Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11/2014
Chiều 01/12, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP, Người phát ngôn của Chính phủ Nguyễn Văn Nên đã chủ trì buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11/2014.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Văn Nên chủ trì phiên họp báo Chính phủ tháng 11/2014 – Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Tóm tắt nội dung phiên họp thường kỳ tháng 11 của Chính phủ do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chủ trì diễn ra cùng ngày, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cho biết, tại cuộc họp, các thành viên Chính phủ nhất trí cho rằng, tình hình kinh tế-xã hội tháng 11 và 11 tháng năm 2014 tiếp tục đạt kết quả tích cực trên hầu hết các lĩnh vực. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, đà tăng trưởng được phục hồi trên tất cả các ngành, lĩnh vực chủ yếu với mức tăng trưởng GDP cao hơn cùng kỳ hai năm trước và dự báo cả năm 2014 sẽ đạt và nhiều khả năng vượt mục tiêu đề ra (5,8%).
Điểm đáng mừng so với thời gian trước đây là phát triển doanh nghiệp đã có khởi sắc hơn, số doanh nghiệp gặp khó khăn phải tạm ngừng hoặc chấm dứt hoạt động giảm 1,5% so với tháng trước. Số doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 11 tăng 13,7% với số vốn tăng trên 20% so với tháng trước. Đây là những con số tuy chưa lớn lắm nhưng cho thấy tín hiệu tốt của nền kinh tế đã tạo thêm cơ hội đầu tư, kinh doanh cho doanh nghiệp.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định “Nếu không có vấn đề đột xuất, theo đà này thì nhiều khả năng sẽ đạt các mục tiêu, chỉ tiêu đã báo cáo Quốc hội”.
Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý các thành viên Chính phủ, tình hình kinh tế-xã hội đã xuất hiện một số yếu tố mới cần xem xét, đánh giá thật đầy đủ để đưa ra các quyết sách phù hợp.
Một là, chỉ số giá tiêu dùng tháng 11 giảm âm và cả năm 2014 dự kiến sẽ tăng thấp, ở mức khoảng 3% so với 5% theo kế hoạch. Thủ tướng chỉ rõ đây là vấn đề rất quan trọng, phải đánh giá nguyên nhân, dự báo tình hình cho thấu đáo. Có ý kiến cho rằng nguyên nhân của tình hình này là do kinh tế khó khăn, tổng cầu yếu, sức mua thấp, có nguy cơ giảm phát.
Qua thảo luận, các thành viên Chính phủ khẳng định không có biểu hiện của giảm phát, kinh tế vẫn tăng trưởng khá, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tiếp tục được cải thiện, 11 tháng ước tăng 11,1%, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 6,5%, cao hơn 3 năm trước, cho thấy tín hiệu tốt về tăng tổng cầu.
Như vậy, nhu cầu tiêu dùng 11 tháng năm 2014 ở mức cao hơn những năm trước. Nguyên nhân chủ yếu của lạm phát tăng thấp là do giá đầu vào (giá xăng, giá gas) giảm mạnh trong thời gian qua, không phải do tổng cầu yếu. Chính phủ thống nhất nhận định diễn biến lạm phát là một tín hiệu tốt cho doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, giảm chi phí đầu vào, giảm giá thành sản phẩm… qua đó kích thích nhu cầu tiêu dùng trong nước.
Hai là, yếu tố đáng lưu ý là việc giá xăng dầu thế giới tiếp tục giảm mạnh. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành phải tính toán cụ thể tác động của việc này đối với hàng loạt chỉ số kinh tế vĩ mô như giá cả, lạm phát, xuất nhập khẩu, tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách Nhà nước…, từ đó chuẩn bị phương án điều hành phù hợp, tránh bị động.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế mà trọng tâm là tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước và tái cơ cấu ngân hàng thương mại.
Về tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, Thủ tướng nhấn mạnh phải tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp nhưng tập trung vào cổ phần hóa nhằm thay đổi cơ cấu sở hữu, giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước. Thủ tướng cho rằng: “Đây là giải pháp căn bản, quan trọng nhất để có những doanh nghiệp Nhà nước mới, quản trị tốt hơn, năng động hơn, chống tham nhũng thất thoát hiệu quả hơn. Việc cổ phần hóa không những nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp Nhà nước mà còn thu về một nguồn vốn để phục vụ các lĩnh vực đang có nhu cầu đầu tư cấp bách như y tế, giáo dục”.
Về tái cơ cấu các ngân hàng thương mại, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục thực hiện quyết liệt như Đề án đã được phê duyệt. “Kiên quyết thực hiện tái cơ cấu; thực hiện công khai, minh bạch, đúng pháp luật”.
Về cải cách hành chính, Chính phủ đã dành nhiều thời gian thảo luận, nhất là về cải cách thủ tục hành chính. Chúng ta đã có rất nhiều nghị quyết xung quanh vấn đề này. Với chỉ tiêu đưa ra thì cho đến giờ này, các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện chỉ còn trên dưới 10% kế hoạch. Phần trên dưới 10% còn lại Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, các thành viên Chính phủ, các địa phương phải tự đề ra kế hoạch cho mình, để phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn, đừng để vướng mắc kêu ca như thời gian qua; rơi vào ngành nào, địa phương nào thì người đứng đầu ngành, địa phương đó phải chịu trách nhiệm.
Về tổ chức, bộ máy, Chính phủ thống nhất năm 2015 không tăng biên chế, trước mắt chưa thể giảm được ngay thì cũng không tăng. Còn với những biên chế giảm tự nhiên (nghỉ hưu) thì các đơn vị có thể bổ sung để bảo đảm công việc, cân đối điều hành trong phạm vi từng đơn vị nhưng cũng không quá 50% số đã nghỉ hưu, 50% biên chế còn lại phục vụ cho yêu cầu, nhiệm vụ mới phát sinh. Tinh thần đó thể hiện sự quyết liệt thực hiện các nghị quyết của Đảng, Quốc hội về tổ chức bộ máy.
Tháng 12 còn lại và trong năm 2015, tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, trong đó tập trung công tác chống buôn lậu, vì nếu không làm tốt công tác này thì ảnh hưởng rất lớn đến nhiều vấn đề. Với hàng gian, hàng giả, kinhd oanh trái phép, đã có chỉ đạo quyết liệt nhưng phải có đồng tình, ủng hộ vào cuộc của tất cả chúng ta.
Về tai nạn giao thông, Nghị quyết của Quốc hội vừa giao nhiệm vụ là năm 2015 cố gắng từng địa phương phải giảm 5-10%. Phải thực hiện giải pháp đồng bộ, quyết liệt hơn nữa.
Tại phiên họp, Chính phủ cũng đã thảo luận một vấn đề rất được nhân dân quan tâm trong thời gian qua: Phương án cho các kỳ nghỉ sắp tới. Quan điểm là từng địa phương, đơn vị, từng ngành phải sắp xếp để bảo đảm hoạt động phục vụ người dân, doanh nghiệp một cách tốt nhất. Với tinh thần đó, dịp Tết Dương lịch người lao động được nghỉ 4 ngày, Tết âm lịch 9 ngày và dịp Ngày Chiến thắng 30/4, Quốc tế Lao động 1/5 và Giỗ tổ Hùng Vương nghỉ liên tục 6 ngày.
PV Từ Nguyên (báo điện tử Economy): Vừa rồi dư luận đang rất quan tâm đến dự án ở khu vực Thừa Thiên-Huế, cụ thể ở trên khu vực đèo Hải Vân. Tỉnh Thừa Thiên-Huế đã ra quyết định tạm dừng dự án này và đến thời điểm này Thủ tướng vẫn chưa có quyết định chính thức, chưa lên tiếng về dự án này. Xin hỏi Bộ trưởng Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Văn Nên, cá nhân Bộ trưởng đánh giá thế nào về sự việc này và liệu việc cấp phép của Thừa Thiên-Huế có đúng quy định hay không?
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Văn Nên: Trước hết, đối với dự án này, báo chí, dư luận đã lên tiếng rất nhiều. Đến giờ này thông tin chúng ta được biết là đã công khai: UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đã họp với các ngành chức năng và các cơ quan có liên quan, các địa phương để quyết định dừng dự án này, giao lại cho BQL Dự án Lăng Cô, Chân Mây. BQL Dự án sẽ tiếp tục làm việc với các đối tác đúng theo tinh thần, quy định của pháp luật. Giao trách nhiệm cho các cơ quan chức năng tiếp tục xem xét, nghiêm túc rút kinh nghiệm những vấn đề đã làm và phải sửa, ngay cả trong hợp đồng của dự án này cũng có những sơ hở.
Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành chức năng tham gia cùng địa phương nhanh chóng xem xét để rút ra bài học, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, sau đó có vấn đề gì thì Chính phủ chỉ đạo tiếp. Việc bắt đầu dự án, phát hiện dự án này và đến giờ đã dừng lại, đều có lý do chính đáng của nó. Dù thế nào đi nữa thì việc này đã dừng lại rồi.
PV Văn Hùng (báo Nông nghiệp Việt Nam): Về sự việc bà Lê Thị Thủy sau 30 năm gửi số tiền tiết kiệm tại ngân hàng 270 đồng vừa rồi được ngân hàng tất toán 4.385 đồng, xin hỏi Bộ trưởng-Chủ nhiệm VPCP, với cương vị của mình, Bộ trưởng có tham mưu gì cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để giải quyết cho bà Thủy và những trường hợp tương tự một cách thỏa đáng? Nhân đây tôi muốn nói rằng phải chăng việc gửi tiền như vậy khiến người dân lo lắng và xoay sang hướng tích trữ vàng.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên: Chúng tôi nhận thức đất nước trải qua những chặng đường lịch sử và vấn đề tiền gửi qua những giai đoạn rất phức tạp nhưng tất cả đều có quy định. Quan điểm của chúng tôi là đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền một cách đầy đủ nhất theo quy định của pháp luật.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Văn Nên – Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
PV Chí Hiếu (báo điện tử VNExpress): Liên quan đến giá dầu, theo thông tin trong thông cáo báo chí nói, giá dầu đã giảm hơn 30 USD so với thời kỳ khoảng 60 tháng trước, điều này khiến ngân sách khó khăn. Xin hỏi Chính phủ đã bàn những giải pháp nào và Bộ Tài chính có kịch bản nào để bù đắp khoản hụt này?
Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên: Hiện nay, giá dầu giảm nhanh, theo dự báo của các chuyên gia, có thể tăng lại khoảng giữa năm 2015, nhưng đó chỉ là dự báo, chưa biết thế nào, tình hình vẫn đang diễn biến phức tạp. Trong khi đó, Chính phủ báo cáo kế hoạch cân đối ngân sách với Quốc hội, đã dự tính là giá dầu 100 USD/thùng. Tới giờ này, như bạn nói, giảm khoảng 30 USD, con số có thể còn thay đổi. Chúng ta cứ tính rằng, mỗi 1 USD giảm thì chúng ta mất 1.000 tỷ và như thế thì chúng ta dự tính nếu năm 2015, con số trên dưới 80 USD/thùng thì chúng ta mất 20.000 tỷ.
Phiên họp này, Bộ Tài chính đã có tính toán các phương án để bù đắp khoản mất đó. Về phía khai thác dầu mỏ, hiện nay, chúng ta có rất nhiều điểm khai thác, nhưng giá thành tính ra từ 35-40 cho tới 70 USD/thùng. Tại kỳ họp Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo xem xét lại những mỏ dầu có giá thành cao, tính toán không khai thác lúc này, chỉ khai thác những mỏ dầu có thể đem lại cho chúng ta lợi nhuận tương đối. Đồng thời, chúng ta tính toán cân đối các nguồn khác để bù đắp số hụt có thể xảy ra. Đến giờ này, chúng ta có thể tạm yên tâm rằng phương án bù đắp của Bộ Tài chính đưa ra là khả thi.
PV Kiều Minh (báo Nông thôn ngày nay): Xin hỏi Bộ trưởng-Chủ nhiệm VPCP, vừa qua báo chí đã đưa tin về sát nhập trường học ở Hương Khê-Hà Tĩnh dẫn đến việc 600 trẻ thất học. Đến nay là tháng thứ tư rồi. Tôi được biết là trong phiên họp Chính phủ ngày hôm nay, Thủ tướng cũng có bàn qua về sự việc này. Bộ trưởng có thể cho biết quan điểm của Chính phủ về việc giải quyết vấn đề này như thế nào để 600 trẻ có thể sớm quay lại trường học?
Ngoài ra, vừa qua Ủy ban Kiểm tra T.Ư đã có kết luận về vụ việc của ông Trần Văn Truyền. Bên Thanh tra Chính phủ, thông qua vụ việc đó, đã chỉ ra một số sai phạm liên quan đến phân phối nhà, đất ở một số tỉnh như TPHCM cũng như Bến Tre. Xin hỏi với những sai phạm của các tỉnh, thành phố đó thì Chính phủ có chỉ đạo để giải quyết không?
Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên: Trước hết, sự việc ở Hương Khê-Hà Tĩnh báo chí đã đưa rất nhiều, tôi xin nói tóm lại như thế này: Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến giáo dục và đã, đang tiếp tục quan tâm, đặc biệt là đối với vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc còn khó khăn. Thực tế hiện nay ở một số vùng có những trường nghèo, số lượng học sinh rất ít. Ở đây xuất hiện tình huống là khi thực hiện chuẩn bị nâng cao chất lượng giáo dục, đảm bảo khai thác cơ sở hạ tầng giáo dục một cách đúng mức, không lãng phí, tập trung các điều kiện để phát huy được hạ tầng giáo dục thì ở địa phương đã thực hiện nhiệm vụ này nhưng không làm tốt, không tuyên truyền, tạo được sự đồng thuận cho nhân dân nên dẫn đến tình trạng hàng trăm em trong nhiều tháng không được đến trường. Quan điểm của Đảng và Nhà nước là dứt khoát không để tình trạng các em không được đến trường. Cho nên Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã trực tiếp chỉ đạo các bộ, ngành liên quan, nhanh chóng phối hợp với địa phương bàn bạc và tìm ra giải pháp tốt nhất chấn chỉnh, khắc phục, để cho các em được đến trường theo điều kiện có thể và theo quy định là tháng 12 này phải giải quyết xong. Tinh thần này báo chí đã tham gia và có nhiều bài viết, tôi rất hoan nghênh. Cần làm sao để bà con vùng sâu, vùng xa ủng hộ chủ trương của chúng ta, có sự chia sẻ thấu đáo. Quan điểm tốt mà thực hiện không thấu đáo thì dẫn đến kết quả không tốt.
Thứ hai là sự kiện của đồng chí Trần Văn Truyền. Hiện nay, Ủy ban Kiểm tra T.Ư đã kết luận rất cụ thể, rõ ràng, giao cho cơ quan quản lý có thẩm quyền tiến hành kiểm điểm các tổ chức, cá nhân có liên quan đến vụ việc. Vấn đề này có thể chúng ta nhận thấy một số điểm như thế này: Trước hết là vai trò quản lý của cơ quan quản lý đối với cán bộ về hưu. Ban Bí thư đã trực tiếp chỉ đạo Ủy ban Kiểm tra làm việc một cách nghiêm túc, công khai, minh bạch. Thứ hai, chúng ta có thể thấy rằng, đối với cán bộ dù đương chức hay về hưu thì đã có quy định nghiêm, đều thực hiện giống như nhau, không có ngoại lệ. Hiện nay, các địa phương như TPHCM, Bến Tre đang tiến hành kiểm điểm các tổ chức, cá nhân. Sau kiểm điểm, chúng ta sẽ có thông tin đầy đủ hơn.
PV Thế Dũng (báo Người lao động): Xin hỏi Bộ trưởng-Chủ nhiệm VPCP, liên quan đến vụ việc của ông Trần Văn Truyền, nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ. Trước đó báo chí đã nêu nhiều về trường hợp này, sau đó Ủy ban Kiểm tra T.Ư đã có kết luận.Gần đây báo chí cũng nêu một số trường hợp như Bí thư Hải Dương Nguyễn Thanh Quyến hay ông Hòa (Lâm Đồng) có khối tài sản rất lớn liên quan đến đất đai. Sau trường hợp ông Trần Văn Truyền thì những trường hợp như vậy có được xem xét hay không? Gần đây, ĐBQH có ý kiến trên báo Tuổi trẻ đặt vấn đề rằng còn bao nhiêu ông Truyền nữa?
Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên: Câu hỏi của bạn về ông Trần Văn Truyền có liên quan đến một số vấn đề về cán bộ, trách nhiệm xử lý cán bộ khi có liên quan đến những vấn đề dư luận đang quan tâm.
Như chúng ta biết, đối với đất nước chúng ta, vấn đề cán bộ do Đảng quản lý. Đảng có phân cấp quản lý đối với từng cấp cán bộ, có quy trình, quy định chặt chẽ, rõ ràng. Trên cơ sở đó, khi xuất hiện bất cứ tình huống nào có liên quan đến cán bộ giống như trường hợp của ông Trần Văn Truyền, cơ quan có thẩm quyền, có trách nhiệm quản lý sẽ làm những việc cần theo quy định. Sau khi thực hiện, nếu thấy có vi phạm vấn đề gì thì sẽ công khai giống như trường hợp của ông Truyền.
Đảng sẽ không bỏ sót trường hợp nào có liên quan đến cán bộ. Cấp quản lý sẽ nghe và tổ chức thực hiện đúng theo quy định được phân cấp của Đảng. Như vậy những vấn đề gì chúng ta phát hiện, nêu lên thì tiếp tục theo dõi, xem từng việc khác nhau, từng người khác nhau, từng vấn đề khác nhau. Chúng ta không thể so sánh trường hợp này với trường hợp khác. Như trường hợp của ông Truyền cho thấy sự kiên quyết, thể hiện tinh thần trách nhiệm rất cao, công khai, minh bạch và thực hiện đúng theo các bước. Hiện nay, Ban Bí thư chỉ đạo Ủy ban Kiểm tra T.Ư, các địa phương liên quan xem xét các trường hợp khác; nếu có vi phạm chắc chắn cũng sẽ thực hiện như vậy.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thị Minh trả lời câu hỏi của phóng viên tại buổi họp báo – Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
PV Song Đào (báo điện tử Tổ quốc): Tôi có một câu hỏi với Bộ Tài chính. Hôm nay Bộ GTVT đã có văn bản gửi Bộ Tài chính đề xuất bổ sung giá cước vận tải theo tuyến cố định, xe buýt, xe taxi và vận tải hàng hóa vào danh mục bình ổn giá, vậy Bộ Tài chính đã nhận được chưa? Bộ Tài chính và Bộ GTVT có thể cung cấp số liệu về các DN đã giảm giá cước?
Thứ tưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thị Minh: Bộ Tài chính đã có văn bản gửi Bộ GTVT cũng như UBND các tỉnh, thành phố để phối hợp cùng kiểm soát giảm giá cước vận tải theo mức giảm của giá xăng dầu. Chúng tôi cũng đã phối hợp với Bộ GTVT thành lập các đoàn kiểm tra làm việc với TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, TP. Đà Nẵng về giá vận tải. Kết quả cụ thể chúng tôi đã có thông tin trên trang web của Bộ Tài chính, sơ bộ như sau:
Tại Hà Nội, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ taxi đã kê khai giảm giá cước với tỷ lệ giảm giá trung bình từ 2-10%; kinh doanh vận tải hành khách tuyến cố định đã kê khai giảm giá cước với tỷ lệ giảm giá trung bình từ 5,8-10% và vận tải hàng hóa kê khai giảm giá 3,4-3,9%.
Tại TP. Hồ Chí Minh, tại thời điểm kiểm tra, nhiều doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ taxi đã kê khai giảm giá cước từ 2,7-9% (tuỳ cự ly vận chuyển), vận tải hành khách tuyến cố định đã kê khai giảm giá cước với tỷ lệ giảm giá 2-11,33%.
Tại Đà Nẵng, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ taxi kê khai giảm giá từ 3-32%, các tuyến vận tải cố định Đà Nẵng tới các tỉnh cũng sẽ tính toán kê khai giảm, các doanh nghiệp vận tải hàng hóa đã kê khai giảm từ 3,2-6,7%.
Ngày 1/12/2014, Bộ Tài chính có công văn số 17496 /BTC-QLG về việc tiếp tục tăng cường quản lý giá cước vận tải bằng xe ô tô trên địa bàn và triển khai thực hiện Thông tư liên tịch 152/2014/TTLT/BTC-BGTVT (thay thế Thông tư liên tịch số 129/2010/TTLT-BTC-BGTVT, đã có hiệu lực thi hành) gửi Sở Tài chính các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Công văn yêu cầu thứ nhất, tiếp tục giám sát kê khai giảm giá cước vận tải phù hợp giá xăng dầu. Trường hợp cần thiết thành lập đoàn liên ngành thanh tra, kiểm tra thực hiện pháp luật về giá, báo cáo về Bộ trước 15/12/2014.
Thứ hai, triển khai, hướng dẫn thực hiện Thông tư liên tịch số 152/2014/TTLT-BTC-BGTVT. Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông vận tải tham mưu trình Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh:
Một, xem xét bổ sung dịch vụ kinh doanh vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải vào danh mục dịch vụ thực hiện kê khai giá tại địa phương nếu thấy cần thiết trên cơ sở tình hình thực tế tại địa phương;
Hai, thông báo danh sách các đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện kê khai giá cước vận tải ô tô trên địa bàn địa phương; phân công cơ quan chủ trì tiếp nhận văn bản kê khai giá của các đơn vị thuộc danh sách các đơn vị thực hiện kê khai giá trên địa bàn tỉnh, đơn vị có trụ sở hoặc chi nhánh hạch toán độc lập trên địa bàn tỉnh;
Ba, hướng dẫn, giám sát việc thực hiện kê khai giá cước vận tải bằng xe ô tô, giá dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ trên địa bàn theo quy định của pháp luật; kiên quyết dừng các trường hợp kê khai giá không phù hợp với tác động của yếu tố hình thành giá, xử lý nghiêm các trường hợp chậm giảm giá cước khi giá nhiên liệu giảm sâu;
Bốn, tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật về giá và về thuế trên địa bàn đối với hàng hóa dịch vụ quan trọng thiết yếu nói chung, giá cước vận tải ô tô nói riêng.
Công văn này vừa ký lưu hành và đã đăng trên trang web của Bộ Tài chính. Mời các phóng viên tham khảo kỹ hơn.
PV Văn Thành (báo Tuổi trẻ TPHCM): Xin hỏi lãnh đạo NHNN, lạm phát thấp hiện nay thì có tính toán gì đến lãi suất cơ bản gỡ khó cho DN không? Việc đàm phán TPP hiện nay đến đâu rồi còn khó khăn gì?
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng: Liên quan đến vấn đề lãi suất, việc điều hành lãi suất của NHNN bên cạnh dựa vào diễn biến kinh tế vĩ mô như lạm phát thì còn bám sát diễn biến ngân hàng như thanh khoản, huy động vốn các tổ chức tín dụng, điều hành lãi suất sao cho hài hòa lợi ích người dân-ngân hàng. Thời gian vừa qua, NHNN đã giảm trần lãi suất huy động thời hạn 6 tháng là 0,5% giảm lãi suất cho vay đối với 5 lĩnh vực ưu tiên. Với mức giảm lãi suất rất mạnh trong mấy năm vừa qua, lãi suất hiện nay so với thời điểm 2005-2006 thấp ngang bằng thậm chí còn thấp hơn.
Lãi suất không phải yếu tố cản trở dòng tín dụng. Thông tin Bộ trưởng-Chủ nhiệm VPCP cho thấy hoạt động kinh tế vĩ mô hoạt động sản xuất kinh doanh có khởi sắc. Vì thế tín dụng ngân hàng có tăng trưởng trở lại, phù hợp diễn biến tăng cầu nền kinh tế. NHNN sẽ theo dõi sát diễn biến để có giải pháp điều hành cho phù hợp.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh tại buổi họp báo – Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh: Đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương là quan trọng, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước là chủ động tích cực trong hội nhập quốc tế. Trong thời gian qua, đàm phán TPP đã trải qua hơn 20 phiên chính thức, nhiều phiên đàm phán giữa kỳ, giữa các nhóm nhỏ. Đặc biệt đã trải qua 5 phiên đàm phán cấp Bộ trưởng, gần đây nhất đàm phán Bộ trưởng được tổ chức tại Australia. Ngay sau đó, các lãnh đạo đã gặp bên lề Hội nghị Cấp cao APEC tại Bắc Kinh thống nhất quyết tâm sớm hoàn thành quá trình đàm phán.
Lãnh đạo các quốc gia không đưa ra thời hạn cụ thể, nhưng nếu đọc tuyên bố các nhà lãnh đạo đàm phán TPP, sẽ thấy tinh thần quyết tâm và khẩn trương giao nhiệm vụ cụ thể hướng đến kết thúc đàm phán trong thời gian sớm nhất có thể.
Đêm nay (1/12), đoàn Việt Nam sẽ lên đường tham dự đàm phán cấp trưởng đoàn tại Washington DC, tập trung vào một số nội dung tương đối phức tạp là: Doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), môi trường, mở cửa thị trường hàng hóa, đặc biệt là đàm phán về quy tắc xuất xứ. Tiếp theo đó, hiện nay thời gian chưa xác định cụ thể, nhưng nhiều khả năng trong tháng Giêng, sẽ có vòng đàm phán nữa, bàn tiếp các vấn đề khó như sở hữu trí tuệ, đưa lên các Bộ trưởng một phương án cả gói để kết thúc đàm phán sớm nhất trong năm 2015.
PV Văn Thành (báo Tuổi trẻ TPHCM): Trong đàm phán vừa rồi, có đề cập đến nền kinh tế số và đảm bảo quyền riêng tư cá nhân, việc này sẽ thực hiện thế nào? Cơ quan chức năng không được yêu cầu các đơn vị như Google cung cấp thông tin cá nhân có phải không?
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh: Trong đàm phát Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương cũng như đàm phán Thương mại tự do EU, chúng ta có đàm phán chương thương mại điện tử. Hai nguyên tắc cơ bản của thương mại điện tử là tự do lưu chuyển thông tin trên Internet. Nếu không có tự do lưu chuyển thông tin thì không thể có thương mại điện tử. Nguyên tắc thứ hai là không yêu cầu bên khác đặt máy chủ trên lãnh thổ nước mình mới được làm thương mại điện tử.
Tuy nhiên, trong lúc thừa nhận các nguyên tắc cơ bản đó, tất cả các quốc gia đàm phán TPP cũng như Việt Nam, EU đều thừa nhận các ngoại lệ của nguyên tắc đó. Ngoại lệ đầu tiên là vấn đề an ninh quốc gia, một quốc gia có thể thực hiện bất kỳ biện pháp nào, kể cả hạn chế thương mại điện tử, nếu như thực hiện vì lý do đảm bảo an ninh quốc gia. Thứ hai, các quốc gia liên quan có thể thực hiện bất kỳ biện pháp nào không phù hợp với các quy định của hiệp định nếu như các biện pháp đó đảm bảo mục tiêu công cộng chính đáng. Chúng ta có nhiều mục tiêu công cộng chính đáng như: An toàn, trật tự xã hội. Thứ ba, các quốc gia đều có quyền kiểm soát thông tin trên mạng để đảm bảo thuần phong mỹ tục, đảm bảo quy định pháp luật quốc gia về quyền riêng tư…
Như vậy trong tương lai, chúng ta hoan ngênh tất cả các nhà cung cấp thương mại điện tử trên Internet nhưng chúng ta có quyền thực hiện pháp luật quốc gia về đảm bảo quyền riêng tư với các nhà cung cấp dịch vụ, kể cả khi các nhà các nhà cung cấp dịch vụ trên lãnh thổ hay từ bên ngoài Việt Nam, bất kể nhà cung cấp nào… Tôi tóm tắt lại: Có nguyên tắc cơ bản tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại điện tử, nhưng các quốc gia có thể dùng biện pháp của mình để thực hiện mục tiêu công cộng chính đáng, trong đó có mục tiêu bảo vệ quyền riêng tư theo pháp luật của nước mình.
Nguồn Chính phủ
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.