Nuôi chim yến ồ ạt – tiềm ẩn nhiều rủi ro

       Tổ yến sào có giá từ 35-40 triệu đồng/kg đã làm cho người nuôi chim yến có thu nhập cao. Đây là nguyên nhân chính làm cho phong trào nuôi chim yến ở tỉnh Tiền Giang bùng phát. Dù nhiều người dân đầu tư bạc tỷ để xây “lâu đài” nuôi chim yến; nhưng chính quyền và ngành chức năng địa phương chưa thật sự quan tâm đến mô hình này. Nhà nhà ồ ạt nuôi chim yến tràn lan đang tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhất là ô nhiễm môi trường, phát sinh dịch bệnh.

       Đến thị xã Gò Công trong ánh nắng đầu xuân ấm áp, mọi người dễ dàng chứng kiến cảnh rợp trời chim yến. Trên những nóc nhà cao tầng, từng đàn chim yến tung tăng chao lượn, âm thanh từ những chiếc máy cassette dẫn dụ chim yến vang lên inh ỏi. Người dân địa phương cho biết, khoảng 2 năm trở lại đây mô hình nuôi chim yến phát triển mạnh.  Phố cổ Gò Công mọc lên nhiều nhà cao tầng sang trọng, nhưng không phải để người ở mà để cho chim yến cư  ngụ. Tổ yến là món ăn cao cấp từ thời phong kiến, đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Nuôi chim yến trở thành cơ hội làm giàu nên nhiều hộ dân thị xã đầu tư mong được thành tỉ phú.

Thống kê chưa đầy đủ của ngành chức năng thị xã Gò Công cho biết, trên địa bàn có hơn 100 hộ dân chuyên nuôi yến. Nhiều nhất là dọc theo bờ sông cầu Long Chánh, đường Nguyễn Huệ (phường 1), khu vực Ao Trường Đua, đường Nguyễn Văn Côn (phường 2) và vùng ngoại ô thị xã cũng rộ lên nhà nhà nuôi chim yến. Ngay cả khu Dinh Tỉnh trưởng (thời chế độ cũ) - một ngôi nhà cổ trên 100 tuổi cũng là  một “đại bản doanh” của chim yến. Tuy nghề nuôi chim yến được đánh giá là kinh tế cao nhưng mang tính “bí truyền”, các hộ nuôi với hình thức dùng phương tiện thông tin dẫn dụ chim yến vào nhà làm tổ. Về kỹ thuật nuôi thì các hộ cũng không phổ biến mà vừa nuôi vừa rút kinh nghiệm, hoặc thuê các chuyên gia tư vấn. Đối với chính quyền và ngành chức năng thị xã Gò Công đến nay cũng chưa quản lý được mô hình nuôi chim yến, chưa quy hoạch vùng nuôi cũng như hỗ trợ người dân nuôi yến đạt kết quả.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch UBND thị xã Gò Công tâm tư: Cái nghề này người ta giấu nên mình rất khó thâm nhập, nên không quản lý được. Về hiệu quả kinh tế thì không đoán được, có người dẫn dụ chim yến vào nhà được nhưng cũng có người thất bại. Hiện nay, thị xã đang chờ chủ trương của tỉnh mới tính đến quy hoạch vùng nuôi động vật này.

Không chỉ ở thị xã Gò Công mà hiện nay ở các địa phương thuộc huyện Gò Công Tây, Gò Công Đông cũng “nở rộ” phong trào xây nhà dẫn dụ chim yến. Con số 200 hộ dân nuôi chim yến vào năm ngoái đến nay đã tăng lên gần 300 hộ. Tại xã Long Bình (huyện Gò Công Tây) - nơi xuất hiện đàn yến sào đầu tiên của tỉnh Tiền Giang đã có đến hơn 20 hộ dân gắn bó với mô hình này. Nhiều hộ dân từ thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương khác đến đây mua đất, xây nhà để dẫn dụ chim yến. Giá đất ở vùng nông thôn này “sốt” lên do nhiều đại gia đến mua xây “lâu đài” cho chim yến ở.

Tuy tổ yến giá cao, nghề nuôi chim yến thuộc hàng siêu lợi nhuận, nhưng nghề này đang gặp phải những khó khăn. Trước hết do chưa nắm vững kỹ thuật nên số hộ nuôi yến thành công không nhiều. Rất nhiều trường hợp đầu tư xây nhà hơn 1 tỷ đồng mà không dẫn dụ được đàn yến vào hoặc vào rồi lại bỏ đi. Minh chứng như trường hợp của ông Lê Văn Luân, ở ấp Long Hưng, xã Long Chánh (thị xã Gò Công) đầu tư xây nhà lầu 3 tầng nuôi chim yến. Qua 3 năm tích cực dẫn dụ, chỉ có 5 cặp chim yến vào. Căn nhà để yến ở nay đã trở thành nhà hoang. 

Bên cạnh đó, nuôi chim yến ồ ạt không theo quy hoạch như ở tỉnh Tiền Giang sẽ làm xáo trộn cuộc sống của người dân - nhất là tại đô thị Gò Công, âm thanh phát ra từ dĩa CD hay máy cassette để “gọi” yến  ngày, đêm làm cho không khí thêm ngột ngạt. Nhiều hộ dân phải sống chung với chim yến trong một ngôi nhà. Một số cơ quan, đơn vị phải dành tầng lầu cao nhất, sang trọng nhất cho đàn chim yến ngụ. Đồng thời, chim yến quá nhiều đã dẫn đến nguy cơ ô nhiễm môi trường, mầm móng phát sinh dịch bệnh từ phân và lông chim yến rơi vãi…

Ngoài ra, để nuôi chim yến cần có vốn đầu tư lớn trong khi đó rủi ro cao nên nhiều hộ dân dễ lâm vào cảnh nợ nần. Một số hộ nuôi còn phát sinh mâu thuẫn khi đàn yến nhà này bị dẫn dụ qua nhà bên cạnh. Thật ra, nghề nuôi chim yến đòi hỏi phải có điều kiện cần và đủ chứ  không thể tự phát như hiện nay. Ông Huỳnh Kim Thanh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Long Chánh cho biết: Trên địa bàn xã có 7 hộ nuôi chim yến, nhưng chỉ có 2 hộ là dân địa phương, các hộ còn lại từ nơi khác đến. Nuôi chim yến rất khó về kỹ thuật và vốn cao nên không nhân rộng được trong hội viên nông dân. Về phía chính quyền và đoàn thể xã cũng chưa hình dung ra mô hình này nên còn “do dự” không dám khuyến khích người dân đầu tư nuôi yến.

Trước phong trào nuôi chim yến ồ ạt ở các huyện phía Đông của tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các ngành chức năng tỉnh đã có khảo sát và tiến hành lập quy hoạch vùng nuôi kèm theo những quy định đối với mô hình này. Tuy nhiên đến nay, công tác này vẫn còn nằm trên giấy. Chính quyền các địa phương có mô hình nuôi chim yến ở tỉnh đang gặp lúng túng trong công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực này. Ông Trịnh Công Minh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng: “Căn cứ vào chỉ đạo của UBND tỉnh thì Sở đang làm dự thảo và chỉ thị quản lý chim yến. Dự thảo này đang hoàn chỉnh, lấy ý kiến các sở, ngành, các địa phương có liên quan để triển khai. Hướng là đưa nghề nuôi chim yến này vào ngành chăn nuôi có điều kiện; không phát triển các hộ nuôi ở nội ô nữa và sẽ quy hoạch vùng phù hợp để nuôi chim yến”.

Nuôi chim yến cho hiệu quả kinh tế cao, góp phần phát triển và bảo vệ động vật quí hiếm và tăng thêm mặt hàng tiêu dùng và xuất khẩu có giá trị. Do đó các ngành, các địa phương trong tỉnh cần có kế hoạch dài hơi… như quy hoạch vùng nuôi, hỗ trợ kỹ thuật và các điều kiện cần thiết khác… để giúp cho người dân nuôi chim yến đạt hiệu quả cao và bền vững.