UNESCO xem xét hồ sơ dân ca, ví giặm của Việt Nam

Kỳ họp lần này là kỳ họp hàng năm lần thứ 9 của UNESCO với gần 1000 đại biểu tham gia.

 

Hồ sơ dân ca Ví, Giặm của Việt nam là một trong 36 hồ sơ được khuyến nghị xem xét công nhận tại Kỳ họp lần thứ 9 Ủy ban liên chính phủ Công ước UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể 2003. Kỳ họp diễn ra từ 24-28/11 tại trụ sở UNESCO ở thủ đô Paris.

Nội dung làm việc chính của kỳ họp lần thứ 9 là nghe 27 báo cáo định kỳ về việc thực hiện Công ước 2003; kiểm điểm thực trạng bảo tồn của 8 di sản phi vật thể trong danh sách cần được bảo vệ khẩn cấp và thảo luận về chiến lược huy động tài chính cho UNESCO trong bối cảnh tổ chức này vẫn tiếp tục phải đối mặt với khó khăn về ngân sách. Một phần quan trọng trong chương trình nghị sự của kỳ họp lần này là xem xét công nhận các di sản văn hóa phi vật thể mới. Có 36 hồ sơ được hội đồng xét duyệt khuyến nghị kỳ họp công nhận, trong đó có hồ sơ dân ca Ví, Giặm của Việt nam.

Đoàn Việt Nam tham dự kì họp của UNESCO. (Ảnh: Thùy Vân)

Đoàn Việt nam tham dự đông đảo, dẫn đầu là Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đặng Thị Bích Liên. Đoàn bao gồm các chuyên gia UNESCO Việt nam, các chuyên gia bảo tồn di sản và đại diện hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh – hai tỉnh có hồ sơ Ví, Giặm sẽ được xem xét tại kỳ họp lần này.

Trả lời PV Đài TNVN, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa Việt nam, Giáo sư- Tiến sỹ Nguyễn Chí Bền, Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia nhấn mạnh hồ sơ Ví, Giặm của chúng ta đáp ứng các tiêu chuẩn mà UNESCO đặt ra cho danh sách các di sản đại diện của nhân loại. Đặc biệt, giá trị nổi bật của dân ca Ví, Giặm là sức sống và sức lan truyền trong cộng đồng xứ Nghệ.

Giáo sư- Tiến sỹ Nguyễn Chí Bền nói: “Giá trị là sức sống của di sản xuất hiện mọi nơi, mọi chỗ, mọi lúc, trong nhiều hoàn cảnh, từ hát ru con cho đến chài lưới trên sông nước… Đặc sắc là dân ca Ví, Giặm gắn bó với phương ngữ Nghệ tĩnh như hình với bóng, khó có thể tách bạch. Đây chính là điểm đặc sắc khiến dân ca Ví, Giặm sống lâu đời với cộng đồng nhưng lại là điểm khó giúp loại hình này đi xa. Ở phương diện các tiêu chuẩn UNESCO vinh danh vào danh sách di sản phi vật thể đại diện của nhân loại, thì dân ca Ví, Giặm có những giá trị có thể đáp ứng được các tiêu chí ấy.”

Giáo sư Nguyễn Chí Bền trả lời phỏng vấn VOV. 

Là một thành viên trong hội đồng lập hồ sơ dân ca Ví, Giặm, Giáo sư Nguyễn Chí Bền cho biết hồ sơ được hoàn thành trong 2 tháng từ cuối năm 2012 và đệ trình đúng thời hạn vào tháng 3/2013. Tiếp sau đó, nhiều hoạt động tổ chức hội thảo nghiên cứu, quảng bá, sân khấu hóa loại hình này đã được hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh tích cực tiến hành; trong đó, có mời cả các chuyên gia nước ngoài, chuyên gia UNESCO quốc tế tới thưởng thức dân ca Ví, Giặm.

Nếu được công nhận, dân ca Ví, Giặm sẽ trở thành di sản văn hóa phi vật thể thứ 9 của Việt nam được UNESCO vinh danh.

Trong 36 hồ sơ được khuyến nghị công nhận, có nghệ thuật truyền thống kelaghayi của Azerbaidjan; nhảy múa cung đình của Burundi; nghệ thuật truyền thống gwoka của người dân trên đảo Guadeloupe thuộc Pháp; nghề làm nông truyền thống “vite ad alberello” của cộng đồng Pantelleria, Italia…/.

Thùy Vân/VOV-Paris