mạnh) dẫn đến áp lực và nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ tăng nhanh trong ngắn hạn.

Thủ tướng khẳng định: “Đã trả nợ đầy đủ, đúng hạn, bảo đảm an toàn tài chính quốc gia. Tỷ lệ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với tổng thu ngân sách nhà nước năm 2014 khoảng 14,2% (theo quy định là không quá 25%)”.

Ngoài ra, trong điều kiện kinh tế vĩ mô ổn định hơn, chúng ta còn sử dụng một phần vay mới với kỳ hạn dài hơn, lãi suất thấp hơn để đảo nợ, góp phần làm giảm áp lực trả nợ trong ngắn hạn và giảm chi phí vay vốn. Việc đảo nợ này không làm tăng tổng số nợ công và phù hợp với Luật Quản lý nợ công cũng như thông lệ quốc tế.
Theo người đứng đầu Chính phủ, thực trạng gây lo lắng, bức xúc trong xã hội là nợ công đã tăng sát trần cho phép, áp lực trả nợ lớn trong ngắn hạn. Một số dự án đầu tư kém hiệu quả, tình trạng tham nhũng, lãng phí trong đầu tư xây dựng vẫn còn, có vụ việc nghiêm trọng. Cơ cấu ngân sách chưa lành mạnh; tỷ trọng thu ngân sách/GDP giảm; chi thường xuyên tăng nhanh và chiếm tỷ trọng lớn…

Thời gian tới, theo Thủ tướng, nợ công chỉ đầu tư cho xây dựng phát triển, các công trình quan trọng thiết yếu theo qui hoạch. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay, chất lượng công trình. Khẩn trương cơ cấu lại nợ công, giảm áp lực các khoản vay ngắn hạn… Chính phủ sẽ quản lý chặt chẽ nợ công đặc biệt khoản vay mới. Phấn đấu đến năm 2020 nợ công giảm còn 60,2% GDP, nợ Chính phủ 46,6%. Kiểm soát chặt nợ đầu tư xây dựng cơ bản, nợ vay của quỹ bảo hiểm xã hội, cấp bù chênh lệch lãi suất, nợ của DNNN, bảo đảm an toàn tài chính quốc gia.

Nợ công chỉ đầu tư cho xây dựng phát triển, các công trình quan trọng thiết yếu theo qui hoạch. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay, chất lượng công trình. Khẩn trương cơ cấu lại nợ công, giảm áp lực các khoản vay ngắn hạn…

Chính phủ sẽ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước tăng cường quản lý việc vay ngắn hạn của các tổ chức tín dụng để từ năm 2015 bảo đảm tỷ lệ nghĩa vụ trả nợ này trong giới hạn quy định (dưới 25% tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa dịch vụ hàng năm).

****************************************************************

Trước đó, theo Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, trong số ý kiến gửi chất vấn Thủ tướng, có nổi lên nội dung lý do dừng nghị định 136 năm 2003 về chính sách đối với các đối tượng bảo trợ xã hội.

Trước khi diễn ra các phiên chất vấn và trả lời chất vấn, sáng 17/11, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày báo cáo về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn.

Báo cáo nêu rõ những kết quả đã đạt được trong 7 lĩnh vực cơ bản gồm: Nông nghiệp và phát triển nông thôn; Nội vụ; Thông tin và Truyền thông; Tài chính; Giáo dục và Đào tạo; Quản lý của Bộ Tư pháp; lĩnh vực Thanh tra.

Tiếp đó, các đại biểu thảo luận ở hội trường về Báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng là Bộ trưởng đầu tiên trả lời chất vấn trước Quốc hội.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng trả lời các vấn đề về việc phát triển công nghiệp phụ trợ; công nghiệp chế tạo trong nước; giải pháp quản lý thị trường, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng hàng giả, buôn lậu, sự tham gia của Việt Nam đối với hệ thống phân phối bán lẻ trong nước.

Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình làm rõ các vấn đề về thực hiện cải cách hành chính, giảm thủ tục hành chính gắn với nâng cao chất lượng công vụ; các giải pháp thực hiện Đề án tinh giản biên chế đội ngũ cán bộ, công chức, khắc phục tình trạng cấp phó quá nhiều ở các cơ quan trung ương, nâng cao năng suất lao động, cải cách chế độ tiền lương. Kết quả đánh giá toàn diện đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, xử lý các biểu hiện tiêu cực trong công tác quy hoạch, tuyển dụng, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ, công chức, viên chức…

Các vấn đề Bộ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền tập trung trả lời chất vấn gồm thực trạng và giải pháp giải quyết việc doanh nghiệp vi phạm các quy định của pháp luật lao động ảnh hưởng tới quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động; tình hình và công tác quản lý người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam; thực trạng thất nghiệp hiện nay, đặc biệt là sinh viên mới ra trường; giải pháp giải quyết việc làm cho người lao động, nâng cao chất lượng lao động xuất khẩu, tăng mức trợ cấp xã hội để đảm bảo an ninh xã hội.

Bộ trưởng Giao thông vận tải Đinh La Thăng trả lời về tình trạng chung của hạ tầng giao thông; giải pháp đột phá xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, giải pháp sớm hoàn thành Quốc lộ 1A; giải pháp hạn chế tai nạn giao thông trong tình hình hiện nay, đặc biệt là tai nạn giao thông đường bộ; trách nhiệm của Bộ và chính quyền địa phương trong công tác bảo đảm an toàn giao thông…/.

Nguồn vov.vn