‘Nhạn trắng Gò Công’ Phương Dung
Ở tuổi 68, “nhạn trắng Gò Công” Phương Dung vẫn miệt mài làm từ thiện, vẫn góp mặt trong các chương trình ca nhạc lớn nhỏ với tâm nguyện hát đến khi nào không còn hát được nữa mới thôi…
|
Thu nhập ca sĩ gấp 60 lần lương giáo viên
Ca sĩ Phương Dung sinh ra và lớn lên ở Gò Công (Tiền Giang). Học hết tiểu học, gia đình cho Phương Dung lên Sài Gòn và cũng từ đây, bà vừa đi học, vừa đi hát khi chỉ mới 11 tuổi.
Bước chân vào con đường nghệ thuật thông qua chương trình tuyển lựa ca sĩ trên đài phát thanh, Phương Dung vẫn nhớ như in cảm giác hồi hộp xen lẫn ngượng ngùng khi lần đầu tiên đạp xe đến nộp đơn dự thi.
“Tôi còn nhớ khi đó mình mặc chiếc áo dài trắng, đi xe đạp đến đài phát thanh để ghi tên tham gia chương trình tuyển lựa ca sĩ. Ngày đó, chị Thanh Thúy rất nổi tiếng. Đến nơi, thấy các ca sĩ đi vào, ai cũng cuối đầu “thưa cô!”, “thưa chị!”. Đến lượt mình thì người ta nhìn với ánh mắt dò xét. Lúc đó, trong lòng tôi đã nghĩ một ngày nào đó mình phải được như vậy để không bị hỏi đến đây làm gì, tìm ai, gặp ai. Đó là ước mơ giản dị nhưng không phải dễ dàng gì thực hiện được” – Phương Dung kể.
Sau cuộc thi này, dù không đoạt giải cao nhưng Phương Dung may mắn được giới thiệu đi hát tại một số tụ điểm và rồi nổi danh với ca khúc Nỗi buồn gác trọ của nhạc sĩ Hoài Linh-Mạnh Phát khi chỉ mới 16, 17 tuổi.
“Lúc đó, hãng phim Alpha có làm một cuốn phim mang tên Saigon By Night có sự tham gia trình diễn của nhiều ca sĩ Sài Gòn. Nhạc sĩ Hoài Linh-Mạnh Phát đã viết bài Nỗi buồn gác trọ đưa cho hãng phim và Phương Dung may mắn được chọn hát ca khúc này trong phim, từ đó được khán giả Sài Gòn cũng như các tỉnh dành nhiều tình cảm”, nữ ca sĩ chia sẻ.
Thời đó, mỗi đêm, Phương Dung cộng tác với 7 phòng trà, vũ trường nổi tiếng Sài Gòn, một thành tích hiếm ca sĩ nào thời đó đạt được. Tên tuổi bà gắn liền với nhiều ca khúc “vượt thời gian” như Đố ai, Hoa nở về đêm, Những đồi hoa sim, Vọng gác đêm sương…
|
“Tôi vẫn nhớ như in không khí ở các phòng trà, rạp hát ngày trước. Người Sài Gòn đi xem hát nhiều lắm. Thu nhập của tôi khi đó lên đến 300.000 đồng/tháng trong khi lương một giáo viên dạy cấp 2 cùng thời chỉ khoảng 5.000-6.000 đồng”, Phương Dung chia sẻ cùng Thanh Niên Online.
Sinh ra trong một gia đình không có truyền thống về âm nhạc nhưng Phương Dung lúc nào cũng ghi nhớ lời dạy của ba mình: “Ba nói đi hát mà nổi tiếng thì quý nhưng song song đó có cái đức đi kèm thì càng quý hơn. Câu nói đó đã đi vào tâm khảm của tôi. Tôi biết ca sĩ đi hát cũng chỉ nổi tiếng ở một thời gian nhất định thôi và tôi cảm thấy may mắn khi nhận được sự yêu mến của mọi người trong rất nhiều năm”.
Năm 1974, thi sĩ Hà Huy Hà (Kiên Giang) đã dành tặng cho Phương Dung cái tên “nhạn trắng Gò Công” và cái tên này theo bà đến tận bây giờ.
Nói về mỹ danh này, Phương Dung cho biết: “Mẹ tôi rất thích tôi mặc áo dài trắng đi hát vì trông giống như một cô học trò thích ca hát hơn là một ca sĩ. Áo dài trắng còn tượng trưng cho sự ngây thơ, trong sáng, hồn nhiên. Ngoài ra, tôi quê ở Gò Công, nơi có rất nhiều chim nhạn bay nên hình ảnh “nhạn trắng” là sự kết hợp giữa chim nhạn Gò Công và áo dài trắng. Tôi cảm thấy mình rất may mắn khi biệt danh gắn liền với cuộc đời ca hát của mình xuất phát từ những hình ảnh quê hương”.
Còn mãi những khúc tình ca
Sau thời gian “làm mưa làm gió” tại thị trường âm nhạc Việt Nam, Phương Dung sang Mỹ sống cùng với con cháu. Bà bắt đầu trở về nước từ cách nay 20 năm nhưng chủ yếu là về làm từ thiện. Mãi đến 5 năm trở lại đây, Phương Dung mới chính thức trở lại các sân khấu ca nhạc tại quê nhà.
Mặc dù sinh sống ở ngoại thành nhưng đều đặn mỗi ngày, bà thức dậy lúc 5 giờ sáng để đi chợ đầu mối mua rau củ về làm thức ăn chay phát miễn phí cho người nghèo. Mỗi ngày phát khoảng 150-200 phần tại tiệm cơm ở quận Gò Vấp (TP.HCM). Năm nào đi hát nhiều, tài chính dư dả hơn, bà lại đi từ thiện đến những chỗ xa hơn như Tây Ninh hay các vùng biên giới.
“Tôi tâm niệm rằng cái gì đến thì đến, đi thì đi, rất vô thường. Bởi vậy mình phải sống thật an nhiên tự tại. Tôi có được sức khỏe như hôm nay thứ nhất là vì không thức khuya, thứ hai là vì những chuyến đi từ thiện mang đến cho tôi nhiều niềm vui trong cuộc sống”, Phương Dung chia sẻ.
|
Và cũng như bao ca sĩ khác ở cái ngưỡng 60-70 tuổi, Phương Dung vẫn đau đáu có được một đêm nhạc để lại dấu ấn trong lòng khán giả trước khi không còn hát được nữa, nhưng ngặt nỗi nhân lực để thực hiện một liveshow hoành tráng lại không có. Thật không ngờ, duyên đến khi ban tổ chức chương trình Sol vàng mời Phương Dung và Giao Linh cùng là nhân vật tiếp theo trong chuỗi chương trình này.
“Tôi biết bước đường ca hát của mình không còn bao lâu nữa và tôi muốn ghi lại những hình ảnh thân thương nhất của mình và của khán giả, những người đã đến với tôi trong nhiều thập niên qua, để mãi mãi hình ảnh “nhạn trắng Gò Công”vẫn luôn hiện diện trong tâm tư khán giả Việt”, Phương Dung tâm sự.
Trong đêm nhạc, Phương Dung sẽ thể hiện lại những ca khúc gắn liền với tên tuổi của bà như Hoa nở về đêm, Về đâu mái tóc người thương, Hai kỷ niệm một chuyến đi… và song ca cùng con gái Phương Vy và nữ ca sĩ khách mời Cẩm Ly.
Nguồn Thanh niên
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.