10 cuốn sách hay nhất năm 2014
Dù vẫn chưa hết năm 2014 nhưng công ty bán lẻ trực tuyến lớn hàng đầu thế giới Amazon đã công bố danh sách “Những cuốn sách hay nhất năm 2014” dựa trên doanh số bán ra của công ty này trong năm nay.
Top 10 cuốn sách hay nhất của năm 2014 đến từ nhiều thể loại đa dạng, từ cuốn tiểu thuyết kể về chuyến thám hiểm kinh hoàng lên Bắc Cực tới cuốn tiểu thuyết viết về những người nhập cư nghèo khổ mang trong mình “giấc mơ Mỹ”… Có thể thấy sự đa dạng về đề tài và thể loại của những cuốn sách bán chạy nhất trong năm 2014 theo thống kê của Amazon.
“Everything I Never Told You” (Mọi điều tôi chưa nói với em – tác giả Celeste Ng): Sau khi cô bé tuổi teen xinh đẹp Lydia đột ngột qua đời không rõ lý do, gia đình em bắt đầu rơi vào bi kịch kinh hoàng. Vốn là một gia đình nhập cư gốc Á, bố mẹ Lydia phải vật lộn với cuộc sống để có thể đảm bảo việc học hành cho các con. Lydia xinh đẹp, giỏi giang và hướng ngoại là niềm hy vọng về một “giấc mơ Mỹ” của cả gia đình.
Cha mẹ đặt vào em mọi kỳ vọng, với niềm tin rằng Lydia chính là người sẽ thực hiện được mọi ước mơ không thành của ông bà, nhưng tất cả hy vọng bất ngờ trở thành tuyệt vọng khi bi kịch xảy đến với đứa con gái mà ông bà cưng nhất. Sự phân biệt chủng tộc, sự lạc lõng trong xã hội, sự cô đơn ngay trong chính gia đình, sự xa lạ ngay với những người thân thiết nhất… Đó là những vấn đề mà cuốn tiểu thuyết chạm tới.
“All the Light We Cannot See” (Tất cả ánh sáng mà ta không nhìn thấy – tác giả Anthony Doerr): Cuốn tiểu thuyết kể về hai người bạn nhỏ. Một cô bé người Pháp bị khiếm thị có tên Marie-Laurie, em sống với cha trong thời kỳ diễn ra Thế chiến II. Một cậu bé mồ côi người Đức có tên Werner với biệt tài sửa chữa những chiếc đài radio cũ hỏng, về sau, tài năng của Werner khiến em bị đưa vào phục vụ trong quân đội Phát-xít Đức.
Hai người bạn nhỏ, đặt dưới bối cảnh lịch sử đương thời, đứng ở hai chiến tuyến, nhưng bằng duyên kỳ ngộ, khi họ tình cờ quen biết nhau, họ đã cư xử với nhau rất đẹp. Cuốn tiểu thuyết một lần nữa khẳng định niềm tin vào sự tốt đẹp trong bản tính con người.
“In the Kingdom of Ice” (Trong vương quốc băng giá – tác giả Hampton Sides): Cuốn tiểu thuyết lấy bối cảnh năm 1879, khi ông chủ của một tờ báo lớn tại thành phố New York, Mỹ quyết định tài trợ tiền cho một nhóm hải quân Mỹ thực hiện chuyến thám hiểm lên Bắc Cực.
Chuyến đi này đã bất ngờ trở nên tồi tệ kinh hoàng khi con tàu của đoàn thủy thủ bị mắc kẹt trong băng đá và vỏ tàu bị vỡ. Những thủy thủ trên tàu đã phải vật lộn với cái đói, cái rét, với những con gấu trắng Bắc Cực chỉ chực ăn thịt họ, với những cơn điên loạn của một số thành viên trong đoàn vì quá suy sụp… Họ phải chiến đấu với thiên nhiên và với chính mình những mong có cơ hội được trở về nhà.
“The Short and Tragic Life of Robert Peace” (Cuộc đời ngắn ngủi và bi kịch của Robert Peace – tác giả Jeff Hobbs): Robert Peace là một nam sinh người Mỹ gốc Phi, sinh sống ở một khu dân cư nghèo. Cậu có trí tuệ đáng nể và một quyết tâm sắt đá rằng phải thành công, nhờ vậy, Peace đã nhận được học bổng toàn phần vào học tại trường Đại học Yale danh tiếng.
Dường như đã đạt được “giấc mơ Mỹ” mà nhiều người Mỹ gốc Phi nghèo khó khác vẫn luôn mơ ước, nhưng Peace chưa bao giờ cảm thấy mình thực sự thuộc về một nơi nào – nơi xuất thân nghèo khó, hay nơi phồn hoa đô hội mà bằng học thức cậu đã vươn được tới. Việc đồng thời sống ở cả hai thế giới khác biệt đã khiến Peace phải trả giá bằng chính mạng sống của mình. Cuộc đời Robert Peace là một câu chuyện có thật, đưa lại nhiều suy ngẫm về chủng tộc, đẳng cấp rất nghiệt ngã.
“Redeployment” (Bố trí lại – tác giả Phil Klay): Trong cuốn sách này là tuyển tập 12 truyện ngắn viết về trải nghiệm của những lính Mỹ góp mặt trong cuộc chiến tranh Iraq. Ở đó, người ta bắt gặp những nỗi sợ kinh hoàng thời chiến, nỗi nhớ nhà da diết và sự bung trào hạnh phúc khi còn đủ may mắn để có thể trở về với gia đình…
“Revival” (Sự hồi sinh – tác giả Stephen King): Cuốn tiểu thuyết rùng rợn trải dài suốt 5 thập kỷ, xoay quanh chàng ca sĩ Jamie Morton và Đức cha Charles Jacobs. Hai người đàn ông này cùng bị ám ảnh bởi quá khứ bi kịch và cùng có những bí mật giấu kín.
Sở hữu những điểm tương đồng như vậy, họ dễ dàng bị thu hút về phía nhau một cách tự nhiên, để cùng tìm lời giải đáp cho những câu hỏi vẫn còn vương vấn trong quá khứ. Nhưng điều này đã đưa họ đến với một kết cục còn kinh hoàng hơn những gì đã xảy ra trong quá khứ.
“Savage Harvest” (Mùa gặt hoang vu – tác giả Carl Hoffman): Năm 1961, một thanh niên 23 tuổi người Mỹ xuất thân từ một gia đình giàu có và quyền lực – Michael Rockefeller – thực hiện chuyến du ngoạn tới hòn đảo New Guinea nằm ở tây nam Thái Bình Dương. Michael Rockefeller đã mất tích không để lại dấu vết.
Cho đến giờ, hơn 5 thập kỷ đã trôi qua nhưng vụ mất tích của người thanh niên này vẫn còn là bí ẩn. Nhiều người đưa ra giả thuyết rằng những thổ dân bản địa vốn có tập tục ăn thịt người đã tấn công Michael Rockefeller. Cuốn tiểu thuyết được viết theo phong cách trinh thám hứa hẹn đưa lại cho độc giả những trải nghiệm thú vị và cả rợn tóc gáy về một nền văn minh xa lạ.
“The Book of Unknown Americans” (Cuốn sách của những người Mỹ vô danh – Cristina Henríquez): Gia đình Rivera quyết định rời xa đất nước Mexico để tới Mỹ tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn, nhưng khi đặt chân tới miền đất hứa, họ mới thực sự hiểu rằng giờ đây, từng việc nhỏ nhất cũng khiến họ phải đối mặt với khó khăn, khi họ không thông thạo ngôn ngữ, văn hóa khác biệt, cùng sự phân biệt chủng tộc.
Cô con gái của họ – Maribel đã gặp gỡ, kết thân và dần dần có cảm tình với một cậu bạn người Panama có tên Mayor. Tuy vậy, tình yêu giữa Maribel và Panama bị phủ bóng đen bởi những bất công và khốn khổ mà những người nhập cư như các em thường xuyên phải đối mặt. Cuốn tiểu thuyết được cho là đã đưa lại tiếng nói cho hàng triệu người “vô danh” sống trên đất Mỹ.
“Big Little Lies” (Những lời nói dối nhỏ to – tác giả Liane Moriarty): Cuốn tiểu thuyết xoay quanh ba bà mẹ trẻ trung, xinh đẹp và sống trong một khu dân cư khá giả. Cuốn tiểu thuyết do phụ nữ viết và viết về phụ nữ, trong đó, cuộc sống làm vợ, làm mẹ vốn tưởng chẳng phải quá “mệt óc” lại đầy rẫy những màn đấu trí gay cấn, đòi hỏi những trí tuệ sáng láng.
Trong đó, người phụ nữ phải đối diện với chồng cũ, với vợ mới của chồng, phải nuôi dạy con chung – con riêng, những scandal của các con và của cả chính các bậc phụ huynh… Có lẽ vì vậy mà cuộc sống của một bà nội trợ cần tới nhiều những lời nói dối nhỏ. Khi một lời nói dối nhỏ bỗng trở thành to, đó là khi lời nói dối trở nên nguy hiểm.
“Station Eleven” (Ga 11 – tác giả Emily St. John Mandel): Sau khi một chủng virus nguy hiểm lan truyền khắp nước Mỹ gây ra một đại dịch nguy hiểm, người ta cố thủ trong những căn hộ đóng kín để tránh khỏi cái chết đang treo lơ lửng trong không trung.
Nền văn minh của loài người đang trên đà bị đe dọa hủy diệt. Cuốn tiểu thuyết bám sát cuộc sống trước, trong, và sau khi chủng virus này tấn công con người. Trong bệnh dịch, trước tai ương, những tốt xấu trong con người mới bộc lộ rõ nét khi người ta rơi vào cơn khủng hoảng thật sự.
Nguồn Dân trí
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.